Quan điểm của Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Quân đội

Thứ hai - 31/07/2023 04:26 8.763 0
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cán bộ Quân đội nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội thật sự mẫu mực, tiêu biểu về phẩm chất đạo đức, lối sống, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao phó.

ffb0c9cc6a0ddcf04d29cb8f4142a735 L

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Lễ tuyên dương 43 Anh hùng các Lực lượng vũ trang nhân dân nhân kỷ niệm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1956) - Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện Quân đội ta. Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(1)

Theo Hồ Chí Minh, phẩm chất đạo đức cách mạng của người cán bộ Quân đội vừa phản ánh những yêu cầu chung của nhiệm vụ cách mạng, vừa phản ánh đặc điểm, yêu cầu riêng của Quân đội. Đạo đức cách mạng của người cán bộ Quân đội được thể hiện cụ thể trong ba mối quan hệ cơ bản: Đối với người, đối với việc, đối với tự mình, có thể khái quát thành các chuẩn mực cơ bản sau: 

1. Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân 

Đây là phẩm chất bao trùm, quan trọng nhất và chi phối các phẩm chất khác. Trung với nước theo quan điểm của Hồ Chí Minh là yêu nước, nước ở đây là nước của dân, của toàn dân tộc chứ không của riêng ai và chính mỗi người dân là chủ nhân của nước; là trung thành với con đường đã lựa chọn, con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, phù hợp với sự phát triển của dân tộc và thời đại. Hiếu theo quan điểm của Người là hiếu với dân, phải biết yêu dân, kính dân, tôn trọng dân, lấy dân làm gốc; đề cao tinh thần phục vụ nhân dân, có trách nhiệm trước dân, để dân tin, dân phục, dân yêu, dân ủng hộ, dân giúp đỡ. Hiếu với dân là nắm được dân tình, dân ý, hiểu dân tâm, cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Hiếu với dân cũng là nói đến yếu tố cấu thành dân chủ, phấn đấu để đạt đến các điều kiện để dân thực hành dân chủ. Hiếu với dân là đấu tranh giải phóng cho dân, để nhân dân làm chủ chính đời sống của mình.  

Đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh xác định: “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là một vinh dự của người chiến sĩ”(2). Đối với người cán bộ quân đội, trung với nước luôn gắn liền trung với Đảng, hiếu với dân. Bởi Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc độc lập, tự do, nên trung với nước trước hết và biểu hiện tập trung nhất phải là trung với Đảng. 

Mặt khác, trong chế độ XHCN, nước là của dân và dân là chủ nhân của nước. Do đó, trung với nước không tách rời hiếu với dân. Người nói: “Không có dân thì không có bộ đội. Cán bộ phải dạy cho đội viên biết kính trọng dân, thương yêu dân, giúp đỡ dân”(3); “Nhân dân là nền tảng, là cha mẹ của bộ đội. Chính trị viên phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu bộ đội. Phải làm sao cho bộ đội được dân tin, dân phục, dân yêu. Muốn như thế, thì phải đốc thúc bộ đội siêng giúp dân, hăng đánh giặc”(4).  

Trong quan hệ với nhân dân, cán bộ Quân đội phải thể hiện sự gắn bó, tận tụy, hết lòng vì nhân dân. Người dạy, quân với dân như cá với nước, toàn dân phải chăm lo xây dựng quân đội, còn quân đội phải hết lòng bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, “không động đến một cái kim, một sợi chỉ của nhân dân”. Phải làm sao để “chưa đến dân mong, đi dân nhớ, ở dân thương”. Bởi vì, Quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Ngoài lợi ích của nhân dân, Quân đội ta không còn lợi ích nào khác. Trong mối quan hệ quân - dân ấy, “chiến sĩ trước mặt trận thì xung phong giết giặc bằng súng đạn. Chiến sĩ nhà nông thì xung phong giết giặc bằng cày cuốc, nghĩa là phải xung phong tăng gia sản xuất, để giúp cho bộ đội đủ ăn đủ mặc để đánh giặc”(5). Người nêu rõ trách nhiệm của Quân đội: “Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là "cứu tinh" của dân, mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân… Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội… Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc”(6)

