Sự kiện mới đây khi cơ thủ Trần Quyết Chiến xin từ bỏ trận đấu giao hữu do Liên đoàn Billiards thế giới (UMB) phối hợp với Liên đoàn Billiards và Snooker Trung Quốc (CBSA) tổ chức tại Thượng Hải (Trung Quốc) vì nước chủ nhà đã lợi dụng hình ảnh trận đấu để xuyên tạc chủ quyền biển đảo của Việt Nam, khiến cho dư luận dậy sóng.
Luôn cảnh tỉnh trước "đường lưỡi bò"
"Đường lưỡi bò" là bản đồ đầy tai tiếng mà Trung Quốc dựa vào đó để thể hiện tham vọng độc chiếm biển Đông, đã bị Tòa Trọng tài năm 2016 tuyên vô giá trị vì nó đi ngược lại các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Thất bại trên mặt trận pháp lý nhưng Trung Quốc vẫn sử dụng rất nhiều cách khác nhau để tìm cách tuyên truyền "đường lưỡi bò" ra thế giới.
Hình ảnh "đường lưỡi bò" phi pháp này đã xuất hiện trong trận đấu giữa cơ thủ Trần Quyết Chiến và tay cơ Dick Jaspers khi phát trên sóng truyền hình trực tiếp, bao gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Chiêu trò này gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ và hành động từ bỏ giải đấu ở Trung Quốc của Trần Quyết Chiến đã được cả chính quyền và người dân Việt Nam ủng hộ.
Câu chuyện của cơ thủ Trần Quyết Chiến đã gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ.
Trung Quốc có chiến lược tuyên truyền về "đường lưỡi bò" phi pháp của họ một cách bài bản, họ muốn lặp đi lặp lại để biến một điều phi pháp thành hợp lý. Với sức mạnh của một cường quốc mạnh nhất nhì thế giới, họ sử dụng biện pháp tuyên truyền theo cách riêng của họ, đó là thông qua rất nhiều vật phẩm khác nhau, từ những hộ chiếu của người dân Trung Quốc cũng in hình "đường lưỡi bò", những quả địa cầu, các phần mềm có xuất xứ từ Trung Quốc, cho đến cả các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí khoa học danh tiếng trên thế giới...
Tình yêu biển đảo, ý thức bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc luôn khắc sâu trong tim người dân Việt Nam Ảnh: QUANG LIÊM
Còn nhớ chỉ cách đây một vài tháng, Cục Điện ảnh đã cấm chiếu bộ phim "bom tấn" "Barbie" của Hollywood có dàn diễn viên toàn sao và đã được tiếp thị rầm rộ.
Bộ phim này bị cấm chiếu ở Việt Nam bởi vì có thể hiện "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc trong một cảnh phim. "Barbie" cũng không phải là bộ phim đầu tiên bị cấm chiếu vì xuất hiện "đường lưỡi bò". Trước đó, Cục Điện ảnh cũng đã rút bộ phim hoạt hình "Abominable" của DreamWorks và cấm chiếu bộ phim hành động "Unchartered" của Sony vì lý do tương tự.
Năm 2022, Cục Điện ảnh cũng cấm chiếu bộ phim "Thợ săn cổ vật", rồi các phim khác như "Everest: Người Tuyết bé nhỏ", "Điệp vụ biển đỏ",... hay phim truyền hình có: "Em là niềm kiêu hãnh của anh", "Nhất Sinh Nhất Thế", "Lấy danh nghĩa người nhà". Những bộ phim này đã gây phẫn nộ và tổn thương tình cảm của toàn thể người dân Việt Nam vì đã xuyên tạc chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các vật phẩm văn hóa khác lưu hành ở nước ta cũng bị cài cắm "đường lưỡi bò" trong đó.
Những hệ lụy từ sự cài cắm "đường lưỡi bò" phi pháp, vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là một vấn đề hết sức nghiêm trọng. Nó không chỉ gây hiểu lầm trong cộng đồng quốc tế, mà còn gây sai lệch về nhận thức của giới trẻ Trung Quốc về chủ quyền biển đảo, lãnh thổ. Giới trẻ Trung Quốc sẽ thừa nhận "đường lưỡi bò" và từ đó, khi các quốc gia không thừa nhận và phản đối lại bị hiểu thành xâm phạm chủ quyền Trung Quốc.
Chúng ta có thể nhân rộng các cách ứng xử như của Trần Quyết Chiến để có thể góp phần tăng cường việc giáo dục, tuyên truyền về ý thức bảo vệ chủ quyền đến với mỗi người dân. Có như vậy chúng ta mới phát huy hơn nữa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chạm vào trái tim yêu nước
Để ngăn ngừa và chống lại các vật phẩm văn hóa có chứa "đường lưỡi bò", chiêu trò chính trị hóa văn hóa, thể thao của Trung Quốc là một việc làm hết sức khó khăn. Chưa kể, với sự phát triển như vũ bão của công nghệ trong thời đại toàn cầu hóa cũng khiến việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ phải đối mặt trước những thách thức chưa từng có bao giờ trước đây, đặc biệt với các hành vi tuyên truyền sai trái, vi phạm chủ quyền của Việt Nam trên các lĩnh vực mới mẻ như không gian mạng.
Tuy nhiên, khó nhưng không có nghĩa là không làm được. Trần Quyết Chiến đã thể hiện cách ứng xử hợp lý, khi Chủ tịch Liên đoàn Billiards thế giới ngay sau đó có gửi thư mong muốn phía Việt Nam đưa ra một lý do tế nhị để giải thích với công chúng. Bằng thái độ, nhận thức về trách nhiệm của một công dân đối với chủ quyền quốc gia, Trần Quyết Chiến đã trả lời rằng: "Đây là sự xuyên tạc đến chủ quyền Việt Nam và không thể dùng lý do gì khác!"
Câu chuyện của cơ thủ Trần Quyết Chiến cho chúng ta thấy chủ quyền Tổ quốc là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm, luôn thường trực trong mỗi trái tim người Việt Nam yêu nước. Khi nói đến giá trị ấy, trong tâm thức mỗi người Việt luôn trân trọng rằng để đạt được chủ quyền, cha ông chúng ta đã không tiếc máu xương gìn giữ qua hàng ngàn năm lịch sử. Chính vì vậy, ý thức về chủ quyền của nhân dân ta rất mạnh mẽ và điều đó đã tạo nên một sức mạnh đặc biệt để xuyên suốt trong lịch sử của dân tộc, chúng ta có thể chống lại kẻ thù mạnh hơn rất nhiều lần.
Hoàng Sa, Trường Sa - chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm - là đất đai tổ tiên để lại, là minh chứng hùng hồn cho lòng dũng cảm, khát vọng chinh phục biển khơi của cha ông ta. Hoàng Sa, Trường Sa - những cái tên thiêng liêng - luôn được nhắc nhớ đó là Tổ quốc, là đất đai hương hỏa ông cha, là quyết tâm ngàn đời phải giữ lấy dù có phải đổi bằng xương máu. Những thế hệ người Việt sinh ra, lớn lên, luôn thấy hiện diện những cái tên về một vùng biên cương như một lời nhắc nhở về chủ quyền lãnh thổ. Từ ngàn đời qua, đến ngày nay chúng ta vẫn đang tiếp nối, chủ quyền được dựng xây và gìn giữ bằng lòng yêu nước chưa bao giờ vơi cạn.
Thời gian qua, việc phát hiện các hình ảnh hay vật phẩm văn hóa vi phạm và xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ đã được những người dân Việt không những ở trong nước mà còn ở khắp nơi trên thế giới phát hiện và thông báo cho cơ quan chức năng, để có những ứng xử thuyết phục và kịp thời.
Với sức mạnh toàn dân, thì dù có gặp muôn vàn khó khăn khi chống lại các hành vi sai trái, ảnh hưởng tới chủ quyền của Tổ quốc, chúng ta vẫn có thể làm được. Chúng ta phải luôn ý thức, nêu cao trách nhiệm bảo vệ chủ quyền. Câu chuyện của Trần Quyết Chiến đã truyền cảm hứng, cho chúng ta thấy niềm tin ấy bởi nó chạm vào trái tim yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi chúng ta.
HOÀNG VIỆT
(Theo Báo Người Lao động)