Đôi nét về đô thị miền sông nước Cần Thơ qua lịch sử

Chủ nhật - 10/11/2024 08:44 152 0
Cần Thơ - thủ phủ của khu vực Tây Nam Bộ, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, tiêu biểu cho đô thị vùng sông nước Cửu Long. Công cuộc khai phá vùng đất Cần Thơ có phần muộn hơn các vùng khác, nhưng nhờ vị thế địa - văn hóa, kinh tế và chính trị mà chỉ trong khoảng thời gian ngắn, Cần Thơ đã phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm của khu vực ÐBSCL.
10 11 song

Lễ hội trên sông nước Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai mở và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Cùng với lịch sử dân tộc, vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ đã trải qua nhiều lần thay đổi tên gọi và địa giới hành chính. Mỗi giai đoạn đều ghi dấu những bước phát triển mới của vùng đất này.
 

“Trên không gian hoang vu của vùng đất phương Nam, mãi đến thế kỷ XVI, XVII mới được các tập đoàn lưu dân kéo tới khai khẩn, mở ra một tiến trình lịch sử mới với một mô thức văn hóa khác. Trong tiến trình đó, Cần Thơ xưa là lõm đất chẳng những so với miệt trên (Ðồng Nai - Sài Gòn) mà cả với miệt dưới (Hà Tiên)”(1). Thậm chí “mãi đến khi người Pháp đến xâm chiếm, Cần Thơ vẫn là vùng không quan trọng. Cả khu vực ở ngọn rạch Cần Thơ ăn thông qua sông Cái Bé thuộc đạo Kiên Giang vẫn còn bỏ hoang, đi lại khó khăn, không có người ở. Thời Gia Long, vùng Cần Thơ chưa có nhiều người Việt đến định cư nên cả vùng Cần Thơ rộng lớn chỉ mới hình thành một số làng như làng Tân An ở khu vực rạch Cần Thơ, làng Thới An ở vùng Ô Môn, làng Thới Thuận, làng Tân Thuận Ðông ở vùng Thốt Nốt, làng Bình Thủy ở khu vực rạch Bình Thủy, làng Phú Mỹ ở khu vực rạch Cái Côn, mà làng này cách làng kia hàng chục cây số, nằm trên các vùng đất gò, đất giồng”(2).

Sau thời vua Minh Mạng, tình hình khai khẩn ở Cần Thơ có phần khả quan hơn, người Việt đến tụ cư đông dần lên, đất đai cũng được khai phá thêm. “Chính vì có sự phát triển nhất định về dân số và diện tích khai khẩn, cho nên đến khoảng năm 1840, vùng Cần Thơ đã được lập thành một huyện - huyện Phong Phú thuộc phủ Tuy Biên, tỉnh An Giang. Ðến giữa thế kỷ XIX (khoảng năm 1853), huyện Phong Phú đã có 3 tổng với 31 xã thôn”(3). Kể từ thời điểm này trở đi, Cần Thơ có sự phát triển vượt bậc. “Riêng ở vùng Cần Thơ, chỉ trong khoảng thời gian 30 năm (từ 1890 đến năm 1920) đã hình thành một hệ thống kênh đào dày đặc nối Cần Thơ với Sóc Trăng, Bạc Liêu, Rạch Giá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng nhanh chóng công cuộc khai thác đất đai”(4).

Với hệ thống sông rạch phong phú và giữ vai trò trọng yếu trong việc canh tác nông nghiệp và vận chuyển hàng hóa, sông rạch Cần Thơ đã góp phần vào việc thay đổi diện mạo Cần Thơ thành một đô thị hiện đại. Ngay từ thế kỷ XIX, Trịnh Hoài Ðức đã mô tả sông Cần Thơ là nơi diễn ra việc buôn bán tấp nập: “Sông Cần Thơ, ở bờ Tây sông Hậu Giang, rộng 8 tầm, sâu 5 tầm, cách phía nam trấn 210 dặm rưỡi. Bờ phía Tây là Thủ sở đạo Trấn Giang, nơi đây chợ phố trù mật, người buôn tụ hội”(5). Có thể nói, ở Cần Thơ lúc bấy giờ “đường sông là mạch máu giao thông chính, ghe xuồng trở nên quan trọng đến mức thiết yếu. Làng xã được hình thành trên các giồng đất trải dài theo sông, rạch và về sau là kinh đào. Chợ búa đều hình thành trên bến sông, rạch, kinh đào. Những khúc sông thuận lợi, giáp nước, cửa vàm, ngã ba, ngã tư trở thành tụ điểm giao thương, thị tứ, trung tâm thương mại - văn hóa của một vùng. Các chợ búa, thị tứ cổ xưa đều hình thành do sông rạch định vị”(6).

