Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu đến năm 2045 là phát triển nuôi trồng thủy sản quy mô công nghiệp trở thành ngành kinh tế bền vững, có trình độ quản lý, khoa học - công nghệ tiên tiến, góp phần quy hoạch và tái cấu trúc ngành theo hướng chuyên nghiệp, quy mô lớn. Trong đó, mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong chuỗi giá trị thủy sản được nghiên cứu, từng bước được nhân rộng.
Nuôi biển kết hợp phát triển du lịch
Tổ chức Du lịch Thế giới đánh giá, du lịch xanh, du lịch bền vững sẽ là con đường phát triển xuyên suốt trong nhiều năm nữa trên thế giới. Trong số đó, các mô hình, hoạt động du lịch biển cần gắn với bảo tồn thiên nhiên, môi trường sinh thái; phát triển bền vững song song với các ngành kinh tế biển như nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuỗi giá trị trong nền kinh tế tuần hoàn.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc cũng thúc đẩy chiến dịch Chuyển đổi xanh, nhấn mạnh các quốc gia cần phải tập trung vào chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản nhằm đảm bảo kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng cho thủy sản thương phẩm, hướng tới mục tiêu là tăng sản lượng toàn cầu từ 35% đến 40% vào năm 2030.
Các chuyên gia kinh tế học, chuyên gia thủy sản trên thế giới đều nhận định: Nuôi thủy sản xa bờ (nuôi biển xa bờ) là xu hướng phát triển tất yếu trên thế giới. Tại Việt Nam, xu hướng nuôi biển tiến xa bờ cũng là giải pháp hiệu quả cho bảo tồn nguồn lợi biển, giảm thiểu các ảnh hưởng xấu cho môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh thổ.
Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát cho biết, một số loại hình du lịch biển kết hợp nuôi biển là xu hướng ngày càng phổ biến như: du lịch trải nghiệm (khám phá các hoạt động chân thực tại địa phương, cơ sở nuôi biển); du lịch đào tạo (giao lưu, học hỏi các mô hình, công nghệ mới trong nuôi biển, nuôi trồng thủy sản); du lịch nghỉ dưỡng cao cấp (hướng tới phát triển các khu resort, bungalow, nhà hàng trên biển...).
Nắm bắt xu hướng này, Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đang triển khai các hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản từ vật liệu xanh bền vững là HDPE và composite tại các tỉnh, thành phố ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, Kiên Giang, Ninh Thuận... Các hạ tầng chế tạo bằng vật liệu này được xác định đặc biệt thân thiện với môi trường, có tuổi thọ lên tới 30 - 50 năm tùy vào vật liệu và vùng nuôi. Đặc biệt, vật liệu này được sử dụng làm trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm, tích hợp hệ thống vệ sinh tự hoại và vận hành công nghệ cao trong nuôi biển như: cho ăn tự động, camera cảm biến, robot giặt lưới...
Trang trại Nuôi biển và Trải nghiệm của Tập đoàn đặt tại đảo Phất Cờ, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã nhận được nhiều quan tâm bởi đây là mô hình tiên phong tại Việt Nam. Trang trại với quy mô 40 ha được thiết kế, thi công gồm 3 phân khu: Khu điều hành, Khu nuôi trồng và Khu trải nghiệm. Với tầm nhìn về kinh tế sinh thái và kinh tế tuần hoàn, Tập đoàn Nhựa Super Trường Phát đã xây dựng mô hình nuôi biển kết hợp trải nghiệm kiểu mẫu, với chuỗi các doanh nghiệp tham gia sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, vệ sinh an toàn, thân thiện môi trường, hệ sinh thái... đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, góp phần tạo thêm sinh kế, nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho các cộng đồng ven biển.
Bên cạnh đó, mô hình cũng làm cơ sở hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ nuôi biển để khai thác có hiệu quả tiềm năng của môi trường biển, kết hợp với các ngành kinh tế biển khác, đóng góp vào động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam... Gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường sinh thái biển, phát triển các nghề biển bền vững và giữ vững an ninh - quốc phòng.
Quá trình chuyển đổi công nghệ trong nuôi trồng thủy sản, nuôi biển, cũng như hiện thực hóa phát triển nuôi biển kết hợp du lịch có một số khó khăn, vướng mắc như: doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong quá trình xin cấp phép giao khu vực biển bởi chưa có sự phối hợp thống nhất giữa các cơ quan có trách nhiệm quản lý và được phân quyền. Một số chính sách phát triển thủy sản chưa có nội dung hỗ trợ nuôi biển, chưa thiết lập được cơ sở pháp lý để có sự tham gia của các đơn vị ngân hàng, bảo hiểm.
Do đó, bà Nguyễn Thị Hải Bình đề xuất Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết lập các cụm công nghiệp nuôi hải sản trên biển; từ đó có các chỉ đạo truyền thông giúp cho người dân nuôi trồng hải sản nhận biết, triển khai việc cần chuyển đổi sang phương thức, quy mô công nghiệp, giúp gia tăng sản lượng, chất lượng sản phẩm nuôi trồng, bảo vệ môi trường biển; kết hợp có các chương trình truyền thông trọng tâm, đột phá tại địa phương để phát triển được song song nuôi trồng thủy sản và du lịch.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải dương học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nhận định, du lịch đang là định hướng phát triển của nhiều địa phương ven biển. Thực tế những năm qua cho thấy, du lịch biển là ngành chủ đạo, đã đạt nhiều thành tựu, nhất là về phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, tổ chức nhiều loại hình khám phá, giải trí trên biển và trong lòng biển; định hướng phát triển cảng biển du lịch cũng đang đi vào thực tiễn.
Tuy nhiên, phát triển hạ tầng du lịch ven bờ và trên đảo đang làm gia tăng lắng đọng trầm tích làm suy thoái môi trường biển. Cùng với với một số hoạt động thiếu kiểm soát, chính du lịch đã góp phần hủy hoại cảnh quan các sinh cư trên cạn và dưới nước, đặc biệt là với rạn san hô - tài nguyên du lịch đặc biệt của nhiều địa phương ở phía Nam với tính đa dạng rất cao, sinh cảnh đẹp. Du lịch cũng đang cạnh tranh với khai thác, nuôi trồng thủy sản và mâu thuẫn với bảo tồn biển.
Vì vậy, quy hoạch không gian cho du lịch biển cần được thực hiện theo quan điểm tổng thể, liên ngành. Không gian du lịch cần gắn kết với bảo tồn biển nhằm khai thác hiệu quả nguồn vốn mà thiên nhiên ban tặng và là nền tảng bảo đám tính khác biệt cũng như hỗ trợ du lịch sinh thái phục vụ khách du lịch đẳng cấp cao. Du lịch kết hợp với nuôi biển công nghệ cao sẽ là hướng đi tạo ra những loại hình giải trí mới (khám phá công nghệ, câu cá thể thao). Nuôi thiên nhiên các loài hải sản đắt tiền (hải sâm, bào ngư, vú nàng, ốc đụn) có thể được triển khai ở các vùng biển đang được giao cho các doanh nghiệp du lịch quản lý.
Đổi mới công nghệ, chuỗi cung ứng
Cho rằng hiệu quả kinh tế từ mô hình du lịch kết hợp nuôi biển hơn hẳn việc chỉ đơn thuần nuôi thủy sản, ông Nguyễn Tất Hoàn, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Du thuyền Ngựa Biển nhận định, các vùng có thể kết hợp nuôi biển và du lịch gồm hai mô hình: mô hình sử dụng mặt nước biển, mô hình sử dụng vùng nước ngập mặn.
Mô hình sử dụng mặt nước biển gồm tất cả các vùng vịnh kín gió, cảnh đẹp, gần các trung tâm du lịch đều có thể phát triển mô hình du lịch kết hợp nuôi biển. Mô hình này sử dụng phương tiện nổi 100%. Đối với mô hình sử dụng vùng nước ngập mặn, Việt Nam có diện tích ngập nước mặn rất lớn, chịu ảnh hưởng của thủy triều lên xuống hàng ngày, chưa được sử dụng đúng mức. Giải pháp cho mô hình này là tạo quỹ đất, tạo vùng nước để nuôi thủy sản bằng công nghệ bê tông bùn.
Bê tông bùn là bùn được đông cứng bằng kết hợp với xi măng, phụ gia. Bê tông bùn sẽ tạo ra diện tích đất cao hơn mức thủy triều lớn nhất và những vùng trũng luôn có nước để nuôi biển. Phần diện tích đất cao tạo ra trên mặt nước để phát triển các resort sinh thái, phần diện tích mặt nước dùng để nuôi hải sản, resort nổi, khu nghỉ dưỡng sinh thái.
Các sản phẩm nổi được sản xuất ra kết hợp giữa làm du lịch và nuôi hải sản đảm bảo các yếu tố thiết kế, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ, hiệu quả kinh tế gia tăng do kết hợp được cả hai phần nuôi hải sản và dịch vụ. Hơn nữa, các sản phẩm nổi này có chứng chỉ đăng kiểm, có số lưu hành như phương tiện thủy nội địa nên là tài sản, có thể làm tài sản để vay vốn ngân hàng, mua bảo hiểm phương tiện. Điều này rất quan trọng trong vấn đề kết hợp làm du lịch và nuôi hải sản.
Bên cạnh áp dụng công nghệ mới, đổi mới sản xuất và chuỗi cung ứng thức ăn công nghiệp nuôi cá biển tại Việt Nam đang là yếu tố quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành nuôi biển ở nước ta. Ông Đỗ Văn Kiểm, Giám đốc Kinh doanh thức ăn cá biển, Công ty Trách nhiệm hữu hạn De Heus cho rằng, thức ăn công nghiệp nuôi cá biển là yếu tố đầu vào rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới giá thành sản xuất cũng như giá trị cá nuôi thương phẩm. Với định hướng của Chính phủ về phát triển nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, việc nghiên cứu sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá biển là xu thế tất yếu và cần thiết.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2020, cả nước có khoảng 70.000 ha và 7.447 cơ sở nuôi biển, với tổng số 248.838 lồng. Trong đó, cá biển nuôi với diện tích 5.166 ha và 1,1 triệu m3 lồng nuôi, tổng sản lượng ước đạt 45.000 tấn. Trong các loài cá biển được nuôi hiện nay, cá chẽm, cá chim vây vàng, cá song (mú), cá giò (bớp) và cá hồng Mỹ là những đối tượng được nuôi phổ biến nhất. Các vùng nuôi chính hiện nay là: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng và Kiên Giang.
Tuy nhiên, nguồn thức ăn chủ yếu được sử dụng hiện nay cho nuôi cá biển vẫn là cá tạp. Điều này về lâu dài sẽ gây ra những ảnh hưởng như suy giảm chất lượng môi trường nuôi, tăng giá thành sản xuất, kéo dài thời gian nuôi, rủi ro lớn do khó kiểm soát dịch bệnh và đặc biệt là cản trở việc xuất khẩu sản phẩm cá nuôi biển.
Trong tương lai gần, các mô hình nuôi lồng, bè công nghệ cao trên biển sẽ ngày càng phát triển như một xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, các đối tượng cá biển sẽ được đưa vào nuôi công nghiệp nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu ngày một cao từ thực tế cuộc sống. Do đó, việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm thức ăn cho cá biển nói chung và cá biển nuôi lồng, bè sẽ ngày một cần thiết, cần sự chung tay không chỉ của các nhà khoa học, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp chế biến, người nuôi, mà còn cần sự đồng hành từ phía các cơ quan chức năng để sản phẩm cá nuôi biển của Việt Nam không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn đủ điều kiện xuất khẩu tới các thị trường khác trên thế giới.
Bài 2 : Tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách
Theo Hoàng Nam (TTXVN)