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuẩn mực Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân của Quân đội nhân dân thể hiện ở lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ XHCN, tinh thần chiến đấu hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, Quân đội tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Có tinh thần đoàn kết, thương yêu chiến sĩ, đồng đội, ý thức kỷ luật cao

Theo Hồ Chí Minh, đối với quân đội cách mạng, “đoàn kết là sức mạnh nhất của ta”(7). Người thường nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ “cần phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết chặt chẽ giữa chiến sĩ với nhau, giữa cán bộ với nhau, giữa chiến sĩ và cán bộ, giữa quân và dân. Đoàn kết là một lực lượng vô địch của chúng ta để khắc phục khó khăn, giành lấy thắng lợi”(8).

Cùng với tinh thần đoàn kết thì yêu thương chiến sĩ, đồng đội là điều không thể thiếu ở người quân nhân cách mạng, đặc biệt là với cán bộ chỉ huy. Hồ Chí Minh cho rằng, người cán bộ quân đội ngoài việc gương mẫu nơi trận mạc, chững chạc trước hàng quân còn phải có lòng thương yêu binh sĩ, nắng không che quạt, mưa không che dù, đồng cam cộng khổ với binh sĩ. Làm được như vậy, thì khi dẫn họ đi đâu, dù nguy hiểm mấy họ cũng vui lòng đi, khi bảo họ đánh, họ sẽ hăng hái đánh. Bởi “cán bộ có coi đội viên như chân như tay, đội viên mới coi cán bộ như đầu, như óc”(9). Do đó, “từ tiểu đội trưởng trở lên, từ tổng tư lệnh trở xuống, phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”(10)

Hồ Chí Minh luôn theo sát, thấu hiểu và có những chỉ dạy với từng đối tượng cán bộ: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”(11). Đồng thời, Người chỉ rõ, người cán bộ quân đội cần tránh thói tự tư, tự lợi, xa hoa, lãng phí, bè phái, dùng kẻ xiểm nịnh, ghét người hiền tài… 

Bên cạnh việc giáo dục tinh thần đoàn kết, thương yêu chiến sĩ, Hồ Chí Minh chú trọng giáo dục ý thức kỷ luật. Bởi lẽ, “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”; “kỷ luật là động lực giữ sức mạnh của bộ đội”(12). “Trong quân đội, mệnh lệnh từ trên xuống dưới, phải thấm xuống tới mỗi đội viên. Chỗ nào mệnh lệnh không xuống tới thì chỗ đó hỏng. Báo cáo từ dưới lên phải cho thật thà, nhanh chóng, thiết thực… Phải thưởng phạt cho công minh. Chớ vì ưa ai mà thưởng, ghét ai mà phạt, ai hẩu với mình thì dùng, ai trực tính nói ngay thì bỏ”(13). Ý thức kỷ luật của người quân nhân cách mạng phải được thể hiện ở sự tự giác chấp hành, tuân thủ mọi điều lệnh quân đội, pháp luật nhà nước, trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào cũng phải giữ nghiêm kỷ luật quân sự.   Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chuẩn mực Trung với nước, trung với Đảng, hiếu với dân của Quân đội nhân dân thể hiện ở lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, với chế độ XHCN, tinh thần chiến đấu hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Quân đội luôn là lực lượng đi đầu, tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch. Đồng thời, Quân đội tích cực tham gia phát triển kinh tế, giúp dân xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi mọi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Quán triệt tinh thần trên, trong mọi điều kiện lịch sử của cách mạng, mỗi người quân nhân cách mạng phải luôn chăm lo xây dựng, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, xây dựng tập thể vững mạnh, toàn diện. Cán bộ phải hết lòng thương yêu đồng chí, đồng đội, quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hết lòng, hết sức giúp nhau cùng tiến bộ. Khắc phục tình trạng quan liêu, mệnh lệnh trong một bộ phận cán bộ quân đội. Người chỉ huy, đứng đầu ở đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, về ý thức tổ chức kỷ luật, nói đi đôi với làm cho cán bộ, chiến sĩ noi theo.

3. Có đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư

Là người sáng lập, tổ chức, giáo dục, rèn luyện Quân đội ta, Hồ Chí Minh luôn coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của người quân nhân cách mạng. 

Người cho rằng, trong thời chiến cũng như thời bình, bộ đội đều phải cần cù, siêng năng: “Bộ đội cũng ví như con dao cái súng, không lau chùi luôn sẽ hỏng. Chăm luyện tập sẽ tiến bộ”(14). Bộ đội cũng phải hết sức tiết kiệm: “Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn... Tiết kiệm lương thực và vải vóc... Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to”(15). Bộ đội cũng phải thực hiện chữ Liêm, “chớ tham của, chớ tham sắc, tham sắc thì hay bị mỹ nhân kế, chớ tham danh vọng, tham sống”(16)

Trong công tác của người chỉ huy, Hồ Chí Minh thường căn dặn cán bộ quân đội phải giữ đúng đạo đức của quân nhân, phải làm kiểu mẫu cho đội viên về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người chỉ rõ: “Nếu cả ngày các chú chỉ hùng hục làm việc của mình, không dạy cho bộ đội chăm chỉ học tập chính trị, quân sự để giết được nhiều giặc, không khuyến khích và giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, phục vụ tiền tuyến thì cũng chưa thực hiện được chữ Cần. Không tiêu hoang phí tiền riêng của các chú cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải biết tiết kiệm của công, dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm. Các chú không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đinh bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa. Các chú phải dạy cho bộ đội và khuyến khích nhân dân không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm. Phải quý trọng tất cả mọi công việc và của cải của Chính phủ. Thí dụ: đi đường thấy cột dây thép đổ mà dựng lên là Chính, không dựng lên là không chính, không chấp hành mệnh lệnh cũng là không chính. Cần, kiệm, liêm, chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng. Các chú phải thực hiện đạo đức đó”(17).

Người cán bộ quân đội trong công việc phải công bình, chính trực, chí công vô tư. Dù ở trên cương vị nào cũng phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách. Khi đã có quyết định chính xác thì dù khó khăn đến mấy cũng phải tìm mọi cách để cho quyết định được thực hiện. Người chỉ rõ: “Quyết tâm không phải ở hội trường, ở lời nói, mà phải quyết tâm trong công tác, trong hành động... Phải quyết tâm chiến đấu, quyết tâm chịu khổ, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, quyết tâm chấp hành chính sách của Trung ương Đảng và Chính phủ,... bất kỳ việc lớn hay việc nhỏ đều phải có quyết tâm làm cho bằng được”(18).

Nói chuyện với cán bộ, bộ đội về tiếp quản Thủ đô, Người nhắc nhở: “Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt. Về xuôi… nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc... Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn địch không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”(19).

Hồ Chí Minh chỉ ra con đường hình thành phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của người cán bộ, chiến sĩ quân đội phải là sự kết hợp giữa giáo dục, rèn luyện của tổ chức với tự giáo dục, rèn luyện thông qua hoạt động thực tiễn của mỗi quân nhân. Dưới lá cờ vẻ vang quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, mỗi cán bộ, chiến sĩ phải ra sức tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu xứng đáng với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”.

 Trong sự nghiệp đổi mới, các thế lực thù địch dùng mọi thủ đoạn chống phá cách mạng nước ta, trong đó có dụ dỗ, mua chuộc cán bộ. Mặt khác, những tiêu cực trong xã hội, mặt trái của cơ chế thị trường trên thực tế đã “hạ gục” không ít người từng là cán bộ, chiến sĩ bằng những “viên đạn bọc đường”. Do vậy, để vượt qua những cám dỗ tầm thường, thói hư tật xấu, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải khắc ghi những lời dạy của Người, ra sức rèn đức, luyện tài, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đặc biệt coi trọng giáo dục, rèn luyện chuẩn mực cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

4. Có tinh thần quốc tế vô sản cao cả, trong sáng

Trong tư duy Hồ Chí Minh, Người chủ trương không chỉ đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc mình mà còn phải đấu tranh giành độc lập, tự do cho các dân tộc bị áp bức khác trên thế giới không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo. Ở Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước chân chính luôn luôn thống nhất với chủ nghĩa quốc tế trong sáng.

Hồ Chí Minh thường xuyên coi trọng việc giáo dục nhân dân, cán bộ, chiến sỹ thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế quan trọng và vẻ vang. Tinh thần quốc tế cao cả được thể hiện ở sự ủng hộ lẫn nhau giữa nhân dân lao động các nước, khi gặp khó khăn, khi có chiến tranh, khi cần giúp đỡ, khi cần động viên một cách vô tư trong sáng, không vụ lợi. Sự giúp đỡ đó phải tạo ra được sự đoàn kết, gắn bó giữa các nước, giữa nhân dân lao động các nước vì hòa bình, công lý và sự phát triển chung của nhân loại tiến bộ. Đó cũng là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản, đoàn kết giai cấp công nhân, các dân tộc thuộc địa bị áp bức, các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển mà Hồ Chí Minh đã nêu lên bằng mệnh đề “bốn phương vô sản đều là anh em”. 

Tinh thần quốc tế vô sản phải có lý, có tình. Lý ở đây là lẽ phải, nguyên tắc, là lý luận chung, lý tưởng chung, lợi ích chung; tình ở đây là tình cảm cộng sản, là tình con người được nâng lên thành tình đồng chí. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình”(20).

Tư tưởng sâu sắc về tinh thần quốc tế vô sản vô tư, trong sáng của Người đã trở thành một chuẩn mực đạo đức cách mạng để cán bộ, chiến sĩ trong quân đội luôn ghi nhớ và thực hiện: “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”(21). Người thường nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ quân đội phải luôn biết ơn sự giúp đỡ to lớn của nhân dân, chính phủ và quân đội các nước anh em trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Thấm nhuần tư tưởng đó, nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt mọi khó khăn, tham gia hoạt động, chiến đấu trên các chiến trường Lào và Campuchia, viết nên những trang sử sáng ngời về đạo đức cách mạng của người cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong những năm gần đây, hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên Quân đội tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, v.v. Vượt lên những khó khăn về tình hình an ninh bất ổn, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện sinh hoạt hạn chế, khí hậu khắc nghiệt,… những chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Qua đó, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam cùng phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong bạn bè thế giới, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế.

Thực hiện tư tưởng của Người về những chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã ra sức học tập, rèn luyện đạo đức của quân nhân, đã trở thành một giá trị văn hóa cao đẹp mà nhân dân tôn vinh với danh hiệu cao quý “Bộ đội Cụ Hồ”. Chuẩn mực đó càng được tô thắm qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, trở thành động lực, niềm tin để cán bộ, chiến sĩ Quân đội không ngừng phấn đấu và trưởng thành, xứng đáng là lực lượng trọng yếu trong bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN.

Trong tình hình hiện nay, việc giữ gìn, phát huy những chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh vừa là yêu cầu khách quan, vừa là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ Quân đội. Bởi lẽ, những chuẩn mực đó không phải là bất biến mà thường xuyên chịu tác động của nhiều yếu tố, đòi hỏi phải luôn được gìn giữ và phát huy cho phù hợp với điều kiện trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì vậy, cùng với kế thừa truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, việc tiếp tục bồi đắp, nâng tầm giá trị những chuẩn mực đạo đức của người quân nhân cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, làm cho giá trị những chuẩn mực đó không ngừng lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, chiến sĩ Quân đội, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong điều kiện mới.

TS ĐINH NGỌC QUÝ
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh 
(Theo http://lyluanchinhtri.vn/)

_________________

(1)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 435.
(2) Công tác Đảng, công tác chính trị Trường Sĩ quan lục quân I (1945-2000), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2000, tr. 21.
(3), (6), (9), (10), (17), (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr. 219, 76, 219, 76, 219, 482.
(4), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr. 485, 595, 595, 122, 594.
(5), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr. 213, 458.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr. 489-490.
(8), (19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.177, 46.
(12) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tập 4, tr 461
(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr. 623.
(21) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr. 105.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây