Những ngày tháng 4, đoàn công tác của Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, do Trung tướng Nguyễn Văn Gấu - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam - làm trưởng đoàn, bắt đầu hải trình đến với quân và dân quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1.
Trung tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Quân với dân chung một ý chí
Vượt hàng trăm hải lý, điểm đảo đầu tiên hiện ra trước mắt chúng tôi: Song Tử Tây. Những bước chân đầu tiên chạm lên đảo tiền tiêu, một phần máu thịt Tổ quốc khiến ai nấy đều bồi hồi, xúc động. Những cái bắt tay nồng hậu, những nụ cười của quân dân trên đảo đủ làm tan biến sự chênh chao của những cơn say sóng. Đoàn chúng tôi được hòa mình vào bầu không khí phấn khởi, thiêng liêng, chan hòa tình cảm, niềm tin. Khoảng cách giữa đất liền với đảo xa chưa bao giờ gần đến thế.
Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân sinh sống, có chùa, trạm khí tượng thủy văn, âu tàu với sức chứa hàng trăm tàu cá. Và có cả những lớp học ghép "6 trong 1". Các em chủ động đề xuất hát tặng đoàn công tác rất nhiều ca khúc về bộ đội hải quân, về đảo. Tiếng hát hồn nhiên, trong trẻo gieo vào lòng các thành viên đoàn công tác những cảm xúc thật khó tả, ai cũng quyến luyến chẳng nỡ rời đi.
Sau khi thăm trường học, đoàn công tác thăm và tặng quà các hộ dân sinh sống trên đảo. Những khi đảo đón khách, nhà nào cũng như đang đón Tết. Chị Lưu Thị Cẩm Hằng, hộ dân số 4 trên xã đảo Song Tử Tây, chia sẻ: "Lúc mới ra thì cuộc sống gặp nhiều khó khăn do chưa quen môi trường nhưng được sự giúp đỡ của Ban Chỉ huy đảo, rồi tình dân quân rất đoàn kết nên dần rồi chúng tôi thấy ở đảo không khác gì ở đất liền".
Nhắc tới đảo tiền tiêu, nhắc tới những mốc chủ quyền, không thể không nhắc tới những cột mốc tâm linh trong đời sống tinh thần của dân đảo. Trên quần đảo Trường Sa có 9 ngôi chùa thì đoàn công tác chúng tôi may mắn được tham quan 4 chùa lớn, đó là các chùa trên đảo Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông và Trường Sa Lớn. Cùng với các công trình tâm linh khác, Nhà Tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng tại Trường Sa cũng mang ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là nơi sinh hoạt, giáo dục truyền thống cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Từ đó giúp mọi người nhận thức được trách nhiệm để sống, chiến đấu, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, xứng đáng với lời căn dặn của Người khi về thăm Quân chủng Hải quân năm 1961: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng; ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó"…
Đảo Đá Thị, Đá Núi Le A và những điểm đảo khác chúng tôi đặt chân đến, cuộc sống cũng đang đổi thay từng ngày. Thực tiễn qua nhiều năm hiện thực hóa chủ trương đưa dân ra quần đảo Trường Sa lập nghiệp, đến nay, trên khắp quần đảo Trường Sa, chúng ta đã kiến tạo được một cộng đồng cư dân, phát triển đời sống kinh tế, văn hóa trên biển. Đặc biệt hơn cả, quân với dân chung một ý chí, mỗi người dân cũng chính là một chiến sĩ, là một cột mốc chủ quyền nơi tuyến đảo thiêng liêng, Trường Sa thân yêu của Tổ quốc này.
Đoàn công tác thăm Trường Tiểu học xã Song Tử Tây. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Hy sinh thầm lặng giữa thời bình
Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh của các đảo chìm, đảo nổi, đặc biệt là khi bước lên các đảo, gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên các đảo và các nhà giàn, trong mỗi chúng tôi lại dâng lên những nỗi niềm khó tả. Cuộc sống của các anh là những ngày canh trực sẵn sàng chiến đấu; là những giờ huấn luyện mướt mải mồ hôi; là học tập, công tác; là tìm niềm vui bên những chậu rau tăng gia không nỡ hái; là tình yêu vô bờ bến đối với đất liền và là sự vững vàng quên mình nơi đầu sóng. Các anh sẵn sàng dành tặng thanh xuân của mình cho Tổ quốc.
Những khoảnh khắc mà chúng tôi ghi nhận được ở nơi tuyến đầu của Tổ quốc thật vô cùng đặc biệt. "Có nơi nào như đất nước chúng ta/ Viết bằng máu cả ngàn chương sử đỏ" - hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cứ hiển hiện và cứa vào tim tôi khi tôi cùng đoàn công tác tham gia lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại quần đảo Trường Sa và lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Hai lễ tưởng niệm trong cùng một hải trình. Ở nơi mênh mông kia, những trái tim đã hòa tan vào sóng biển nhưng ngàn năm vẫn ngân lên khát vọng hòa bình.
Ngay ở Sinh Tồn Đông, chúng tôi lặng người đi trước bàn thờ vọng mẹ của trung tá Nguyễn Kỳ Hợp, Chính trị viên đảo Sinh Tồn Đông thuộc Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân. Lúc đó, mẹ anh mất được hơn một tuần nhưng vì nhiệm vụ, anh vẫn chưa kịp về để chịu tang. Lúc nhận nén tâm hương từ tay chúng tôi, anh khấn: "Mẹ sống khôn thác thiêng phù hộ cho đoàn công tác thuận buồm xuôi gió". Nước mắt chúng tôi lăn dài trên má. Chúng tôi thực sự thấu hiểu thế nào là hy sinh thầm lặng giữa thời bình, thế nào là giấu đi hạnh phúc riêng tư, dằn lòng với nỗi đau riêng để hoàn thành nhiệm vụ...
Tác giả (phải) cùng chiến sĩ hải quân trên đảo Len Đao. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
Dẫu gian khó đến mấy nhưng vẫn luôn lạc quan, tin tưởng, dám chấp nhận hy sinh, gian khổ để làm một người trọn nghĩa với quê hương; đó dường như là tinh thần chung, là mạch tư tưởng chảy trong huyết quản của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa. Trung tá Nguyễn Hồng Lam, Chính trị viên Đồn Biên phòng Trường Sa thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, khẳng khái: "Bất luận thế nào, chúng tôi luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, chắc tay súng, bảo vệ vững chắc chủ quyền!".
Qua từng điểm đảo, đoàn công tác chúng tôi lại thêm tin yêu cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm giữ đảo. Từ khắp các vùng quê khác nhau, những người lính tề tựu về đây đều cùng chung lý tưởng. Họ mang theo niềm lạc quan, sẵn sàng cống hiến để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.
Thanh xuân là biển! Khát vọng hòa bình của dân tộc ta đã phải đổi bằng máu và nước mắt của biết bao người. Ở nơi này, có những em nhỏ đang tuổi ăn, tuổi ngủ, có những chàng trai trẻ chưa biết cầm tay con gái, có những người đàn ông phải chuyển gánh trụ cột gia đình qua vai người vợ, có những liệt sĩ mãi nằm lại với sóng nước biển khơi...
Mang yêu thương từ đất liền ra nơi đầu sóng, đoàn chúng tôi chỉ muốn gom góp hết những gì có thể để tiếp thêm sức mạnh cho những con người quả cảm nơi đây. Ngày tổng kết chuyến đi, trước khi trở về đất liền, từng người trong chúng tôi được cài lên ngực trái huy hiệu "Chiến sĩ Trường Sa", là vinh dự dành trao cho những người lần đầu đến và công tác tại đảo. Việc những người lính đảo đều đã coi tất cả chúng tôi, từng thành viên của đoàn công tác là chiến sĩ Trường Sa khiến chúng tôi luôn cảm thấy nợ họ thật nhiều, bởi chính họ mới là những người xứng đáng nhận mọi vinh quang.
Tiếng hát gửi lại đảo xa, quà về đất liền là những lá cờ nhuộm nắng gió Trường Sa, nhà giàn DK1, là tinh thần trung kiên đêm ngày giữ đảo của người lính biển. "Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước", chúng tôi sẽ giữ mãi hình ảnh của Trường Sa, của nhà giàn DK1 nơi lồng ngực trái, nơi mà mỗi con dân nước Việt đều bồi hồi run lên khi nghe 2 tiếng "Việt Nam".
Khát vọng vươn khơi, khát vọng chủ quyền và khát vọng hòa bình của cả dân tộc. Chúng tôi gọi chung đó là khát vọng Trường Sa, là tinh thần thôi thúc chúng tôi ra sức học tập, công tác, cống hiến sức mình cho công cuộc xây dựng đất nước, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Phương Dung
(Theo Báo Người Lao động)