Đi qua Tri Tôn

Thứ ba - 03/10/2023 23:05 1.018 0
Mỗi khi con tàu đi qua đảo Tri Tôn để ra quần đảo Hoàng Sa, ý thức chủ quyền luôn trỗi dậy trong trái tim của ngư dân

Tri Tôn là một trong số các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép. Có nhiều câu chuyện về tấm lòng sâu nặng của ngư dân miền Trung đối với hòn đảo này mà người viết trực tiếp chứng kiến...

Đi qua Tri Tôn - Ảnh 1.

Ba cha con thuyền trưởng Nguyễn Văn Thanh cùng đưa tàu ra bám biển Hoàng Sa

Biểu thị chủ quyền

Lúc 18 giờ 15 phút ngày 23-5-2021, con tàu, do ông Nguyễn Văn Thanh (60 tuổi) làm thuyền trưởng, băng qua "tọa độ nóng". Trên màn hình định vị hiển thị tọa độ đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Những hòn đảo Duy Mộng, Hữu Nhật, Quang Ảnh, Đá Lồi thuộc quần đảo Hoàng Sa nằm trong một cụm giống như thành trì. Còn Tri Tôn nằm gần bờ nhất, cách Đà Nẵng chỉ hơn 100 hải lý.

"Đang qua Tri Tôn… Tình hình ổn!" - ngư dân Nguyễn Văn Việt (con ông Thanh) cầm lái, mắt liếc ngang về bên trái cửa sổ, gọi Icom thông báo liên tục cho cả đoàn tàu đang bám biển Hoàng Sa.

Thường ngày, ông Thanh cùng 3 người con trai ra khơi nhưng lần này chỉ có 2 người. Việt cầm lái, còn ông Thanh mắt không rời đảo Tri Tôn. Ở khoảng cách 10 hải lý, mọi người chỉ thấy những chiếc bóng thám không (bóng bay dự báo thời tiết) khổng lồ màu trắng, chưa thấy mép đảo.

Tận sâu trong ánh mắt của ông Thanh là niềm tự hào khi cùng các con và ngư dân đưa tàu đi qua đảo Tri Tôn để ra Hoàng Sa. Ông Thanh có thâm niên 40 năm vươn khơi bám biển Hoàng Sa, những chiếc bóng thám không trở nên quen thuộc với ông.

Câu chuyện tôi đang miêu tả diễn ra trên con tàu làm nghề lặn đêm của ngư dân ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ngư dân xuất hành ra Hoàng Sa thường cắt qua đảo Tri Tôn rồi mới tới cụm Nguyệt Thiềm, khi trở về cũng đi theo tuyến đường này.

Tôi hỏi Việt: "Vì sao trên hải trình phải áp sát đảo Tri Tôn?". Câu trả lời là: "Riêng đảo này không thể vô để lặn bắt cá như tất cả các đảo khác nên cứ đi sát để thể hiện chủ quyền của Việt Nam".

Theo ngư dân, những năm qua, tàu các nước, tàu chiến Mỹ cũng thường băng ngang đảo Tri Tôn ở khoảng cách 12 hải lý để thể hiện quyền tự do hàng hải (FONOP). Hơn 40 năm qua, vượt qua muôn trùng gian khó, ngư dân các tỉnh miền Trung vững tin vươn khơi, đi qua những vùng biển được cho là gai góc nhất để đến quần đảo Hoàng Sa. Nó không còn là mưu sinh mà là biểu thị chủ quyền, tình yêu biển, đảo của Tổ quốc.

Đi qua Tri Tôn - Ảnh 2.

Ngư dân Nguyễn Văn Lý thay cờ Tổ quốc khi con tàu băng qua đảo Tri Tôn

Thấm sâu vào máu thịt

Tháng 6-2023, chiếc máy Icom tầm xa IC-M710 gắn trên nhiều tàu cá ở cảng Sa Kỳ nhận được tin có tàu ngư dân đang băng qua đảo Tri Tôn để thể hiện chủ quyền biển đảo, quyền tự do đi lại. Giữa âm thanh ồn ào, trên Icom vang lên giọng nói đanh thép của một thuyền trưởng: "Cứ bình tĩnh. Đảo này của Việt Nam mình, kiên quyết bám giữ".
 

"Ngư dân ăn sóng nói gió" - nhiều người nói như vậy. Nhưng mỗi khi con tàu đi qua đảo Tri Tôn để ra Hoàng Sa, ý thức chủ quyền luôn trỗi dậy trong trái tim mỗi người. Họ tự tổ chức thành một đội hình chặt chẽ, tiến lùi - ra vào theo tin tức chia sẻ qua Icom. Với ngư dân, đoàn kết trên biển, cùng nhau giữ sinh kế, giữ chủ quyền Hoàng Sa là trên hết.

Thuyền trưởng Võ Lựu, Trương Văn Đức… ở làng chài xã Bình Châu cùng một số ngư dân từng gặp nạn ở Hoàng Sa - tàu bị đâm chìm. Sống sót trở về, họ đóng tàu mới, rồi lại ra Hoàng Sa bám biển. Sau tai nạn, họ đều trở thành những "sói biển" ở Hoàng Sa. Chính tình yêu biển, đảo - máu thịt của Tổ quốc - đã giúp họ vượt qua hiểm nguy, khó khăn như thế!

Thuyền trưởng Nguyễn Thanh Tiến (quê xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) nói bất kỳ ngư dân nào đánh bắt ở Hoàng Sa đều ý thức về bảo vệ chủ quyền, mong mỏi đến một ngày được tự do đánh bắt, bước chân lên đảo Tri Tôn.
 

Theo thuyền trưởng Tiến, thời điểm áp sát đảo Tri Tôn tốt nhất là lúc… thời tiết xấu, tầm nhìn hạn chế, biển động, sóng to gió lớn. Khi đó, ngư dân cho tàu tiến gần đảo Tri Tôn hơn, có lúc cách khoảng 7 hải lý. Đây là khoảng cách có thể nhìn rõ trên đảo.

Có lần, thuyền trưởng Tiến tranh thủ cho tàu áp sát đảo như thế. Giữa lúc sóng to gió lớn, tàu chở mấy chục tấn cá, ngư dân vui mừng vì đây là cơ hội để nhìn thấy hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Có ngư dân trèo lên nóc tàu kiểm tra cờ Tổ quốc. Họ xúc động, khóc khi nhìn Quốc kỳ tung bay giữa biển khơi.

Giây phút khiến tôi xúc động nhất khi con tàu băng qua đảo Tri Tôn vào chiều 23-5-2021 là vào thời điểm định vị vệ tinh hiển thị tọa độ 15 độ, 57 phút, 706 giây N-111 độ 8 phút, 25 giây E, một người con trai khác của ông Thanh là anh Nguyễn Văn Lý trèo lên nóc tàu thay lá cờ Tổ quốc. Màu cờ đỏ in trên nền trời xanh ngả màu hoàng hôn. Mọi người cùng hướng mắt về cờ Tổ quốc, lúc lâu sau, cho tàu đi qua đảo Tri Tôn.

Cứ như thế, bao năm nay, trên hành trình ra quần đảo Hoàng Sa, đảo Tri Tôn luôn hiện diện trước mắt và trong tim ngư dân Việt Nam. 
 

Cứ vào dịp cuối năm, quanh đảo Tri Tôn xuất hiện rất nhiều cá thu, cá nục, cá ngừ. Thời điểm này, tàu đánh cá của bà con ngư dân các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP Đà Nẵng tập trung về đây đánh bắt. Khi số lượng tàu lên đến hàng ngàn chiếc thì ngư dân không còn cảnh vừa chạy vừa canh chừng như lần tôi theo tàu của ngư dân Nguyễn Văn Thanh.

Cũng sau lần đó, tôi có dịp đi qua đảo Tri Tôn khi đồng hành trên những chuyến tàu ra bám biển Hoàng Sa. Mỗi khi tàu qua đảo, từ thuyền trưởng đến những người đi bạn đều rạo rực, mong mỏi được tự do đánh bắt trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài và ảnh: LÊ VĂN CHƯƠNG
(Theo https://nld.com.vn)

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây