Một số kết quả thực hiện chính sách xã hội ở thành phố Cần Thơ giai đoạn 2012 - 2020

Thứ ba - 20/12/2022 12:27 609 0
Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Nhận thức đầy đủ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa trong các chính sách xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, tính bền vững trong các chính sách xã hội, nhất là phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, an ninh con người. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mục tiêu kinh tế, tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường, trên cơ sở đó, đổi mới phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả phát tiển xã hội”[1]. Do đó, có thể khẳng định trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội; coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để phát triển bền vững đất nước, ổn định chính trị - xã hội, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng.
Với nhận thức trên, Đảng và Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực xã hội, quản lý xã hội; nguồn lực đầu tư được tăng cường và đa dạng hóa; phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thực hiện chính sách xã hội, chăm lo, đầu tư cho con người, tạo nguồn lực cho sự phát triển bền vững đất nước… Đối với Cần Thơ, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn thành phố, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ như sau:

Một là, các chính sách về lao động và việc làm chuyển biến theo hướng ngày càng phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Bộ luật Lao động được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai hiệu quả, đồng bộ với các nội dung: hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, tiền lương, bảo hiểm xã hội, thời gian làm việc, vệ sinh lao động, kỷ luật lao động, giải quyết tranh chấp lao động… bên cạnh đó, từ khi triển khai thực hiện Luật Việc làm 2013 và Chương trình việc làm đã góp phần định hướng nghề nghiệp, ổn định và phát triển thị trường lao động của thành phố; mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố, tăng cường đầu tư và phát triển, đa dạng về loại hình, trình độ đào tạo và mô hình hoạt động. Kết quả, thành phố Cần Thơ đã mở được gần 1.207 lớp đào tạo nghề cho hơn 41.145 lao động với tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố chú trọng đến việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hướng tới các đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, với gần 1.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tập trung chủ yếu ở địa bàn nông thôn thuộc các quận, huyện như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh...; một số nghề phi nông nghiệp như may dân dụng, đan lát, sửa xe máy cũng được đồng bào dân tộc quan tâm theo học. Nhiều địa phương còn gắn công tác dạy nghề phù hợp với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm trên địa bàn. Điển hình như bà Thạch Thị Đầm, người dân tộc Khmer, thành viên Tổ hợp tác Đan lát lục bình ở ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, hiện đang có thêm thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng từ nghề đan lục bình; chị Thạch Thị Xà Lan, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, đời sống cải thiện rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn thành phố tăng khá nhanh qua các năm: năm 2010 là 42%, đến năm 2013 là 48% và hiện nay là 50,07%[2]. Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Hai là, thành phố luôn nhất quán về chính sách giảm nghèo bền vững đi đôi với khuyến khích làm giàu chính đáng, hợp pháp

Bằng việc đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Chính phủ và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo; những năm qua, thành phố Cần Thơ thường xuyên chú trọng chính sách giảm nghèo đa chiều và khắc phục nguy cơ tái nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể như: (1) Chính sách tín dụng ưu đãi (cung cấp tín dụng ưu đãi cho 283.108 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay, thông qua 08 chương trình tín dụng ưu đãi, với số tiền là 4.782.713 triệu đồng); (2) Chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo (xây dựng 10.505 căn nhà hỗ trợ hộ nghèo khó khăn về nhà ở và 9.036 căn nhà Đại đoàn kết); (3) Chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (tổ chức tư vấn và trợ giúp pháp lý miễn phí cho 19.711 lượt người nghèo, người dân tộc thiểu số có nhu cầu); (4) Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vùng khó khăn (trợ cấp trực tiếp cho 2.677 lượt hộ nghèo, trên địa bàn vùng khó khăn thuộc huyện Cờ Đỏ với 11.003 người số tiền 1,1 tỷ đồng); (5) Chính sách hỗ trợ cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn (đã hỗ trợ cho 1.054 hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, gồm hỗ trợ về đất ở cho 115 hộ, đào tạo nghề cho 10 hộ, chuyển đổi nghề cho 463 hộ,  hỗ trợ mua máy móc sản xuất nông nghiệp cho 502 hộ; hỗ trợ dạy chữ Khmer và dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer); (6) Nâng cao năng lực giảm nghèo (tổ chức 70 lớp tập huấn công tác   giảm nghèo để nâng cao năng lực cho 6.938 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo cơ sở); nhân rộng mô hình giảm nghèo (thành phố triển khai xây dựng và nhân rộng 2.857 mô hình phát triển sản xuất, chăn nuôi, làm dịch vụ, mua bán nhỏ, có 9.950 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia; trong đó, 2.027 hộ thoát nghèo sau khi tham gia mô hình)... (7) Kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo: Đầu năm 2011, thành phố Cần Thơ có 22.975 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,84% so với hộ dân; đến nay, hộ nghèo hiện còn 1.032 hộ chiếm tỷ lệ 0,29% so với hộ dân[3] - giảm rất sâu sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI.

Ba là, thường xuyên chú trọng việc quan tâm thực hiện chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân có nhiều tiến bộ

Mạng lưới tổ chức y tế của thành phố không ngừng phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân; thực hiện tốt các dịch vụ sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Thành phố có 83/83 xã, phường, thị trấn có trạm y tế; thực hiện tốt và có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế - dân số trên địa bàn.

Đến nay, tuyến thành phố có 02 bệnh viện đa khoa và 11 bệnh viện chuyên khoa; tuyến quận, huyện có 4 bệnh viện đa khoa và 4 trung tâm y tế; ngoài ra, có 05 đơn vị y tế cấp Trung ương trên địa bàn và 05 bệnh viện tư nhân quy mô từ 200 đến 300 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân theo lộ trình đạt 90%. Chủ động thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh COVID-19, kịp thời ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả, không bùng phát trên địa bàn.

Bốn là, chính sách ưu đãi người có công được thành phố đặc biệt quan tâm và ngày càng mở rộng đối tượng, mức thụ hưởng với chế độ ưu đãi toàn diện hơn

Toàn thành phố hiện có 861 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được công nhận, trong đó có 29 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống, đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, tất cả các Mẹ đều đã được các đơn vị nhận phụng dưỡng.

Nhằm đảm bảo gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú, giai đoạn từ năm 2012 đến năm 2022, thành phố đã thực hiện 07 lần điều chỉnh trợ cấp theo quy định, nâng mức chuẩn trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công từ 1.110.000 đồng lên 1.624.000 đồng/tháng, tăng 68,3%[4].

Bên cạnh chế độ trợ cấp ưu đãi của Nhà nước, việc chăm lo đời sống, sức khỏe được thường xuyên quan tâm, toàn thành phố có 70.675 lượt đối tượng người có công với cách mạng được cấp thẻ bảo hiểm y tế, các đối tượng này được khám và điều trị bệnh tại các cơ sở y tế nhà nước gần nhất. Chăm sóc tốt người có công với cách mạng; đưa 2.750 lượt người đi điều dưỡng tập trung, cấp chế độ điều dưỡng tại gia đình cho 14.500 lượt người, hàng năm, xét chọn các gia đình người có công đi nghỉ dưỡng kết hợp với tham quan ở thành phố Đà Lạt, Nha Trang, đặc biệt đã tổ chức nhiều chuyến tham quan tại thủ đô Hà Nội và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều khu di tích, lịch sử cách mạng tại thủ đô Hà Nội.

Năm là, thành phố xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội toàn diện, đa dạng, ngày càng mở rộng, hiệu quả

(1) Về bảo đảm giáo dục tối thiểu, ngành giáo dục và đào tạo thành phố phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai thực hiện hiệu quả 02 đề án: “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020”, “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Cụ thể: năm 2013, thành phố Cần Thơ được công nhận đạt chuẩn chống mù chữ - phổ cập giáo dục; năm 2014, thành phố Cần Thơ tiếp tục được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi. Đến năm 2021, thành phố có 97,27% trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, tăng 4,7% so với năm 2012; Tỷ lệ học sinh học được học 2 buổi/ngày đạt 85,1%, tăng 22,7% so với năm 2012;  Tỷ lệ huy động học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,6%, tăng 5,43% so với năm 2012; Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt 99%, tăng 6,2% so với năm 2012. Về xóa mù chữ: 9/9 quận, huyện với 83/83 xã, phường, thị trấn đảm bảo các tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; trong đó, 5/9 quận, huyện với 69/83 xã, phường, thị trấn đảm bảo các điều kiện công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2[5].

(2) Số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tăng từ 98.227 người năm 2012 lên 111.574 người vào năm 2016 (tăng 13,59% so với năm 2012); tăng lên 128.976 người vào năm 2020 (tăng 15,60% so với năm 2016). So với năm 2012, tăng 30.749 người (tăng 1,3 lần), bình quân mỗi năm tăng khoảng 3,1%. Ước thực hiện đến hết năm 2022 đạt 138.094 người.

(3) Thành phố cũng trợ cấp thường xuyên cho 343.802 lượt đối tượng bảo trợ xã hội ở ngoài cộng đồng với tổng kinh phí hơn 1.234,311 tỷ đồng, trong đó: 190.013 lượt người cao tuổi; 131.348 lượt người khuyết tật; 4.336 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; 314 người nhiễm HIV/AIDS; 857 người đơn thân nuôi con nhỏ; nuôi dưỡng 16.356 người khuyết tật, 578 trẻ em. Hỗ trợ mai táng phí cho 32.056 trường hợp với tổng số tiền 173,102 tỷ đồng; mua bảo hiểm y tế cho 321.831 đối tượng với tổng kinh phí 15,008 tỷ đồng[6].

(4) Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh của người dân trên địa bàn thành phố tăng từ 75,3 tuổi (năm 2012) lên đến 75,9 tuổi (năm 2020), hiện là 76 tuổi (vào năm 2021) cao hơn bình quân chung của cả nước là 74 tuổi. Điều này cho thấy người dân thành phố được tiếp cận tốt với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đời sống, an sinh xã hội.

 (5) Phụ nữ mang thai và trẻ em là đối tượng được chú trọng trong hệ thống chăm sóc y tế; được tiêm ngừa uốn ván và được thăm khám sức khỏe ít nhất 3 lần trong thai kỳ luôn đạt mức 100% trong suốt giai đoạn từ năm 2012 đến nay[7].

(6) Về chính sách ưu đãi đối với người có công, thành phố thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ về “Chính sách về ưu đãi người có công và Chính sách về lĩnh vực nhà ở”, thành phố đã ban hành Chương trình phát triển nhà ở thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở; Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015.

(7) Về đảm bảo nước sạch, giai đoạn 2011 - 2021, thành phố đã tranh thủ được nhiều nguồn vốn để đầu tư các công trình cấp nước sạch trên địa bàn nông thôn như: vốn chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch giai đoạn 2011 - 2015; vốn vay ngân hàng thế giới WB, vốn hỗ trợ của Chính phủ Hàn Quốc; ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương… góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường, đặc biệt là các vùng có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống. Năm 2011: tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 37,1%, tương đương 59.442 hộ. Đến cuối năm 2021: tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt 87.2%, tương đương 144.649 hộ (tăng 85.207 hộ so với năm 2011)[8].

 (8) Về bảo đảm thông tin truyền thông. Tính đến nay, thành phố đã triển khai lắp đặt hệ thống wifi công cộng 25 điểm tại các khu dân cư, bệnh viện, trường học với 299 đầu phát sóng (access point). Tuy nhiên, nhiều đầu thu đã được đầu tư trước năm 2016 đã thường xảy ra lỗi và công nghệ cũ nên việc truy cập của người dân cũng còn hạn chế. Kết nối internet đến 432 trường học trên địa bàn, đạt 100% số trường; vượt 23,08% tổng số thanh niên biết sử dụng máy tính và internet; phủ sóng thông tin di động và thông tin di động băng rộng đến 100 % dân cư, vượt 17,65% mục tiêu chung toàn quốc; hoàn thành mạng băng rộng đến 100% xã, phường; tỷ lệ xã cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng được kết nối internet băng rộng đạt 100%. Thành phố cũng duy trì tỷ lệ hộ gia đình nghe được chương trình truyền thanh đạt 100% so với kế hoạch; tỷ lệ mạng truyền hình trả tiền đến trung tâm xã, phường, thị trấn đạt 100% so với kế hoạch.[9]

Những kết quả đạt được về chính sách xã hội trong thời gian qua thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của Đảng bộ và chính quyền thành phố Cần Thơ, đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, nhất là những người có công, gia đình chính sách trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phản ánh truyền thống nhân nghĩa, nhân văn của dân tộc và bản chất của chế độ ta luôn lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển tự do và toàn diện của con người, phù hợp với điều kiện của đất nước trong công cuộc đổi mới, tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đưa nước ta ngày càng phát triển, tiến nhanh, tiến vững chắc trên con đường xã hội chủ nghĩa và ngày càng khẳng định vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đang nỗ lực từng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách về xã hội, thành phố Cần Thơ cũng nhận thấy còn một số hạn chế nhất định như: (1) Chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên chưa bao phủ được hết các đối tượng yếu thế, như nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (cha mẹ ly thân, ly hôn bỏ mặc ông bà/người thân nuôi dưỡng), nhóm người cao tuổi dưới 80 tuổi không có lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; mức trợ giúp thấp, đời sống đối tượng còn khó khăn. Nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu hỗ trợ việc làm cho một số đối tượng đặc thù (người khuyết tật, người cao tuổi…) hầu như chưa huy động được. (2) Hệ thống các cơ sở trợ giúp xã hội chưa nhiều, quy mô nhỏ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn; xã hội hóa tuy đạt kết quả đáng kể, nhưng vẫn chưa đầy đủ, nhất là trong hỗ trợ chăm sóc người khuyết tật, người tâm thần; chăm sóc hỗ trợ tại cộng đồng còn hạn chế. Công tác rà soát, thống kê, theo dõi và quản lý thực hiện chính sách còn thủ công, thiếu sự thống nhất, chia sẻ thông tin giữa các địa phương dẫn đến tình trạng, bỏ sót đối tượng; thủ tục còn phức tạp. (3) Nguồn vốn cho vay từ Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm gần như không được Trung ương cấp bổ sung, trong khi nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang còn hạn chế nên nguồn vốn cho vay chưa đáp ứng được nhu cầu vốn giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương (hàng năm chỉ đáp ứng được khoảng 30 - 35% nhu cầu vay vốn). Định mức đầu tư cho vay hỗ trợ tạo việc làm mới/lao động còn thấp (khoảng 27 triệu đồng/lao động) dẫn đến hiệu quả, tính ổn định trong giải quyết việc làm chưa cao. (4) Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự năng động, nhạy bén trong việc nắm bắt những yêu cầu mới về ngành nghề, trình độ đào tạo và nhất là các yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, của thực tiễn địa phương. Chưa chủ động liên kết với các doanh nghiệp trong các hoạt động đào tạo và tạo việc làm cho người học sau đào tạo.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả về chính sách xã hội, trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban ngành thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chính sách xã hội đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, bám sát mọi mặt đời sống xã hội, gắn bó mật thiết với Nhân dân để phát triển con người người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, góp phần phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguyễn Ngọc Quy
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.147.
[2] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Báo cáo số 215-BC/TU ngày 25/5/2022 về “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI một số vấn đề về chính sách an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ”, Cần Thơ, tr.5.
[3] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.5-8.
[4] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.2.
[5] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.8-10.
[6] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.8.
[7] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.11.
[8] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.13.
[9] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ (2022), Sđd, Cần Thơ, tr.14.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây