Bảo vệ bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức

Thứ năm - 17/08/2023 04:38 1.663 0
Bài viết góp phần nhận diện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong việc xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức. Từ giá trị nền tảng và sự lan tỏa của tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới, bài viết khẳng định bản chất cách mạng, khoa học, nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức, bác bỏ các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch.

2e5d8b9e384d539bb8e4d7568a4db1dd L

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các cán bộ cơ quan Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ở Việt Bắc, tháng 2-1949
- Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất, “một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”(1). Cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh được Đảng khẳng định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, nhằm thực hiện âm mưu bào mòn, phá bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, các thế lực phản động, thù địch và kéo theo đó là nhiều tổ chức, cá nhân cơ hội chính trị, thoái hóa, bất mãn ở trong, ngoài nước đưa ra nhiều luận điệu xuyên tạc, bôi nhọ tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng đạo đức của Người. Những thủ đoạn này càng quyết liệt hơn trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mục tiêu đen tối của các thế lực thù địch là nhằm phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng, “hạ bệ thần tượng” Hồ Chí Minh, làm phai nhạt tình cảm dân tộc cũng như tình cảm của bạn bè thế giới với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo nên sự nhiễu loạn thông tin, gây hoang mang, nghi ngờ trong nhân dân, nhất là trong giới trẻ, những người sinh ra và lớn lên trong thời bình, không có nhiều trải nghiệm thực tiễn như các thế hệ cha anh. Cùng với đó, chúng lôi kéo những kẻ cơ hội, mặc dù đã được thụ hưởng những thành quả của cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng vì “lòng dạ không trong sáng nữa” rơi vào chủ nghĩa cá nhân, hám danh, vụ lợi, vị kỷ mà cố tình xuyên tạc sự thật hoặc đồng lõa với những kẻ xuyên tạc sự thật về tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Những luận điệu phản động mà các thế lực phản động, thù địch rêu rao như: không có tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh hoặc nếu có thì tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức chỉ là sự chắp vá, sao chép, máy móc, giáo điều, Hồ Chí Minh đã “chở chủ nghĩa Mác - Lênin trên cỗ xe Nho giáo”(2). Một kiểu luận điệu xuyên tạc, phủ nhận nữa là, Hồ Chí Minh là một nhà đạo đức tư biện, lý thuyết, ảo tưởng, phi thực tế bởi các chuẩn mực đạo đức mà Hồ Chí Minh nêu ra, đặc biệt là các chuẩn mực đối với cán bộ, đảng viên như: phải “hy sinh hết mình”, “ít lòng tham muốn về vật chất”; phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” là “bất khả thi”, có chăng chỉ những người vĩ đại hoặc “không gia đình” như Hồ Chí Minh mới có thể thực hành được(3). Thâm độc hơn, các thế lực thù địch bôi nhọ, xuyên tạc, “Hồ Chí Minh ưa bạo lực, hiếu chiến”, đã “du nhập” chủ nghĩa Mác với học thuyết đấu tranh giai cấp, gây ra cảnh “nồi da nấu thịt”(4) hay Hồ Chí Minh là “đồ tể khát máu”, “nhà độc tài khát tiếng”(5)

Với mưu đồ quyết liệt chống phá, để tăng tính “thuyết phục” cho những luận điệu vô căn cứ, các đối tượng còn dùng cả thủ đoạn xuyên tạc các vấn đề nhân thân, lai lịch, đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng bịa đặt ra những câu chuyện hoang đường mà trong đó Hồ Chí Minh được miêu tả như một con người trái ngược hoàn toàn với đạo đức, nhân cách, với hình ảnh Hồ Chí Minh giản dị, thanh bạch. Họ dựa trên những thông tin không có nguồn gốc rõ ràng, cố tình sử dụng những hình ảnh Hồ Chí Minh đã bị sửa hoặc cắt xén để nhào nặn ra những tác phẩm, hình ảnh sai trái, đồng thời còn dựng nên những nhân chứng giả để chứng minh cho những điều chúng nói và viết...

Dù âm mưu thâm độc đó được thực hiện bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt nhưng các thế lực thù địch đã không thể và chắc chắn sẽ không thể phủ nhận được giá trị và sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức; chúng càng không thể làm vấy bẩn được tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không thể làm phai nhạt tình cảm của dân tộc với lãnh tụ. Có chăng, càng xuyên tạc bao nhiêu chúng lại càng tự lộ rõ sự xấu xa, thấp hèn, tự hạ thấp chính mình bấy nhiêu, bởi sức sống và giá trị “mãi mãi soi đường” của tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nói riêng nằm ở bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn của tư tưởng ấy và đặc biệt tư tưởng ấy gắn liền với tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức của Hồ Chí Minh, tấm gương về sự tu dưỡng suốt đời không mệt mỏi với triết lý hành động, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, được thể hiện bởi những gì Người mang lại cho dân tộc, cho đất nước, con người Việt Nam và những đóng góp cho nhân loại.

Về bản chất cách mạng

Cách mạng là sự thay đổi để tạo ra cái mới, đó là cái mới tiến bộ, tích cực và phù hợp, thay cho những cũ kỹ, lỗi thời và lạc hậu. Hồ Chí Minh đã làm một cuộc cách mạng lớn về đạo đức, xóa bỏ những cũ kỹ, lỗi thời và lậc hậu để xây dựng những giá trị tiến bộ và phù hợp.

Chúng ta nhận thức rõ ràng rằng, trong tư tưởng đạo đức, Hồ Chí Minh đã có sự tiếp thu nhiều luận điểm về đạo đức của Nho giáo(6). Người ca ngợi học thuyết Khổng Tử với những yếu tố tích cực, những hạt nhân hợp lý như: tư tưởng tu dưỡng cá nhân, lấy tu thân làm gốc. Người cũng kế thừa nhiều quy tắc, chuẩn mực đạo đức của Nho giáo như: trung, hiếu, cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm… Đồng thời, với tư duy độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam, Người đã tiếp thu, chuyển hóa những nhân tố tích cực của Nho giáo, đề xuất những tư tưởng đạo đức mới với những nội hàm mang tính tiến bộ và phù hợp với yêu cầu của cách mạng trong thời đại mới. Chuẩn mực Trung - Hiếu trong quan niệm của Nho giáo mang nội dung hạn hẹp là “trung với vua, hiếu với cha mẹ” thì trong quan niệm của Hồ Chí Minh là trung với nước, hiếu với dân. Chuẩn mực đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính của Nho giáo là yêu cầu bắt buộc, nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi của giai cấp thống trị thì trong quan niệm của Hồ Chí Minh, Cần, Kiệm, Liêm, Chính là những chuẩn mực đạo đức cơ bản mà cán bộ, đảng viên phải thực hiện trước để làm gương cho nhân dân...

Hồ Chí Minh phấn đấu và theo đuổi hệ giá trị Độc lập - Tự do - Hạnh phúc - những giá trị căn cốt của phát triển. Cho nên, trong khi đạo đức cũ, dưới ảnh hưởng của hệ tư tưởng Nho giáo, trói buộc nhân dân vào những tôn ty trật tự, lễ giáo hà khắc nhằm phục vụ lợi ích và sự thống trị của giai cấp cầm quyền, của ngai vàng phong kiến thì đạo đức mới của Hồ Chí Minh lại tôn vinh những người “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Người ví: “Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”(7).  Tiếp thu nhiều giá trị đạo đức Nho giáo nhưng Hồ Chí Minh cũng phê phán những điểm tiêu cực, hạn chế của đạo đức Nho giáo với những yếu tố duy tâm, lạc hậu như: coi thường phụ nữ, coi khinh lao động chân tay… 

Tính cách mạng của tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh còn ở những quan điểm và sự nỗ lực không mệt mỏi trong việc đấu tranh quyết liệt nhằm xóa bỏ những biểu hiện phi đạo đức, vô nhân đạo để xây dựng một xã hội mới hoàn toàn tốt đẹp - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đó là cuộc đấu tranh chống lại tội ác, sự áp bức, bất công của thực dân, đế quốc; đó là cuộc đấu tranh triệt để nhằm chống chủ nghĩa cá nhân - thứ “vi trùng mẹ”, “căn bệnh mẹ”, “giặc nội xâm”, “kẻ thù nguy hiểm” đối với mỗi người...

Do vậy, ai đó còn nói tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh là “vay mượn”,“sao chép”, “du nhập những tư tưởng ngoại lai” thì thật là vô lý.

Về bản chất khoa học

Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đã trả lời một cách đúng đắn những câu hỏi: Vì sao phải tu dưỡng rèn luyện đạo đức: Vì đạo đức là gốc, là nền tảng của người cách mạng, là thước đo lòng cao thượng của con người, là động lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sức mạnh chống lại chủ nghĩa cá nhân, là sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội. Những chuẩn mực đạo đức cần tu dưỡng là gì: Là trung với nước, hiếu với dân; là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; là thương yêu con người và tinh thần quốc tế trong sáng…. Tu dưỡng đạo đức bằng cách nào: Bằng tự tu dưỡng, rèn luyện suốt đời và bền bỉ; bằng nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức; bằng xây đi đối với chống...

Tư tưởng đó được hình thành trên cơ sở thâu thái nhiều giá trị tích cực và tiến bộ từ truyền thống của dân tộc Việt Nam cũng như tinh hoa đạo đức của nhân loại, được soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, do đó không thể là “tư biện”, “phi thực tế”.

Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh cũng không bao giờ là “tư biện”, “phi thực tế” bởi tư tưởng ấy không chỉ giải quyết vấn đề về tư duy lý luận mà cao hơn là phản ánh đúng thực tiễn, giải quyết những vấn đề thực tiễn,soi đường cho hoạt động thực tiễn, thúc đẩy thực tiễn phát triển và đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam kiểm nghiệm hoàn toàn đúng đắn và phù hợp.

Tiếp thu tư tưởng đại từ, đại bi, yêu thương con người, nếp sống có đạo đức, thuận hòa, trong sạch, giản dị, chăm lo làm điều thiện của Phật giáo; tiếp thu tư tưởng nhân ái cao cả, tinh thần yêu thương con người, khoan dung, tha thứ, lối sống thủy chung của Thiên chúa giáo… nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức khácvới tư tưởng đạo đức của các tôn giáo. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh không khuyên con người duy trì lối sống an phận, cam chịu những khổ đau trong đời sống trần thế và trông chờ sự giải thoát ở một thế giới hư ảo. Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không dừng lại ở góc độ lý luận thuần tuý mà luôn hướng đến hành động, thực hiện triết lý ấy trong thực tiễn, cải tạo thực tiễn, cụ thể đó là hướng đến xây dựng con người toàn diện, tạo ra sức mạnh của con người, phát huy sức mạnh của con người, đưa con người người vào con đường đấu tranh cách mạng đúng đắn và phù hợp để giải phóng con người một cách triệt để. Đó là một nền đạo đức vì hạnh phúc, tự do, bình đẳng, bác ái thật sự của con người trong đời sống thực tại.

Chính vì điều này mà tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đã góp phần quan trọng đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng tiên phong, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng; đã phát huy được sức mạnh tinh thần của dân tộc Việt Nam, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất, để rồi “Nay tuy châu chấu đá voi/ Nhưng mai voi sẽ bị lòi ruột ra(8). Sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong cuộc kháng chiến chốngthực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược có yếu tố quan trọng là sự thắng lợi từ sức mạnh văn hoá, đạo đức của dân tộc được khơi dậy và phát huy dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Với một hệ thống quan niệm, quan điểm, nguyên tắc và phương pháp về đạo đức ở tầm chiến lược, mang tính nhất quán, được hình thành trên cơ sở thực tiễn và lý luận khoa học, có ý nghĩachỉ đạo, cải tạo hiện thực như vậy, không ai có thể nghi ngờ hoặc phủ nhận tính khoa học của tư tưởng ấy mà cho rằng đó là sự “tư biện” hay “phi lý”.

Về bản chất nhân văn

Hồ Chí Minh đã chỉ ra điểm tương đồng, hạt nhân cốt lõi trong tư tưởng đạo đức của học thuyết Khổng Tử, Công giáo Giê-su, chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa Tôn Dật Tiên là “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”, đó là tinh thần nhân văn, tư tưởng nhân văn. Người đã thâu thái, tích hợp giá trị đạo đức nhân văn của loài người. Nhân ái - Vị tha - Bao dung trở thành những đặc trưng nổi bật của đạo đức, nhân cách Hồ Chí Minh, đó là.

Tính nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức thể hiện ở tình yêu thương lẫn nhau giữa tất cả mọi người, trước hết là những người bị áp bức, bóc lột, những người nghèo khổ trên thế giới, đặc biệt là người dân ở các nước thuộc địa. Người từng nói “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp tất cả nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi!”(9).

Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là nhận thức được vai trò, sức mạnh của con người: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”… Từ đó, khơi dậy và phát huy vai trò sức mạnh của con người: “đem tài dân, của dân, sức dân làm lợi cho dân”.

Tính nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đó là trân trọng, quan tâm và chăm lo cuộc sống con người, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của con người; khoan dung, độ lượng với con người “lấy tình thân ái mà cảm hóa” con người.

Và cao nhất của tinh thần nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức đó là phải biến nhận thức thành hành động, biến lý luận thành thực tiễn, đặc biệt là hành động ở mức quyết tâm trong thực tiễn để giải phóng con người khỏi mọi áp bức và bất công. Thực hiện khát vọng đó, đối với Việt Nam, độc lập dân tộc dứt khoát phải đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó không phải là con đường “phi đạo đức”, “phi nhân tính” mà là con đường phát triển tất yếu khách quan, phù hợp quy luật vận động của cách mạng, với điều kiện lịch sử của đất nước, với xu thế phát triển của thời đại, với khát vọng của nhân dân Việt Nam. Dù rằng, phải trải qua rất nhiều chông gai, thử thách, đầy hy sinh, gian  khổ, đổ máu và mất mát nhưng chỉ thông qua con đường ấy, con người mới được giải phóng triệt để và hoàn toàn, không có vinh quang nào mà không phải trả giá!

Hơn nữa, tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng đạo đức còn thể hiện thân của tình đoàn kết, hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển của các dân tộc trên thế giới. Đó là tinh thần ủng hộ, giúp đỡ vô tư, trong sáng giữa nhân dân lao động các nước khi có khó khăn, thiên tai, địch họa, chiến tranh, khi cần giúp đỡ, động viên… Đó là tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản với giai cấp công nhân, các dân tộc thuộc địa bị áp bức, các lực lượng tiến bộ đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển trên cơ sở có lý có tình, tôn trọng lẽ phải, những nguyên tắc chung, lý tưởng chung, lợi ích chung. Người từng nói “tôi yêu Tổ quốc và đồng bào tôi, tôi cũng yêu nước Pháp và nhân dân Pháp”(10), “Tôi yêu mến thanh niên Pháp cũng như yêu mến thanh niên Việt Nam. Đối với tôi, sinh mệnh của một người Pháp hay sinh mệnh của một người Việt Nam đều đáng quý như nhau”(11). Người ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam “Than ôi, trước lòng bác ái, thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người”(12).

Tính cách mạng, khoa học và nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức càng được khẳng định hơn nữa thông qua tấm gương đạo đức của Người, một điển hình mẫu mực của sự nhất quán giữa nhận thức và hành động, lý luận và thực tiễn, nói và làm. Người đã trở thành một biểu tượng của đạo đức, một tấm gương sáng không một chút bụi mờ trong lòng dân tộc và nhân dân Việt Nam.

Từ thuở thiếu niên cho đến phút lâm chung, từ lúc hàn vi, những khi bị tù đày đến khi trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh luôn luôn thực hành tu dưỡng đạo đức. Giữa muôn vàn sự biến động của đời sống, Người không hề bị lay chuyển trước khó khăn, thử thách cũng như mọi sự cám dỗ của tiền tài, danh vọng. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh nguyện “là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” và “chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(13)...

Người tự giác dấn thân vào sự nghiệp cách mạng gian khổ, hy sinh; tự giác suốt đời tu dưỡng, rèn luyện theo những tiêu chí đạo đức cách mạng, trọn đời trung thành vì nước, vì dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thương yêu con người và tinh thần quốc tế trong sáng; tự nguyện nghiêm khắc với chính mình để nêu gương sáng về đạo đức... Hồ Chí Minh là biểu tượng của nhà chính trị lỗi lạc vàlà nhà văn hóa lớn, biểu trưng cho văn hóa, đạo đức Việt Nam trong thời đại mới. Tấm gương đạo đức của Người trở thành tài sản tinh thần vô giá của dân tộc, nhân dân Việt Nam và của Đảng ta, trở thành sức mạnh tinh thần to lớn, động lực thúc đẩy chúng ta trong các giai đoạn của cách mạng, kể cả khi khó khăn, thử thách cũng như khi thắng lợi, thành công.

Không những thế, tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong đời sống tinh thần của nhân dân các dân tộc trên thế giới. Bạn bè khắp các châu lục, không ít người, ngay cả những người từng đối lập với Hồ Chí Minh phải nể trọng và dành cho Người sự khâm phục, ngưỡng mộ. Cái tên “Việt Nam - Hồ Chí Minh”, “Việt Nam - Bác Hồ” từ lâu đã được bạn bè quốc tế cất lên một cách trìu mến, thân thương khi nhắc đến Việt Nam bởi Hồ Chí Minh là hiện thân của lòng nhân ái cao cả, thấm đượm chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo sâu sắc. Đảng Cộng sản Mỹ đã đánh giá: “Nhân loại đã mất một vị lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một người thầy mác xít - lêninnít xuất sắc mà tấm lòng ưu ái đầy thi vị mong muốn một thế giới tốt đẹp có hương hoa tươi thắm và những tiếng cười náo nức của trẻ em, đã thấm nhuần vào chủ nghĩa nhân đạo toàn diện của cuộc đời mà Người đã sống, thấm nhuần vào những việc kỳ diệu mà Người đã làm, vào sự nghiệp mà trọn đời Người phục vụ”(14).

Trong bối cảnh loài người vẫn còn đang phải đối mặt với sự xuống cấp về đạo đức, nhân cách con người; đâu đó trên thế giới, máu vẫn đổ bởi những cuộc tranh chấp, chiến tranh, khủng bố,... nhưng những điểm tương đồng về văn hóa và đạo đức, những giá trị chung, phổ quát mà Chủ tịch Hồ Chí Minh theo đuổi là: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội... nhân loại tiến bộ trên thế giới đã, đang và sẽ còn hướng tới.

Thành trì về đạo đức mới, đạo đức cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xây dựng sẽ không thể vững bền nếu chỉ nhờ vào công tác “tuyên truyền của cộng sản”.  Lịch sử vốn tồn tại khách quan, nhân dân luôn công bằng và sáng suốt. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh với bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn cùng với tấm gương đạo đức sáng ngời của Người đã là sức mạnh phủ định và phê phán những giọng điệu lạc lõng, xuyên tạc. Sức lan tỏa của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với nhân dân và dân tộc Việt Nam cũng như trên thế giới đã tự tạo sức mạnh bác bỏ tất cả những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, phản động.

TS TRẦN THỊ HỢI
Học viện Chính trị  quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo http://lyluanchinhtri.vn/)

_________

(1) Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, https://dangcongsan.vn/tu-lieu-tham-khao-cuoc-thi-trac-nghiem-tim-hieu-90-nam-lich-su-ve-vang-cua-dang-cong-san-viet-nam/tu-lieu-cuoc-thi/ve-nghi-quyet-cua-unesco-vinh-danh-chu-tich-ho-chi-minh-543986.html.
(2) Xem: Quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác-Lênin, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/c-mac-angghen-lenin-ho-chi-minh/ho-chi-minh/nghien-cuu-hoc-tap-tu-tuong/quan-he-giua-tu-tuong-ho-chi-minh-voi-chu-nghia-mac-lenin-2497.
(3) Xem: Lê Thị Hằng: Nhận diện, đấu tranh với những phương thức, thủ đoạn mới của các thế lực thù địch, phản động nhằm xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Tổ chức Nhà nước, số 3-2023, tr. 54- 58.
(4) Xem Trung Nghĩa: “Phản bác luận điệu xuyên tạc “Hồ Chí Minh ưa bạo lực, hiếu chiến””, Tạp chí Thông tin Khoa học lý luận chính trị, số 4 (86)-2022, tr.10-14.
(5) Facebook Đỗ Ngà: Nguồn gốc của thói vô pháp,https://www.facebook.com/profile/100070228423635/search/?q=H%E1%BB%93%20Ch%C3%AD%20Minh.
(6)  Chỉ riêng một luận điểm của Nho giáo “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc” (lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ) đã được Hồ Chí Minh nhắc tới 14 lần ở những thời điểm khác nhau và với những cách diễn đạt khác nhau.
(7), (8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.220, 29.
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.674.
(10), (11), (12), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Sđd, tr.519, 348, 510, 187.
(14) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Sđd, tr.87.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây