Đồng chí Lê Quang Mạnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy phát biểu tại buổi tiếp Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị làm việc với Thành ủy Cần Thơ về khảo sát đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 của Bộ Chính trị khóa XI “về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.
Hiểu được việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Ngay sau khi tiếp thu Nghị quyết số 09-NQ/TW, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai, quán triệt nghiêm túc cho cán bộ chủ chốt thành phố, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai, quán triệt trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; các ngành chức năng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tăng cường công tác phối hợp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động và xây dựng các văn bản tập trung vào các nội dung chủ yếu như: cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp, khởi nghiệp,... nhằm tháo gỡ khó khăn khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh góp phần xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp có những chuyển biến tích cực, góp phần cùng thành phố hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Với mục đích nâng cao nhận thức tầm quan trọng việc xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển; chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, công khai, minh bạch, thúc đẩ
y khởi nghiệp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư ổn định, phát triển sản xuất, kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 09/7/2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ “Về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của thành phố Cần Thơ nhằm chuyển biến mạnh mẽ về tư duy “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”, thông qua chính sách hỗ trợ, định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng ngành, từng lĩnh vực để kêu gọi thu hút đầu tư được đăng trên cổng thông tin điện tử, niêm yết tại các trụ sở cơ quan chính quyền, tổ chức diễn đàn, mời gọi đầu tư, gặp gỡ, đối thoại trực tiếp, chương trình kết nối cung cầu và xúc tiến thương mại... Từ đó, doanh nhân, doanh nghiệp mạnh dạn xây dựng kế hoạch phát triển doanh nghiệp phù hợp định hướng của thành phố và trong giai đoạn 2011 - 2021 là 13.047 doanh nghiệp, trung bình mỗi năm có 1.200 doanh nghiệp mới tham gia thị trường.
Trong suốt 10 năm qua, Ðảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp, phát huy vai trò của doanh nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Sự tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ doanh nhân và một số trở thành đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã cho thấy vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cấp chính quyền tập trung huy động mọi nguồn lực, kết hợp vận dụng cơ chế, chính sách của Trung ương, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống giao thông vận tải, sân bay, bến cảng, hệ thống giao thông kết nối liên vùng, hệ thống thủy lợi ứng phó biến đổi khí hậu,... từng bước hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ sở vật chất đảm bảo cho sự phát triển thành phố. Công tác cải cách hành chính được các cấp ủy đảng, chính quyền đặc biệt quan tâm thực hiện, thực hiện tốt thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật và rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp đã góp phần củng cố vững chắc lòng tin doanh nghiệp, doanh nhân đối với chính quyền địa phương. Theo đánh giá kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thành phố năm 2020 của thành phố Cần Thơ xếp hạng 12/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương (đứng 5/13 tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long), xếp trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành “Khá”.
Việc
hỗ trợ đội ngũ doanh nhân mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động được thể hiện qua các hoạt động như: Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ thiết bị 2013 - 2017 và 2018 – 2020 đã thu hút hơn 60 doanh nghiệp đề xuất tham gia, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa; tổ chức đào tạo hơn 5.900 lượt học viên thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố các kiến thức chuyên sâu về nâng cao năng suất chất lượng và sở hữu trí tuệ, sức cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập. Giai đoạn 2011 - 2020, số đơn đăng ký sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, giải pháp hữu ích) 3.941 đơn, tăng 93% và 2.518 văn bằng, tăng 67% so với giai đoạn 2001 - 2010. Ngoài ra, thành phố đã lập Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có thêm nguồn vốn vay đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doan, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố thường xuyên quan tâm phối hợp chặt chẽ phát triển và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện để các tổ chức đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kết nối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ; truyên truyền vận động doanh nghiệp tham gia làm hội viên Hiệp hội doanh nghiệp, Hội doanh nhân, hội viên Hội liên hiệp Hợp tác xã...; quan tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong từng ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện thông thoáng về thủ tục hành chính để doanh nghiệp, doanh nhân dễ tiếp cận; tham dự các chương trình hội thảo, tư vấn và giao lưu học tập kinh nghiệm do thành phố tổ chức. thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân thông qua việc gặp gỡ, đối thoại, họp mặt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp luôn được các cấp ủy đảng và chính quyền quan tâm, thường xuyên rà soát, tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt của các doanh nghiệp tham gia các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu và nâng cao lý luận chính trị của lãnh đạo doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới. Trong 10 năm qua Đảng ủy Khối Doanh nghiệp đã cử 67 đồng chí học lớp Cao cấp lý luận chính trị và 01 đồng chí học lớp hoàn chỉnh cao cấp lý luận chính trị; đồng thời, phối hợp với Trường Chính trị thành phố mở lớp Trung cấp lý luận chính trị cho hơn 231 học viên. Đồng thời, triển khai phối hợp với các sở, ngành đào tạo nguồn nhân lực thuộc những lĩnh vực mà các doanh nghiệp đang cần, đang thiếu; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp để phục vụ cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ doanh nhân nói riêng. Các cấp ủy đảng, chính quyền còn quan tâm xây dựng đội ngũ doanh nhân nâng cao các giá trị đạo đức, văn hóa trong ứng xử kinh doanh gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; các doanh nhân đã phát huy tinh thần yêu nước, ý thức tuân thủ pháp luật, trách nhiệm xã hội trong kinh doanh; có trách nhiệm đối với người lao động và cộng đồng xã hội và tích cực hưởng ứng các cuộc vận động khác do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội phát động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và gắn bó giữa doanh nhân và người lao động trong doanh nghiệp góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của thành phố
.
10 năm qua, số lượng và quy mô của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ doanh nhân của thành phố đã có sự cải thiện, đóng vai trò quan trọng vừa việc phát triển kinh tế - xã hội, vừa tạo ra công ăn việc làm, cũng như an sinh xã hội, phục vụ cho xoá đói, giảm nghèo và nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh nước ta đang hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Đặc biệt, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 “về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 “về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ”; đây là tiền đề, định hướng quan trọng chi phối sự phát triển của thành phố Cần Thơ, từ đó huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư phát triển thành phố trong tương lai.
Tuy đạt được nhiều kết quả nổi bật, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW vẫn còn tồn tại một vài hạn chế như: một số địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức việc triển khai thực hiện Nghị quyết, chưa đáp ứng yêu cầu; doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thành phố hầu hết ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực khoa học - công nghệ, năng suất lao động còn thấp; việc phát triển nguồn nhân lực chưa tương xứng với yêu cầu phát triển và hội nhập của thành phố; chất lượng nguồn lao động có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp; công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể tuy có chuyển biến nhưng còn những hạn chế nhất định trong một số loại hình doanh nghiệp; tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng so với số lượng doanh nghiệp hiện có trên địa bàn còn thấp; …
Để tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân tại địa phương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết số 09-NQ/TW, thành phố cần tập trung quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc những nội dung sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, triển khai đầy đủ nội dung Nghị quyết số 09-NQ/TW nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền thường xuyên quan tâm xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân thành phố Cần Thơ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; thường xuyên lắng nghe và tham vấn ý kiến của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tập trung hiện đại hóa hành chính, thực hiện tốt thủ tục hành chính trên môi trường điện tử nhằm đảm bảo tính minh bạch và giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động.
Ba là, thông tin công khai, minh bạch trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo kế hoạch phát triển chung của thành phố và phải bảo đảm quyền lợi doanh nghiệp, doanh nhân khi đầu tư. Đặc biệt, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn hiện tượng gây khó khăn, phiền hà đối với doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Bốn là, xây dựng hình ảnh doanh nghiệp, doanh nhân thành phố Cần Thơ có lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật; có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp; có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, xã hội và có đạo đức, văn hoá kinh doanh, góp phần phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Năm là, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp cho phù hợp với điều kiện thực tiễn; chú trọng công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Các tổ chức đảng, đoàn thể hợp tác cùng doanh nghiệp, doanh nhân, góp phần xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, quan hệ lao động hài hòa, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, bảo đảm doanh nghiệp phát triển bền vững.