Thực hiện tiến độ đề tài: “Nghiên cứu và biên soạn Địa chí Cần Thơ: Địa lý và Lịch sử Cần Thơ”, Ban Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ tổ chức Hội thảo khoa học lần thư hai với chủ đề “Sự kiện và nhân vật lịch sử Cần Thơ”. Qua đó, nhằm thu thập thêm thông tin, tư liệu cũng như tiếp tục ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến sự kiện và nhân vật lịch sử Cần Thơ, góp phần bổ sung, hoàn chỉnh và định hướng cho việc tập hợp tư liệu nghiên cứu và biên soạn Chương sự kiện lịch sử và Chương nhân vật chí trong tổng thể chung của Quyển Đại lý và Lịch sử Cần Thơ.
Đồng chí Phan Văn Thép – Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại hội thảo.
Là một thành phần trong tổng thể Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ, Chương sự kiện lịch sử, nghiên cứu, tập hợp tư liệu và biên soạn sự kiện lịch sử dựa theo cách phân kỳ chung của lịch sử dân tộc và các sự kiện có tính đặc thù, tiêu biểu, quan trọng liên quan đến quá trình hình thành và phát triển từ Trấn Giang - Cần Thơ từ năm 1739 đến năm 2024 tương thích với sự kiện lịch sử qua các thời kỳ. Chương nhân vật chí, nghiên cứu, tập hợp tư liệu các nhân vật có đóng góp quan trọng, tiêu biểu qua mỗi thời kỳ lịch sử trên lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa - nghệ thuật, quân sự, quốc phòng - an ninh, có vai trò tác động tích cực trong tiến trình lịch sử hình thành và phát triển Cần Thơ.
Ths. Trần Văn Kiệt - Thư ký Ban Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử phát biểu tham luận tại hội thảo.
Trong quá trình chuẩn bị cho việc tổ chức hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 10 báo cáo khoa học của các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, thành viên Ban Chủ nhiệm, và trên cơ sở tổng hợp tư liệu nghiên cứu, tiêu chí ghi nhận sự kiện và nhân vật lịch sử; những sự kiện và nhân vật lịch sử từ Lịch sử Đảng bộ thành phố Cần Thơ, tập I, II, III và IV, Địa chí Cần Thơ (2002) và một số công trình nghiên cứu đã được công bố, đề xuất ghi nhận sự kiện lịch sử và nhân vật lịch sử Cần Thơ tương thích với bối cảnh lịch sử Cần Thơ trước năm 1945, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ và trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Lưu Thu Thủy phát biểu tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, đại biểu tham dự hội thảo có nhiều ý kiến trao đổi, đánh giá, phân tích, đề xuất liên quan đến các nội dung về sự kiện và nhân vật lịch sử Cần Thơ. Trong đó, các ý kiến tập trung vào các vấn đề như: Khái quát chung các sự kiện lịch sử dân tộc từ năm 1858 đến năm 1975; các sự kiện lịch sử trọng đại liên quan đến vùng Tây Nam bộ; các sự kiện lịch sử liên quan trực tiếp đến vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ; tiêu chí xác định sự kiện lịch sử; tiêu chí ghi nhận nhân vật lịch sử Cần Thơ.… Qua đó, cho thấy, các tác giả đã có quá trình nghiên cứu sâu, toàn diện về các nguồn tài liệu đã công bố, đặc biệt là sự tiếp cận Bộ Quy chuẩn biên soạn Địa chí Quốc gia Việt Nam của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội biên soạn nhằm thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia “Xây dựng bộ Địa chí Quốc gia Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2079/QĐ-TTg, ngày 22/12/2017 được cụ thể hoá qua Quy chế biên soạn Địa chí Cần Thơ và Thể lệ biên soạn Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ phát biểu tổng kết hội thảo.
Phát biểu tổng kết hội thảo, đồng chí Nguyễn Ngọc Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Cần Thơ, Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ khái quát những căn cứ để các chuyên gia, nhà khoa học tập trung trình bày báo cáo khoa học.
Thứ nhất, những báo cáo tập hợp tư liệu lịch sử Cần Thơ đã dược Hội đồng khoa học thành phố thẩm định, phê duyệt và hợp đồng thực hiện với Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ.
Về sự kiện lịch sử, gồm có 5 báo cáo: (1) Đặc điểm sự kiện lịch sử vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ; (2) Sự kiện lịch sử thời nhà Nguyễn từ năm 1739 – 1867; (3) Sự kiện lịch sử thời Pháp thuộc từ năm 1868 – 1954; (4) Sự kiện lịch sử thời cách mạng giải phóng Miền Nam từ 1954 – 1975; (5) Sự kiện lịch sử từ sau ngày 30/4/1975 đến năm 2024.
Về nhân vật lịch sử, gồm 5 báo cáo: (1) Nhân vật tiêu biểu vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ từ năm 1739 – 1945; (2) Nhân vật tiêu biểu Cần Thơ từ năm 1945 – 1975; (3) Nhân vật tiêu biểu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; (4) Danh mục Bà Mẹ Việt Nam anh hùng; nhân vật tiêu biểu trong sự phát triển thành phố Cần Thơ; (5) Danh mục nhân vật lịch sử được Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ chọn đặt tên đường.
Thứ hai, cơ sở để ghi nhận sự kiện lịch sử và nhân vật chí Cần Thơ.
Ghi nhận sự kiện lịch sử từ khởi nguồn đến giữa thế kỷ XIX (1858) đến nay. Trong đó tập trung các sự kiện lịch sử có tính đặc thù liên quan trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển vùng đất Trấn Giang - Cần Thơ từ năm 1739 đến năm 2024. Nhân vật lịch sử được ghi nhận là nhân vật đã hy sinh, đã qua đời; đã nghỉ hưu và hiện còn sống có đóng góp quan trọng, tiêu biểu qua mỗi thời kỳ lịch sử trên lĩnh vực chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh; Bà Mẹ Việt Nam anh hùng;…Sự kiện và nhân vật lịch sử đã được ghi nhận từ một số công trình nghiên cứu đã công bố, trực tiếp là Lịch sử Đảng bộ Cần Thơ, tập I, II, III và IV; Địa chí Cần Thơ (2002), Những viên ngọc quý, tập I, II và III do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Cần Thơ biên soạn và xuất bản;…
Qua hội thảo đã cung cấp thêm nguồn tư liệu, ghi nhận trong Chương Sự kiện lịch sử và Chương Nhân vật chí trong tổng thể Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ, đồng chí nhận định với với sự quyết tâm của thành viên Ban Chủ nhiệm Quyển Địa lý và Lịch sử, sự đóng góp tích cực của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan sẽ là điều kiện thuận lợi tốt nhất để hoàn thành bản thảo Quyển Địa lý và Lịch sử Cần Thơ đạt yêu cầu và đúng tiến độ đề ra.