Rùa và hạc trong văn hóa Việt Nam

Thứ năm - 11/01/2024 10:59 584 0
“Thương thay thân phận con rùa / Ở đình đội hạc ở chùa đội bia” là câu ca dao rất quen thuộc với người Việt Nam. Hình ảnh sóng đôi rùa và hạc vừa thể hiện đôi bạn hoạn nạn có nhau vừa biểu trưng cho sự trường tồn, thanh cao, thoát tục trong quan niệm văn hóa Việt Nam.

Cặp chân đèn bằng gốm thể hiện hình ảnh rùa cõng hạc. Ảnh: DUY KHÔI

Việt Nam là đất nước nông nghiệp và có lẽ do đặc thù văn hóa sông nước mà trong văn hóa nước ta, hình ảnh con rùa mang biểu tượng thần thánh, linh thiêng đã sớm xuất hiện. “Theo truyền thuyết, thời An Dương Vương, Rùa thần - Kim Quy đã xuất hiện hai lần để giúp nhà vua. Lần đầu tiên ngài xuất hiện để giúp An Dương Vương xây thành công Loa Thành và cho nhà vua một cái móng thần của mình để làm ra nỏ thần, nỏ thần có thể bắn ra hàng trăm ngàn mũi tên, để bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của giặc phương Bắc. Lần thứ hai, thần Kim Quy xuất hiện để chỉ ra kẻ bán đứng đất nước là Mỵ Châu và đưa An Dương Vương về biển. Ngoài ra, rùa trong văn hóa Việt rất nổi bật trong quá trình đấu tranh giữ nước. Thời nhà Minh xâm lược và đô hộ nước ta, theo truyền thuyết, rùa thần đã giúp đức Lê Lợi đánh bại giặc phương Bắc bằng việc cho ngài mượn thanh gươm thần, sau đó thần Kim Quy lấy lại gươm ở Hồ Hoàn Kiếm khi nhà vua ngự thuyền rồng trên hồ này và từ đó hồ này được gọi là Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm”(1).

Trong quan niệm của người Việt ngàn đời nay, con rùa là hiện thân của thần linh hộ mạng và bảo trợ con người trong cuộc sống. Vì lẽ đó, con rùa đã có mặt trong bộ tứ linh, có nghĩa là bốn loài linh vật có mặt trong văn hóa của nhiều nước phương Đông, bao gồm: long, lân, quy, phụng. Tương truyền, mỗi khi con vật nào trong tứ linh xuất hiện là điềm lành có thánh nhân ra đời. Tứ linh và tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai) có mặt phổ biến trong hội họa, điêu khắc dân gian, nhất là ở các đình chùa và thường đi chung với các đề tài hoa lá, mây nước… Trong quan niệm dân gian về tứ linh, quy - rùa hợp bởi cả âm lẫn dương, bụng phẳng tượng trưng cho đất (âm), mai khum tượng trưng cho trời (dương). Quy là biểu tượng cao quý, nhiều khi là chủ nguồn nước (rùa phun nước thiêng), là một tĩnh vật của đất Phật(2).

Còn trong quan niệm dân gian, hạc là chim lớn, chân rất cao, cổ và mỏ dài, thường được làm biểu tượng cho tuổi thọ. Trong hệ biểu tượng học còn có những sự kết hợp: hạc - tùng, hạc - thạch (đá), hạc - lộc. Hạc cũng là biểu tượng cho trí tuệ (thiên hạc), người tài giỏi. Ở Việt Nam, hạc có hai loại: hạc cổ trắng, thường gặp ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, phần sau bụng và dưới đuôi trắng; và hạc đen gặp vào mùa đông ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, đầu, cổ, trên thân và đuôi đen, có ánh lục và tím, ngực, bụng trắng. Như vậy, có thể thấy hình tượng hạc có ý nghĩa tượng trưng cho tuổi thọ, trí thức, thanh cao, siêu thoát(3). Ngoài ra, hạc còn là “một biểu tượng của niềm tin/tín ngưỡng về một đời sống an lành và hạnh phúc với quan niệm đất lành chim đậu trong đời sống của người dân, đặc biệt là cư dân trồng lúa nước”(4).

Trong quan niệm dân gian, rùa và hạc là đôi bạn rất thân nhau. Khi trời mưa lũ, nước ngập úng cả một vùng rộng lớn, rùa đã giúp hạc vượt vùng nước ngập úng đến nơi khô ráo. Ngược lại, khi trời hạn hán, hạc lại đưa rùa đến những vùng có nước. Vì vậy mà hình ảnh rùa và hạc luôn khăng khít bên nhau, tượng trưng cho sự trường tồn, lòng chung thủy và sự tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Như vậy, sự kết hợp giữa rùa và hạc được đặt trong các đình, chùa, miếu là nhằm thể hiện sự trường tồn, bất diệt, thanh cao, thoát tục mà cha ông ta đã gửi gắm vào hai biểu tượng này. “Theo quan niệm của người Việt, rùa là loài bò sát lưỡng cư, có tuổi thọ cao, thân hình chắc chắn nên biểu thị cho sự trường tồn. Rùa còn là loài không ăn nhiều, nhịn đói tốt nên được coi là thanh cao, thoát tục. Còn hạc được xem như một loài chim quý, thường đi cùng với hình ảnh các thần tiên. Ở đâu có hạc là ở đó có tiên nên nhiều hoa văn, họa tiết trang trí thường có hình ảnh tiên cưỡi hạc. Khi đem kết hợp hai loài này với nhau sẽ trở thành biểu tượng của sự trường tồn, cho khát vọng tốt đẹp, may mắn. Mặt khác, rùa là loài sống sát mặt đất, hạc là loài bay sống ở trên cao, khi đặt hạc đứng trên lưng rùa thành một cặp thì đó là hình tượng hóa về sự hài hòa của trời và đất, hai thái cực âm dương”(5).

Huỳnh Hà

(Theo Báo CT)


(1) Vũ Thị Quyên (2014), “Con rùa biểu tượng thế giới tâm linh của người Việt”, in trong cuốn “Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam”, Phạm Đức Dương - Phạm Thanh Tịnh - Trần Thị Ngân (Biên soạn), NXB Văn hóa Thông tin, tr.128.

(2) Vũ Thị Quyên, Sđd, tr.132-133.

(3) Cao Xuân Phổ (2014), “Ra đình xem rùa cõng hạc, vào miếu thấy rùa đội bia”, in trong cuốn “Biểu tượng văn hóa ở làng quê Việt Nam”, Sđd, tr.159-160.

(4) Đinh Hồng Hải (2016), “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, tập 3, các con vật linh”, NXB Thế Giới, tr.56.

(5) Cao Xuân Phổ, Sđd, tr.163.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây