Truyện ngắn: Mùa bông vạn thọ

Thứ ba - 24/01/2023 02:16 210 0
"Hường à Hường! Ngày mai bây coi qua nhà bác Ba mua ít cây con bông vạn thọ về trồng. Năm nay lo trồng sớm một chút, chứ như năm trước ăn Tết gần xong vạn thọ của bây mới nở bông".

"Nội lo xa quá hà. Bông không nở kịp thì mình ra chợ mua, người ta bán thiếu gì. Năm rồi nhà mình cũng đầy nhóc bông đó nội" - Hường thuyết phục nội.

Hường không hiểu vì sao nhiều người thích mua cây con về trồng bông Tết trong khi Tết chưa tới là ngoài chợ người ta bán đầy bông rồi. Muốn nhà cửa đẹp sớm, có không khí Tết sớm, thì chợ bông vừa mở bán, ra mua về bày biện thôi. Tốn tiền một chút cũng đáng mà, một năm có một lần. Tại sao phải tốn công mua phân hữu cơ, rồi xơ dừa tro trấu về trộn đất cho phiền phức. Đã vậy còn phải tưới nước chăm sóc hằng ngày. À, còn phải "canh me" bọn "ốc phá làng", không để nó lết đến gần là ăn mất tiêu cây bông.

"Trồng bông cho vui cửa vui nhà, có không khí đón Tết với người ta. Bây xem thử cả xóm mình có ai không trồng đâu. Không nói nhiều nữa. Bây lo mà qua nhà bác Ba lựa cây con trước. Mua trễ, người ta mua hết cây tốt, cây đẹp nữa".

Bà nội nhắc đi nhắc lại với Hường. Nhà có hai bà cháu, ba mẹ Hường đi làm ăn xa đến khoảng 27, 28 Tết mới về, cho nên không thể trồng bông, hay lặt lá mai gì được. Tất cả là do hai bà cháu ở nhà lo hết. Hường năm nay hơn hai mươi tuổi, đã biết cùng nội chu toàn trong ngoài, chỉ duy có điều Hường không thích mấy chuyện trồng này trồng kia. Hường có hoa tay nên sớm theo nghề thợ may, nay cũng coi như là thợ lành nghề. Nhiều người ở xã khác cũng tìm đến để đặt may đồ chỗ Hường. Áo dài hay áo bà ba Hường may đẹp có tiếng.

"Hường ơi! Có nhà không em?" - có tiếng cô Mai ngoài cổng.

"Dạ có. Cô vô nhà ngồi chơi, em lấy áo dài cô thử. Em may xong hồi hôm. Chỗ nào không ưng cô nói em sửa...".

"Cô may áo dài ở chỗ em đâu phải lần đầu. Áo em may là cô thích nhất".

Hường nghe cô Mai khen mà cười vui sướng, dù đây không phải lần đầu Hường được nghe lời khen ngợi. Cô Mai là giáo viên kỳ cựu, đi dạy học quanh năm, nên thường may áo dài mới và cũng là khách quen của Hường sau khi biết đến Hường từ một năm trước. Lúc tới đo may hay lấy áo dài, cô cũng hay trò chuyện với Hường, động viên Hường thêm thương quý nghề may.

* * *

Bà nội cứ đi ra đi vô nhắc hoài chuyện trồng bông vạn thọ, cho nên buổi chiều sau khi ăn cơm xong, Hường đi bộ đến nhà bác Ba để mua cây vạn thọ con. Lần này Hường tới sớm nên cũng chưa có nhiều người mua cây, trên giàn còn rất nhiều, tha hồ cho Hường chọn.

"Nhỏ Hường hả? Sao năm nay bây qua đây sớm dữ. Thường năm nào cũng 19, 20 mới qua mà" - bác Ba từ trong nhà đi ra cùng với một thanh niên, vừa nhìn thấy Hường bác ngạc nhiên rồi trêu chọc Hường.

"Ủa bác Ba. Vạn thọ muốn trồng kịp Tết phải xuống bông từ ngày 14, 15 mà" - người thanh niên đi cùng bác Ba ngạc nhiên hỏi lại.

"Ừ người ta là vậy. Còn nhỏ này mối ruột hoa ế nhà bác" - bác Ba cười chọc Hường tiếp.

Hường cúi đầu ngượng ngùng. Cũng không biết giải thích sao vì bác Ba nói không sai.

"Bác giới thiệu một chút, đây là Tuấn, kỹ sư nông nghiệp. Bây có muốn hỏi làm sao để trồng bông nở đúng Tết, Tuấn nó giải đáp cho" - bác Ba cười cười nói với Hường khi thấy cô cứ mãi cúi đầu.

"Cô Hường xuống bông ngày 19, 20 vậy rồi ngày nào cô mới ngắt đọt? Rồi bông của cô bắt đầu trổ ngày nào? Có kịp nở rộ mấy ngày Tết không?" - Tuấn tò mò hỏi Hường.

"Bác Ba có khách thì thôi con xin phép về trước, ngày mai con qua chọn cây con sau" - Hường để lại một câu rồi quay người bỏ chạy.

Hường làm sao có thể trả lời những câu hỏi của Tuấn. Bởi vì năm nào cô cũng trồng bông vạn thọ để vừa lòng bà nội thôi. Chăm sóc hay tưới phân, kỹ thuật gì cô đều không biết, không hỏi, vì có biết cũng không để tâm làm theo. Cho nên vạn thọ của cô năm nào cũng ra bông sau Tết. Và năm nào Hường cũng bỏ tiền ra chợ mua vài cặp vạn thọ về nhà trưng cho kịp nở rộ mấy ngày Tết.

"Chắc cổ lu bu việc này việc kia lắm nên mới xuống vạn thọ trễ vậy hả bác?" - thấy Hường xấu hổ vội rời đi, Tuấn mới chợt áy náy nhận ra hình như mình lỡ vì tò mò và ngạc nhiên mà làm quê cô gái, nên quay sang hỏi bác Ba.

"Hường nó làm thợ may, gần Tết chắc cũng nhiều công chuyện thật. Bây đừng thấy nó nhỏ tuổi, Hường nó là thợ may giỏi nổi tiếng ở xứ này đó. Người ta may đồ ở chỗ nó nhiều lắm. Thân quen quá bác chọc Hường chút vậy thôi chớ cả xóm ở đây ai cũng quý Hường hiền lành, có hiếu với bà nội lắm" - bác Ba cười giải thích với Tuấn.

* * *

Qua ngày hôm sau, Hường do dự trước cổng nhà bác Ba. Hường sợ lại chạm mặt anh Tuấn kỹ sư, anh ta hỏi nữa thì Hường lại xấu hổ không biết trả lời thế nào. Rất may Hường chỉ nhìn thấy một mình bác Ba đang bán cây con cho người ta. Hôm nay là ngày 12 nên cũng đã có người tìm đến mua cây con.

"Bác Ba ơi, lấy cho con hai chục cây con vạn thọ".

"Năm nay mua sớm nên tui bán theo giá thị trường nhen. Hai ngàn một cây, hai chục ngàn một chục".

Hường lại cười ngại ngùng. Năm nào Hường cũng mua trễ, cho nên chỉ còn lại mấy chục cây con vừa nhỏ vừa xấu cho nên bác Ba vừa bán vừa cho Hường. Chỉ năm ngàn một chục.

Hường mua cây con rồi mua chậu và phân bón các thứ đủ bộ ở nhà bác Ba. Vì năm nay mua sớm nên bác Ba vẫn còn đủ bán cho Hường. Bác còn căn dặn và nhắc nhở Hường ngày nào nên ngắt đọt và bao lâu thì tưới phân một lần. Hường ghi nhớ rồi về nhà làm theo lời bác.

Bà nội nhìn thấy Hường năm nay chăm chút cho mấy cây vạn thọ hơn thì lấy làm lạ. Nhưng cũng không dám trêu chọc Hường, sợ Hường xấu hổ rồi bỏ ngang không quan tâm đến mấy cây bông nữa thì Tết nay lại phải ra chợ mua bông về trưng.

* * *

"Hường đang tưới vạn thọ à? Năm nay trồng bông sớm rồi hén. Cây cũng đẹp nữa". Cô Mai đến xem mấy cây vạn thọ của Hường rồi mỉm cười khen.

"Cô Mai cứ chọc em. Cô đến may đồ thêm hả cô? Tháng này em còn nhiều đồ chưa giao cho nên nếu cô may lúc này, chắc phải chờ qua Tết em mới trả đồ được" - Hường mỉm cười khó xử.

Nào ngờ cô Mai hôm nay đến không phải để may đồ cho cô, mà là đưa con trai vừa tốt nghiệp đại học nông nghiệp về huyện làm việc, đến may áo sơ mi. Vừa nhìn thấy Tuấn, Hường đã kinh ngạc. Liếc nhìn mấy cây vạn thọ, Hường lại cảm thấy chột dạ.

"Bông này Hường chăm sóc vầy là chắc chắn sẽ nở kịp Tết, bông sẽ nở rất to và đẹp nữa" - Tuấn mỉm cười thành thật lên tiếng. Lần này anh không dại mà khiến Hường xấu hổ nữa.

Từ lần đầu gặp gỡ Hường ở nhà bác Ba, Tuấn đã có ấn tượng với Hường. Mỗi lần đi đâu nhìn thấy mấy cây vạn thọ con, Tuấn đều nghĩ đến Hường và tự mỉm cười. Về nhà nghe mẹ nhắc đến cô thợ may trẻ may áo dài cho mẹ tỉ mỉ và có duyên, đột nhiên Tuấn nghĩ ngay đến Hường. Hỏi ra thì đúng vậy thật. Ý nghĩ hay là năm nay đi may đồ Tết chỗ Hường, không mua đồ sẵn nữa, cứ ngày một lớn dần trong Tuấn. 

"Nghe mẹ anh nói Hường may đồ rất đẹp mà lại tỉ mỉ, nên anh mới nhờ mẹ dẫn đến đây. Biết là trễ rồi nên qua Tết anh đến lấy cũng được. Hường đồng ý may áo cho anh nghen".

Hường ngượng ngùng cúi đầu cười, khẽ "Dạ" rồi đứng dậy lấy thước ra đo may cho Tuấn. Cô Mai thấy con trai cứ tìm cách bắt chuyện với Hường, thì cũng sáng tỏ trong lòng. Cô bước ra sân, tìm bà nội của Hường nói chuyện chuẩn bị Tết. Cô nghĩ chắc chắn năm nay bông Tết nhà Hường nở đẹp lắm đây...


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây