Chiếc nôi cách mạng, nơi những “hạt giống đỏ” được gieo mầm

Thứ hai - 11/11/2024 09:41 21 0
“Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ đã tuyên truyền, vận động nâng cao giác ngộ cách mạng cho đông đảo nông dân lao động, hướng dẫn đấu tranh đòi quyền lợi thiết thân và chọn lọc quần chúng tích cực đưa vào các tổ chức đảng; tác động mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh để lãnh đạo phong trào cách mạng những năm tiếp theo...” - nội dung bia Di tích lịch sử Ðịa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ ghi nhận.
11 11 chibo

Đại biểu tham quan mô hình tái hiện 3 đồng chí thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ vào đêm 10-11-1929, được trưng bày tại Bảo tàng TP Cần Thơ. Ảnh: Đặng Vĩnh Lộc.

Nền kinh tế khủng hoảng trầm trọng sau Thế chiến thứ nhất, thực dân Pháp tăng cường khai thác Ðông Dương lần thứ 2. Ở Cần Thơ, ruộng đất của nông dân lần lượt vào tay đồn điền Pháp và địa chủ. Từ năm 1929-1933, có 70% nông dân mất đất. Có 3 đồn điền lớn ở Cần Thơ thời điểm này là Albert - Gressier (Bảy Ngàn), Paul Eméry (Cờ Ðỏ) và Labasthe (Phụng Hiệp - Kế Sách).

Nông dân mất đất trở thành tá điền, cố nông, phải ở đợ cho địa chủ, cho đồn điền Tây, thành người làm thuê. Thực dân Pháp còn thực hiện nhiều chính sách thâm độc nhằm tạo sự phân hóa giai cấp, thâu tóm kinh tế, đầu độc người dân bằng nghiện ngập, trụy lạc… Trước thời cuộc như thế, nhân dân Cần Thơ, trước hết là nông dân, sôi sục căm phẫn chế độ thực dân Pháp xâm lược và địa chủ gian ác.

Ngày 7-8-1929, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập phiên họp tại Phong cảnh Khách lầu, góc đường Bonard - Filippini (nay là đường Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, TP Hồ Chí Minh). Hội nghị đề xuất thành lập một tổ chức mới là An Nam Cộng sản Ðảng, được tất cả các đại biểu nhất trí, các đồng chí hội viên dự họp được xem xét chính thức trở thành đảng viên của Ðảng. Sau khi bế mạc hội nghị, các đồng chí trở về địa phương tuyển chọn những hội viên Việt Nam cách mạng thanh niên xứng đáng và chọn những người yêu nước trung thành, tiêu biểu kết nạp vào hàng ngũ Ðảng. Tại cơ sở thì thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng.

Ðầu tháng 11-1929, Ðặc ủy An Nam Cộng sản Ðảng Hậu Giang phân công đồng chí Hà Huy Giáp cùng với đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi từ Cà Mau về hoạt động tại đồn điền Cờ Ðỏ để tuyên truyền vận động giác ngộ quần chúng, gây dựng cơ sở cách mạng, cơ sở Ðảng. Ở đồn điền này, thực dân Pháp thực hiện nhiều chính sách thâm độc, hà khắc, bóc lột, nên nông dân rất căm phẫn.

Trong thời gian này, chủ điền Tây Paul Eméry cho cất một lẫm lúa lớn có 21 gian, cao 14m để chứa lúa. Chúng mướn hàng ngàn lao động làm thuê. Họ làm lụng rất nặng nhọc, thời tiết khắc nghiệt, tiền công rẻ mạt không đủ sống nên kiệt sức, ốm đau, chết chóc. Các đồng chí cán bộ của Ðảng đã hòa nhập vào những người cu-li làm thuê và tá điền nghèo khổ để vận động tuyên truyền giác ngộ cách mạng, xây dựng cơ sở Ðảng nơi đây. Khi đến đồn điền, các đồng chí cất gian chòi nhỏ gần lẫm lúa giống như người lao động và tá điền khác để đồng cam cộng khổ, khơi dậy lòng yêu nước, ý thức căm thù chủ điền Tây và cặp rằng, tay sai, dần dần truyền bá tư tưởng cách mạng và hướng dẫn họ đấu tranh chống bóc lột, hành hạ, đánh đập cu-li và tá điền.

Ðể lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng, các đồng chí quyết định thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng tại đồn điền Cờ Ðỏ. Vào đêm 10-11-1929, trong một căn chòi nhỏ gần lẫm lúa, Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ (quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ) được thành lập, gồm 3 đồng chí: Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Bảy Núi, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Chi bộ phân công: đồng chí Hà Huy Giáp có nhiệm vụ tiếp cận với nông dân lao động làm thuê tại đây, để tuyên truyền giác ngộ lòng yêu nước và ý thức cách mạng. Ban đêm, đồng chí còn bí mật viết và in xu-xoa báo Lao Nông, dịch sách, tài liệu do Ðặc ủy Hậu Giang gởi đến để phổ biến trong anh chị em cảm tình với Ðảng... Hằng ngày, đồng chí Nguyễn Văn Nhung có nhiệm vụ bơi xuồng ra chợ Thới Lai liên hệ ông Trần Kim Giáp (Hai Giáp), là cơ sở của Ðặc ủy Hậu Giang, để lấy tài liệu do đồng chí Ung Văn Khiêm (Bí thư Ðặc ủy Hậu Giang) gởi cho Chi bộ; đồng chí Bảy Núi lãnh thẻ làm cu-li mỗi ngày.

Các đồng chí trong Chi bộ chia nhau đi vận động anh em cu-li thống nhất đình công, đấu tranh buộc bọn chủ Tây phải trả tiền công lao động đúng kỳ cho anh em. Cuộc đấu tranh thắng lợi, anh em cu-li và nông dân càng tin tưởng các đồng chí trong Chi bộ.

Ðược bà con tin yêu che chở, giúp đỡ, các đồng chí càng mở rộng phạm vi hoạt động, hòa nhập sâu vào bà con nông dân trong đồn điền để hướng dẫn cách làm ăn, giúp trị bệnh khi đau ốm. Các đồng chí đã vạch đường, chỉ lối rằng, vì sao nghèo khổ, chỉ ra cho bà con con đường giải thoát duy nhất là phải đoàn kết một lòng đấu tranh với bọn chủ đồn điền đòi quyền lợi thiết thân cho mình và chỉ đứng dưới ngọn cờ của Ðảng tiền phong, đấu tranh đánh đuổi bọn xâm lược giành độc lập mới thoát đời nô lệ, khổ đau. Các đồng chí càng bám rễ sâu vào bà con nông dân, nắm chắc anh chị em có cảm tình đặc biệt với cách mạng, bí mật tổ chức những buổi đọc sách, báo tiến bộ như: “Ðường kách mệnh”, “ABC chủ nghĩa cộng sản sơ giải” để nâng dần sự giác ngộ trong quần chúng.

Qua 4 tháng tích cực hoạt động, các đồng chí trong Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ đã tuyên truyền vận động nâng cao giác ngộ cách mạng cho đông đảo nông dân lao động, đã tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi như: đòi trả công lao động đúng thời hạn, chống bọn cặp rằng đánh đập và đuổi công nhân lao động, chống bọn chủ đồn điền Tây và cặp rằng mua bán lúa rẻ và vơ vét hết lúa gạo của tá điền... Từ đó, các đồng chí đã chọn lọc những quần chúng tích cực đưa vào các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Nông dân, Công hội đỏ... Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Ðảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3-2-1930), Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng ở Cờ Ðỏ chuyển thành Chi bộ Ðảng Cộng sản Việt Nam - Chi bộ Ðảng đầu tiên của Cần Thơ.

Có thể nói, Chi bộ Cờ Ðỏ là điểm sáng cho những hạt giống gieo mầm, là chiếc nôi cách mạng trong tỉnh Cần Thơ. Ðồng thời, Chi bộ còn là nơi thực tiễn giúp Ðặc ủy Hậu Giang rút ra những bài học quý báu chỉ đạo cách mạng trong toàn miền Hậu Giang.

Từ kinh nghiệm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng và xây dựng Chi bộ Cờ Ðỏ, các địa phương khác trong tỉnh đã vận dụng để thành lập chi bộ Ðảng ở địa phương mình. Ðến cuối năm 1929, một số chi bộ Ðảng được thành lập như: Chi bộ Bù Hút (Phong Hòa), Chi bộ Vĩnh Xuân (Cầu Kè), lúc bấy giờ đều thuộc tỉnh Cần Thơ. Ðiều đó chứng minh Chi bộ Cờ Ðỏ ra đời có tính chất lịch sử rất quan trọng, đã tác động mạnh mẽ việc xây dựng, phát triển các tổ chức cơ sở đảng trong toàn tỉnh để lãnh đạo phong trào cách mạng 1930-1931 và những năm tiếp theo.

Ðể ghi dấu sự kiện lịch sử quan trọng của Ðảng bộ TP Cần Thơ và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay, TP Cần Thơ đã xây dựng Khu di tích Ðịa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ tại thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ, rất rộng rãi, khang trang, gồm các hạng mục: tượng đài, phù điêu, nhà Tây, nhà trưng bày… Công trình được khánh thành vào tháng 11-2019, nhân Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ.

Với ý nghĩa lịch sử trọng đại, ngày 31-10-2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành quyết định xếp hạng di tích “Ðịa điểm thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Ðảng Cờ Ðỏ” là Di tích Lịch sử cấp quốc gia.

PV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây