23 truyện ngắn trong tập truyện có nhiều chủ đề về tình yêu, gia đình, chiến tranh, dịch bệnh… mang đến một bức tranh đa sắc cho người đọc.
Là người miền Tây nên những câu chuyện về sông nước Tây Nam Bộ là thế mạnh của tác giả. Những khung cảnh làng quê hữu tình, con người thật thà chất phác, tình nghĩa xóm giềng hồn hậu, gắn bó… được vẽ nên bằng những câu chữ nhẹ nhàng nhưng lắng đọng. Ở đó, có ông Tám mất đi con gái vì đuối nước, nhặt được cậu bé bị bỏ rơi mang về nuôi, xem như cháu ngoại. Sau 2 ông cháu lại cứu được một cô gái bất hạnh gieo mình tự tử trên sông. 3 mảnh đời bất hạnh tạo thành một mái ấm gia đình ấm áp, đám cưới của cô gái và cháu ngoại nuôi khiến căn nhà ông Tám bừng lên sức sống sau bao năm vắng bóng người phụ nữ (truyện “Mùa lũ”). Có một cái chợ đặc biệt tên chợ Ma ở Ðồng Tháp và câu chuyện đáng nhớ của cô gái tên Mơ (“Chuyện tình chợ Ma”). Hay câu chuyện “Cánh đồng mùa lũ” không chỉ tả cảnh thiên nhiên và cuộc sống dân dã của người dân trong mùa lũ mà con mang một chút ly kỳ, huyền ảo về 2 cha con Nhương trong một đêm đi giăng câu, bắt rắn…
Chiến tranh và những ký ức hào hùng, bi tráng không thể nào quên là một mảng đề tài đặc biệt trong tập truyện này. Nếu “Tiếng chim trong vườn mận” tái hiện lại những câu chuyện có thật về những tấm gương anh dũng chiến đấu tại Căn cứ Vườn Mận (ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy) thì “Trận đánh trên sông”, “Vòng hoa dưới chân núi” lại là câu chuyện nghĩa tình của đồng bào che chở cho những chiến sĩ cách mạng, là sự bao dung của chiến sĩ ta đối với kẻ địch đang bị thương… Mỗi câu chuyện truyền tải thông điệp ý nghĩa về giá trị của hòa bình và trên hết là góc nhìn nhân văn giữa người và người trong chiến tranh.
Tình yêu là đề tài xuyên suốt, được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp trong các truyện ngắn. Có những chuyện tình nhẹ nhàng, lãng mạn và đầy lý tưởng, ca ngợi những tấm gương trong phòng, chống dịch COVID-19, những cô giáo không ngại khó khăn tình nguyện về đảo xa công tác; và có cả những câu chuyện bi thương, những mối tình dang dở, những gia đình tan vỡ vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, vì sự lựa chọn sai lầm… Ngoài ra, những câu chuyện về chủ quyền biển đảo, về tinh thần bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ hải quân, sự kiên trì bám biển của ngư dân qua các truyện “Ðảo xa chắp cánh”, “Tiếng gọi Hoàng Sa”… cũng góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc cho tập truyện.
Không nhiều kịch tính trong cốt truyện nhưng “Ði về phía biển” thu hút người đọc bằng những yếu tố nhẹ nhàng, ý nghĩa trong cách truyền tải nội dung và thông điệp. Ðể gấp sách lại, vẫn nghe mang mác hơi thở của đồng bằng, của gió biển hay của tình người, nhẹ nhàng nhưng đủ lắng đọng.