Chính nhờ hệ thống sông ngòi chằng chịt nên vùng Cần Thơ xưa đã thu hút dân tứ xứ đến khai khẩn đất, lập làng, ghe xuồng tấp nập kết thành điểm chợ giao thương, trao đổi hàng hóa phong phú và đa dạng.

Năm 1894, bác sĩ người Pháp J.C Baurac đã có những dòng viết về thương mại của Cần Thơ như sau: “Thương mại và kỹ nghệ phát triển rực rỡ. Hằng năm, Cần Thơ sản xuất 7.500.000 giạ lúa, tương đương 2.500.000 tạ. Hạt giữ lại khoảng một phần ba tổng sản lượng để tiêu thụ và xuất khẩu hai phần ba. Nếu cho giá thóc trung bình là 35 đồng bạc (piastre) 100 giạ thì mỗi năm hạt xuất khẩu được 1.850.000 đồng bạc (piastre). Trong số những tiệm có môn bài ở Cần Thơ thì có khoảng 50 thợ kim hoàn, 25 thợ mộc, 8 thợ sắt tây, 90 thợ rèn. Nguồn thu từ đánh bắt hải sản là 15.000 đồng bạc (piastre) mỗi năm đối với cá, và 10.000 đồng bạc (piastre) đối với tôm”(7).

Và những thay đổi theo hướng ngày càng phát triển của Cần Thơ: “Từ vài năm nay, Cần Thơ (châu thành) đã thay đổi một cách choáng ngợp. Những con đường tuyệt đẹp vắt qua châu thành; những bờ kè trồng xoài trải dài hàng trăm mét. Bờ kè bắt đầu từ chỗ gần lô-cốt và kết thúc ở khu chợ. Một con lộ được bảo trì rất tốt men theo các bờ kè, đó là lộ Cần Thơ đi Cái Răng, cũng là lộ chính của châu thành này”(8). Tháng 2 năm 1919, Phạm Quỳnh từ Long Xuyên đến Cần Thơ, cũng có những nhận xét tương tự: “Cần Thơ có cái vẻ mỹ miều, xinh xắn, sạch sẽ phong quang, thật xứng danh làm tỉnh đầu ở miền Tây (La capitale de L’Ouest). Ðường phố thênh thang, cửa nhà san sát, các nhà buôn Tây cũng nhiều hơn tỉnh khác, có chỗ coi xinh đẹp hơn ở Sài Gòn”(9).

Ngoài thương mại, các lĩnh vực giáo dục, văn hóa, thể thao, văn học nghệ thuật ở Cần Thơ cũng phát triển.

Ở lĩnh vực giáo dục, Trường Trung học Cần Thơ đóng vai trò tích cực về mở mang dân trí. Trước kia, gia đình khá giả đưa con cái lên Sài Gòn hoặc qua Pháp, con nhà trung lưu, con nhà nghèo đành học đến sơ học rồi về nhà. Nhà trường gần kề, học sinh Cần Thơ được ưu tiên. Học sinh các tỉnh lân cận, như Rạch Giá, Hà Tiên, Bạc Liêu, Sóc Trăng hoặc Sa Ðéc, Vĩnh Long dễ đến hơn, học ngoại trú thì cũng nhẹ tiền ở trọ. Lại thêm trung học tư, sớm nhất là Trường Võ Văn, dành cho những học sinh không được tuyển vào trường nhà nuớc. Trước kia, công chức, giáo viên của phía Tây Nam phần lớn do trường Trung học Mỹ Tho (cất từ cuối thế kỷ XIX) cung cấp, các ông đốc phủ đều từ Gò Công, Mỹ Tho đến. Trường Trung học Cần Thơ bắt đầu đào tạo nhiều thanh niên lỗi lạc, có những người đã bỏ trường, đi theo tiếng gọi của Việt Nam Thanh niên Cách mạng Ðồng chí Hội, hoặc hưởng ứng bãi khóa, dịp đám tang cụ Phan Chu Trinh. Ðến Cần Thơ, là mở rộng tầm nhìn, được học bản đồ thế giới với những chính thể chính trị đa dạng, thêm nguồn lợi kinh tế của nước khác.

