Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú trọng đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bởi theo Người, “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm” (1). Khi nói về hoạt động lãnh đạo của Đảng, Người nói: “Lãnh đạo quan trọng nhất là lãnh đạo tư tưởng, phải hiểu tư tưởng của mỗi cán bộ để giúp đỡ thiết thực trong công tác; vì tư tưởng thông suốt thì làm tốt, tư tưởng nhùng nhằng thì không làm được việc” (2). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem công tác tuyên huấn - tuyên giáo là một bộ phận cấu thành hết sức quan trọng, là một lĩnh vực trọng yếu của Đảng. Đồng thời, Bác cũng luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo với vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng; trực tiếp củng cố, tăng cường sự đoàn kết, nhất trí của quần chúng nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo đến nay vẫn còn nguyên những giá trị to lớn.
Trước hết, cán bộ tuyên giáo phải là người có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, đạo đức lối sống trong sạch, lành mạnh.
Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức là cái gốc, là cơ sở nền tảng của người cách mạng. Khi nhấn mạnh vai trò quan trọng này, Người nói: “Nhiệm vụ công tác tuyên huấn có thể chia ra hai mặt: Một mặt là làm sao mưu lợi ích cho đồng bào. Một mặt nữa là làm sao tránh được tệ hại cho đồng bào” (3). Để hoàn thành được nhiệm vụ đó, theo Bác, tính Đảng là nguyên tắc, là nền tảng của công tác tuyên giáo, nó đảm bảo cho các hoạt động tuyên giáo của Đảng giữ vững lập trường của giai cấp công nhân, phục vụ nhân dân; đảm bảo tính khoa học và phải luôn xuất phát từ thực tế khách quan, từ quy luật phát triển của xã hội, lấy đó làm cơ sở giải thích cho nhân dân để từ đó họ hiểu, họ tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và hành động tự giác, có hiệu quả.
Thứ hai, cán bộ tuyên giáo phải làm tốt công tác nêu gương, có lòng say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, luôn trau dồi kỹ năng nói, viết.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương trước hết là phải làm gương. Bởi, muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải mực thước cho người ta bắt chước, noi theo. Người nhắc nhở: “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên ta mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin thiết thực nhất” (4). Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, các luồng thông tin được truyền đi trên nhiều kênh, đa chiều, với tốc độ nhanh chóng, nhiều xu hướng chính trị, ý thức hệ trái chiều, tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn đời sống chính trị. Chính vì vậy, đội ngũ cán bộ tuyên giáo phải am hiểu cả về lý luận và thực tiễn để vận dụng vào công tác của mình một cách có hiệu quả.
Chủ tịch Hồ Chí Minh có phong cách diễn đạt nói, viết rất phong phú, đa dạng, dễ hiểu, dễ nhớ. Từ đó, Người yêu cầu cán bộ tuyên giáo phải nói và viết sao cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc, làm cho người nghe, người đọc hiểu được, nhớ được và làm được. Cán bộ tuyên giáo cần xác định rõ ràng nội dung, đối tượng, mục đích và phương pháp: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết phải rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng” (5). Qua đó, đội ngũ cán bộ tuyên giáo cần phải tăng cường tiếp xúc, cầu thị lắng nghe, tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng nói, viết, nâng cao hơn hiệu quả công tác tư tưởng của cấp ủy, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với học sinh Trường Nghệ thuật sân khấu Trung ương ở Khu văn công Mai Dịch, Hà Nội. (Ảnh tư liệu) |
Thứ ba, cán bộ tuyên giáo luôn hướng về cơ sở, bám sát thực tiễn và gắn bó mật thiết với Nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về phong cách gần dân, sâu sát cơ sở. Trong đời sống hằng ngày, Người thường tranh thủ đi thăm, chuyện trò thân tình với các cụ già, gặp gỡ các chiến sĩ và đồng bào địa phương để nắm tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Điều đó đã trở thành một nhu cầu, một nếp sống gần gũi quần chúng nhân dân, giúp lắng nghe nguyện vọng, tình cảm của dân.
Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cán bộ tuyên giáo phải luôn hướng về cơ sở, sâu sát cơ sở, luôn gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân. Qua đó, giúp cán bộ tuyên giáo nắm bắt được tình hình, diễn biến tư tưởng, tình huống tư tưởng nảy sinh trong thực tiễn. Từ đó, chủ động dự báo, kịp thời tham mưu các giải pháp đúng đắn. Việc gắn bó mật thiết với nhân dân sẽ giúp người cán bộ tuyên giáo đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay; đồng thời, bám sát thực tiễn cũng là điều kiện để phát hiện, đánh giá hiệu quả các nghị quyết của Đảng đã đi vào cuộc sống như thế nào, có gì cần tham mưu, đề xuất khắc phục, sửa chữa những chỗ chưa hợp lý. Có như vậy, hoạt động của cán bộ tuyên giáo mới sôi động, giàu sức sống và có tính thuyết phục đối với quần chúng nhân dân.
Thứ tư, cán bộ tuyên giáo cần có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, dứt khoát.
Công tác tuyên giáo là một lĩnh vực có ý nghĩa quan trọng. Thông qua công tác tuyên giáo sẽ giúp tuyên truyền chủ trương, đường lối, đưa Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống; phát hiện và biểu dương những nhân tố mới, cổ vũ các phong trào thi đua yêu nước; góp phần phát hiện và đề xuất cách giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc sống; bảo vệ an ninh quốc gia, tích cực đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội...
Theo đó, cần tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo có phương pháp, tác phong làm việc khoa học, dứt khoát. Đồng thời, phải luôn lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân; luôn phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, bằng quan điểm của Đảng; không “tô hồng”, không “bôi đen” sự vật, hiện tượng; nâng cao nhận thức cách mạng và định hướng hành động của quần chúng nhân dân…
Khi đề cập, lý giải hoặc phân tích các sự kiện và hiện tượng luôn đặt trong mối quan hệ biện chứng giữa những điều kiện, không gian, thời gian nhất định, vạch rõ quá trình phát triển, biến đổi, chỉ rõ bản chất và cách giải quyết phù hợp để mang lại hiệu quả cao; tiến hành các hoạt động tư tưởng bảo đảm khoa học, bài bản, chặt chẽ. Đặc biệt, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo thực sự có đức, có tài, “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết” (6).
Kỷ niệm 93 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2023) là dịp để chúng ta khơi dậy niềm tự hào đối với công tác tuyên giáo của Đảng. Đồng thời, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ tuyên giáo của Đảng. Qua đó, cổ vũ, động viên toàn Ngành nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng đất nước ngày càng phát triển phồn vinh, hạnh phúc./.
Tài liệu tham khảo:
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.114
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.309
(3) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.161
(4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.669
(5) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội. 2011, tr.345.
(6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG-ST, Tập I, H. 2021, tr.187.