Tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính

Thứ hai - 28/08/2023 20:47 288 0
Bác Hồ kính yêu của dân tộc Việt Nam là một vị lãnh tụ mẫu mực, luôn nhất quán giữa lời nói và hành động. Bác không chỉ để lại những lời dạy sâu sắc cho đội ngũ cán bộ, đảng viên về việc học tập, rèn luyện những phẩm chất cần-kiệm-liêm-chính, chí công vô tư để phụng sự Tổ quốc và nhân dân mà còn đào tạo, bồi dưỡng thế hệ lãnh đạo kế cận thành những người cộng sản mẫu mực hội tụ đầy đủ những phẩm chất cao quý đó; trong số những học trò xuất sắc có đồng chí Trần Hữu Dực - Người chiến sĩ cách mạng đã chiến thắng kẻ thù bằng tinh thần thép và ý chí tiến công “bước qua đầu thù”.
Bác Hồ và đồng chí Trần Hữu Dực tại Hội nghị thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bộ Công an (tháng 10/1966).
Bác Hồ và đồng chí Trần Hữu Dực tại Hội nghị thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” của Bộ Công an
(tháng 10/1966).


Trong thời gian hoạt động cách mạng từ 1926-1945, Trần Hữu Dực bị thực dân Pháp bắt 4 lần, bị kết án tổng số 29 năm tù giam và 22 năm quản thúc, từng trải qua các nhà tù khét tiếng tàn độc của đế quốc thực dân như nhà tù Quảng Trị, nhà đày Lao Bảo, nhà đày Buôn Ma Thuột (2 lần). Chính trong địa ngục lao tù, bằng nghị lực của người yêu nước, bằng ý chí của người cộng sản, Trần Hữu Dực đã làm thất bại mọi ngón đòn tra tấn cực kỳ tàn bạo của kẻ thù.

Tháng 6/1945, thoát khỏi nhà tù đế quốc và không một phút nghỉ ngơi, Trần Hữu Dực lao ngay vào công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Trong tình hình vô cùng khẩn trương, cấp trên giao cho Trần Hữu Dực trực tiếp lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Trị. Bằng trí tuệ và khả năng công tác thực tiễn của mình, Trần Hữu Dực đã cùng tập thể Ủy ban Khởi nghĩa lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Quảng Trị nhanh gọn.

Ngày 31/8/1945, trong phiên họp đại biểu các tỉnh Trung Bộ, ông được bầu vào Thường vụ Xứ ủy và Chủ tịch Ủy ban Trung Bộ với sự tín nhiệm tuyệt đối. Buổi ra mắt đầu tiên của vị Chủ tịch Trung Bộ 35 tuổi đã gây một tiếng vang lớn trong mọi tầng lớp nhân dân kinh đô Huế. Từ các viên chức của chế độ cũ đến các vị đại thần, trong đó có những người đã từng ký lệnh bắt giam ông, đều cảm thấy hoàn toàn yên tâm, tin tưởng vào chế độ mới.

Cuộc đời có những đổi thay thật kỳ diệu. Mới hôm nào, ông còn là một người tù bị cùm trong xà-lim, nay chỗ ở mới của ông là dinh thự của tên Khâm sứ Trung Kỳ với đầy đủ mọi tiện nghi sang trọng.

Nhưng ông không choáng ngợp trước sự đổi thay đó. Hàng nghìn cặp mắt theo dõi đời sống, sinh hoạt của vị Chủ tịch - “Viên Khâm sứ mới” và trong lúc “Một số người thi nhau đem con ra thành phố ở những ngôi nhà sang trọng, thậm chí có người cưới vợ ngay trong tòa nhà Khâm sứ, yến tiệc linh đình…” thì Trần Hữu Dực vẫn để vợ con ở quê. Qua lời tự sự của ông: “Có một lần, vợ tôi đưa đứa con trai 7 tuổi vào thăm tôi. Tôi đã bố trí một buổi đưa vợ tôi vào thăm cung điện nhà Vua, dẫn vợ tôi đi thăm khắp tòa Khâm sứ sang trọng và lộng lẫy… Khi tôi đưa vợ con vào phòng nghỉ riêng của tòa Khâm sứ Trung Kỳ, bấy giờ là phòng nghỉ riêng của Chủ tịch Trung Bộ, vợ tôi đã thốt lên kinh ngạc: “Nhà mình được ở đây à?”. Tôi đã vui vẻ trả lời ngay: “Không! Nhà mình vẫn ở Dương Lệ Đông, Quảng Trị. Ngày mai, hai mẹ con lại về đấy”…(1) cho chúng ta thấy phẩm chất liêm chính đáng quý của Trần Hữu Dực.

Trong khoảng hơn 10 năm được sống và làm việc với Trần Hữu Dực, ông Trần Việt Phương kể lại: Trong hai năm 1949-1950 trên Chiến khu Việt Bắc, đồng chí Trần Hữu Dực là một ủy viên của Đảng đoàn Chính phủ. Tôi là người thư ký làm biên bản, ghi ý kiến của từng người trong các cuộc họp Đảng đoàn Chính phủ, thấy đồng chí Trần Hữu Dực luôn là người nói ngắn gọn, rõ ràng, nêu những ý kiến dứt khoát, thẳng thắn. Đồng chí Phạm Văn Đồng, Bí thư Đảng đoàn Chính phủ là người kiệm lời, quý thời gian, trong hội nghị tự đòi hỏi mình và yêu cầu người khác vào thẳng vấn đề, đóng góp thiết thực về giải pháp, cho nên đồng chí Phạm Văn Đồng thường tâm đắc với cách nói và tán thành nhiều ý kiến của Trần Hữu Dực.

Từ những năm 1960, đồng chí Trần Hữu Dực làm Bộ trưởng ở Phủ Thủ tướng. Hằng ngày suốt cả tuần lễ, đồng chí làm việc ba buổi sáng, chiều, tối ở Phủ Thủ tướng. Không ít lần, đồng chí hẹn tôi làm việc từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ sáng hôm sau.

Một lần, Bộ Chính trị họp bàn về một số vấn đề kinh tế quan trọng, đồng chí Trần Hữu Dực được mời dự họp và được Thủ tướng Phạm Văn Đồng ủy nhiệm thay mặt Đảng đoàn Chính phủ báo cáo tình hình. Sau cuộc họp ấy, Bác Hồ dặn đồng chí Phạm Văn Đồng, khen báo cáo của chú Dực tốt, giúp Bộ Chính trị thảo luận sớm thống nhất ý kiến, quyết định chủ trương và biện pháp đúng. Lần sau bàn những vấn đề tương tự, có thể tiếp tục giao cho chú Dực chuẩn bị báo cáo tình hình và nêu đề nghị.

Thời chiến tranh, qua bao ngày đêm làm việc, đồng chí Trần Hữu Dực và chúng tôi chỉ có một ấm trà-loại trà trung bình, mỗi người được vài chén trà, ngoài ra không có một thứ bồi dưỡng nào cả. Vậy nhưng đồng chí Trần Hữu Dực vẫn thổi lên được trong chúng tôi một ngọn lửa nhiệt tình và say mê luôn luôn bừng cháy. Trong công việc, đồng chí luôn dặn chúng tôi “không cần quan tâm nhiều về cương vị và chức danh” chỉ cần “chúng ta một lòng, một dạ, vì dân, vì nước, ra sức làm tròn nhiệm vụ” và “không có danh hiệu nào, phần thưởng nào, niềm vui nào chính đáng và cao quý hơn điều đó”.

“Trong việc sử dụng cán bộ và đối xử với cấp dưới, tôi thấy đồng chí Trần Hữu Dực rất chú ý đến phẩm chất cán bộ, nhất là phẩm chất chính trị - là cốt lõi của cán bộ; cũng như vấn đề công bằng, không có chuyện thiên vị người này người nọ trong công việc”, ông Dương Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhớ lại. “Trong công tác, đồng chí luôn chỉ đạo sát sao và quan tâm đến cán bộ được giao nhiệm vụ. Giao việc cho ai, đồng chí đều cân nhắc kỹ, không tùy tiện hay theo ý chủ quan của mình. Đồng chí giao việc một cách rõ ràng, xác định ai làm được việc và có ý thức tổ chức mới giao. Trong cuộc sống hằng ngày thì đồng chí rất tiết kiệm, giản dị, làm gì mà gây lãng phí là đồng chí tuyệt đối không làm. Tôi nhớ thường vào dịp Tết Nguyên đán, đến chúc Tết tại nhà, đồng chí hay đãi mứt gừng, rất đơn giản. Đồng chí không hề yêu cầu hay đòi hỏi gì trong cuộc sống riêng cho mình, cứ theo chế độ mà làm”, ông Dương Văn Phúc kể.

Khi ở cương vị Phó Thủ tướng, đồng chí hằng ngày đi làm được xe ô-tô đưa đón, còn vợ thì đi xe đạp (mặc dù bà cũng làm việc ở Phủ Thủ tướng). Nhiều người bảo sao không để vợ cùng đi, đồng chí bảo: “Cùng đi sao được, ô-tô và lái xe là tiêu chuẩn của Nhà nước phục vụ Phó Thủ tướng chứ không phải phục vụ gia đình”(2). Ngay cả khi vợ con ốm đau, đi khám bệnh, đồng chí cũng không dùng ô-tô của cơ quan. Đồng chí luôn nhớ mãi, không quên một chữ, lời dạy của Bác Hồ hồi mới giành được chính quyền năm 1945: “Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng đi xe hơi của ông. Thử hỏi hao phí đó ai phải chịu?” và đồng chí tự bảo trước hết mình phải gương mẫu trong mọi hoàn cảnh, chí công vô tư trong mọi công việc.

Trong công tác quản lý giới văn nghệ sĩ, lãnh đạo trí thức, ông Trần Hoàn - nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thông tin khi làm việc với đồng chí Trần Hữu Dực đã mất đi những thiên kiến thường nghe về một người lãnh đạo liêm khiết, nghiêm khắc, nguyên tắc nhưng có lúc hơi chì chiết với cán bộ.

Ông kể, trong một lần đi công tác về Đông Hà, ngồi trên xe U-oát bị tra tấn suốt cả buổi bởi con đường từ Khu ra Sa Trầm, về cầu Đakrông lầy lội, nhiều ổ, xóc và phải len lỏi giữa những đoạn đường lở lói vì mưa rừng, vừa đói, vừa khát cho nên có ý định dừng xả hơi, “kiếm” một ít gì ăn cho lại sức ở quán ven đường nhưng đồng chí Trần Hữu Dực lấy gói cơm nắm, bi-đông nước ra mời và được nghe tâm sự: “Tôi lấy làm lạ là có nhiều cán bộ đi công tác, nghỉ dọc đường hay lao vào quán. Không biết để làm gì? Muốn uống chè pha sẵn cho vào bi-đông, khi nào khát thì uống. Muốn uống nước chanh, thì đem sẵn nước nguội, đường và chanh theo mà pha. Đói bụng thì giở cơm nắm ra mà ăn. Tôi đã nói với nhiều đồng chí Thứ trưởng, Vụ trưởng đi công tác với tôi, là phải tránh cái lối “la cà” vào hàng quán. Tôi biết lương cán bộ của ta có được bao nhiêu đâu. Dành dụm để giúp vợ nuôi con đã chật vật lắm rồi. Lấy đâu mà cà phê, cà pháo, nước chanh, nước chè. Mà đã quen thói rồi, thì phải vay tiền mà trả. Nợ không trả được thì phải tìm cách mà xoay. Mà đã “xoay” thì đẻ ra đủ thứ bệnh tham ô, ăn cắp của công, nhận đút lót…”.

Nghe xong, ông Trần Hoàn uống ca nước chè mà thấy đăng đắng, người rờn rợn, bụng bảo dạ phải thận trọng với tính “nghệ sĩ” của mình. Sau lần đó, ông đã hiểu thêm, khâm phục và càng thấy rõ ẩn bên trong cái vẻ ngoài lạnh lùng, đanh rắn của Trần Hữu Dực là một quả tim nồng cháy, đầy tâm huyết và một cái đầu có suy nghĩ, có nguyên tắc nhưng rộng rãi và cởi mở.

Trần Hữu Dực đã sống theo đúng lời dạy của Bác Hồ “Cần, kiệm, liêm, chính”, hướng lòng mình đến “Chí công vô tư” để phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ông căm ghét những kẻ cơ hội, tham nhũng quan liêu, sa đọa về phẩm chất. Ông cho rằng những kẻ đó còn tồn tại trong Đảng là nguy cơ đáng lo ngại hơn cả kẻ thù ở bên ngoài. Suốt cuộc đời Trần Hữu Dực trung thành với lý tưởng yêu nước và cộng sản, không ngừng phấn đấu cho lý tưởng mà ông đã nguyện đi theo từ tuổi đôi mươi. Ở tuổi 83, đến giây phút cuối cùng, ông vẫn một lòng son sắt với lý tưởng đó.

(1) Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr. 82(2) Trần Hữu Dực, Bước qua đầu thù, sđd, tr. 83

NGÔ TẤN ĐẠT
(Theo https://nhandan.vn/)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây