Lãnh đạo Bảo tàng thành phố tri ân đóng góp của các cá nhân góp phần làm phong phú các bộ sưu tập hiện vật phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu và phát huy truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc.
Hiện nay, thành Cần Thơ có 4 bảo vật quốc gia; 38 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 6 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quốc gia.
Trong những năm qua, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, nhất là gần đây Bảo tàng thành phố thực hiện thêm nhiệm vụ quản lý và phát huy Đền thờ Vua Hùng thành phố Cần Thơ. Năm 2024, Bảo tàng thành phố còn tổ chức triển khai sưu tầm và thực hiện xã hội hóa gần 200 tư liệu, hiện vật quý, phong phú về loại hình... Qua đó góp phần vào công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Trương Công Quốc Việt - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố - mong muốn trong thời gian tới, Bảo tàng thành phố sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa bảo tàng với các tổ chức, cá nhân - những người yêu di sản, động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực hưởng ứng sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; góp phần làm phong phú các bộ sưu tập hiện có để phục vụ nghiên cứu, trưng bày.
Các hiện vật do các cá nhân trao tặng tại buổi họp mặt.
Tại buổi họp mặt, Bảo tàng thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận nhiều tư liệu, hiện vật có giá trị về văn hóa, lịch sử do các cá nhân hiến tặng. Điển hình như kỷ vật trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Cần Thơ và Nam Bộ của ông Phạm Thanh Vận, Nguyên Phó Bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ trong thời kỳ hoạt động cách mạng trên chiến trường Vòng Cung - Cần Thơ; kỷ vật của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Lê Hiền Tài dùng để chiếu sáng trong lúc cứu chữa thương binh trên chiến trường Lộ Vòng Cung; kỷ vật của Đại tá Lê Trọng Nghĩa, nguyên Phó Chỉ huy về Chính trị, Bộ Chỉ huy quận sự tỉnh Cần Thơ trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở Cần Thơ; kỷ vật máy quay phim của nhà báo Phạm Việt Linh ghi lại hình ảnh trao trả tù binh sau Hiệp định Paris 1973 tại căn cứ Lộc Ninh và nhiều hình ảnh, tư liệu, hiện vật khác… góp phần làm phong phú các bộ sưu tập hiện vật phục vụ công tác trưng bày, nghiên cứu và phát huy truyền thống lịch sử, các giá trị văn hóa của địa phương, dân tộc.
Tin, ảnh: Thanh Xuân