Sinh hoạt ở thị xã Cần Thơ là sinh hoạt Sài Gòn thu hẹp. Từ năm 1910, Cần Thơ và Cái Vồn đã có đoàn chiếu bóng câm, từ Sài Gòn xuống trình diễn. Tuồng xi-nê của Cần Thơ chỉ chiếu chậm hơn Sài Gòn có 7 ngày. Những hội chợ triển lãm tổ chức ở Cần Thơ nào kém chất lượng, so với Sài Gòn: nào khiêu vũ, thi sắc đẹp, dàn nhạc Tây (của giới theo đạo Thiên Chúa), trình diễn, lại còn võ đài, võ sĩ khắp Nam Bộ gom về để tranh chức vô địch. Những cuộc đấu bóng đá ở Cần Thơ thời trước đã lừng danh. Giới chủ lớn ở Bạc Liêu đã trao giải thưởng xứng đáng. Về sau, năm 1937, Liên đoàn bóng đá Hậu Giang cũng đặt trụ sở tại Cần Thơ. Lúa gạo ngon và rẻ, trái cây Phong Ðiền, Bình Thủy nào kém địa phương khác về khối lượng và chất lượng. Thời trang quần áo Việt, Âu, các hiệu đóng giày, hiệu ăn, khách sạn của Cần Thơ một thời nổi danh. Trường Nữ công (dạy thêu, may) Như Văn ra đời sớm nhất miền Tây. Với tranh chấp điền địa, tại Cần Thơ có văn phòng của hai luật sư Pháp, làm ăn khá giả.

[…] Về nghệ sĩ, ở Cần Thơ nên kể cô Năm Cần Thơ nổi danh khi có phong trào thu tiếng vào dĩa hát. Trước đó, gánh Trần Ðắc cho nghệ sĩ của đoàn thâu tiếng vào dĩa Béka (loại tròng tím), với Phùng Há, Năm Châu, Tư Út làm chủ lực. Về văn chương, Cần Thơ đã là trung tâm hoạt động tích cực, chỉ đứng sau Sài Gòn. Hội khuyến học tổ chức nhiều buổi nói chuyện, từ năm 1942, cổ động trùng tu phần mộ Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, lại ra giải thưởng văn chương vào năm 1943 (“Ðồng quê” của Phi Vân ở Cà Mau chiếm giải). Nhiều thành viên của Hội sau này tích cực tham gia kháng Pháp rồi chống Mỹ. Các tỉnh phía Tây Nam muốn tìm văn hóa đã hướng lên Cần Thơ, tạm đủ, chưa cần đến tận Sài Gòn(10).

Như vậy, từ một vùng đất không quan trọng trong buổi đầu khai phá, Cần Thơ dần dần đã phát triển thành trung tâm của khu vực ÐBSCL. “Truyền thống của Cần Thơ là mở rộng, đón nhận khoa học kỹ thuật mới. Mở rộng ở mức độ rất đậm, so với các tỉnh phụ cận. Giờ đây thuyền thống ấy cần được phát huy hơn nữa để Cần Thơ cất cánh, đi lên”(11).

Trần Kiều Quang
(Theo Báo Cần Thơ)
 

------------------

(1) Tỉnh ủy Cần Thơ (2002), “Địa chí Cần Thơ”, tr.23-24.

(2) Huỳnh Lứa (2000), “Cần Thơ lịch sử & phát triển”, Tạp chí Xưa và Nay, số 79B tháng 9, tr.28.

(3) Huỳnh Lứa, Tcđd, tr.29.

(4) Huỳnh Lứa, Tcđd, tr.29.

(5) Trịnh Hoài Đức (1972), “Gia Định thành thông chí”, Bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, tập Thượng. Nha Văn hóa, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, tr.92.

(6) Tỉnh ủy Cần Thơ, Sđd, tr.30.

(7) J.C Baurac (2022), “Nam kỳ và cư dân các tỉnh miền Tây”, Huỳnh Ngọc Linh dịch, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, tr.511.

(8) J.C Baurac (2022), Sđd, tr.513.

(9) Phạm Quỳnh (2001), “Một tháng ở Nam Kỳ”, in trong cuốn “Mười ngày ở Huế”, NXB Văn học, tr.191.

(10) Sơn Nam (1994), “Cần Thơ xưa”, báo Cần Thơ số 267, 268.

(11) Sơn Nam, Bđd, số 270.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây