Truyện ngắn: Bến chợ ngày xưa

Thứ ba - 03/10/2023 22:38 733 0
Chị Sáu loay hoay chống chiếc ghe khỏi bến chợ, con Thoa ngồi trước mũi ghe cầm cái dầm gạt qua gạt lại cho đám lục bình dạt ra để má chống ghe đi cho nhanh. Thằng Mém ngồi sạp giữa, chợt nhớ chuyện hồi nãy, nó nói: “Má, má! Hồi má với chị Hai đi cân mận cho người ta, con gặp một người, người đó nói là ba con”. Bất chợt chiếc ghe chao nghiêng một chút, rồi như dừng lại, thằng Mém thấy má mím môi chống ghe lướt thật mạnh qua khỏi đám lục bình. Con Thoa không tin: “Ba đi đâu ở đây mà gặp. Sao không dưng gặp vậy cà”. Thằng Mém lôi trong túi quần ra cái bọc có cái bánh cam chiên vàng rụm giơ lên rồi nói: “Ba nói chỉ còn có cái bánh cam cho em ăn đỡ, mơi mốt có tiền nhiều ba mua hủ tiếu cho em ăn”. Con Thoa hỏi thằng Mém: “Mày gặp ba đi với ai?”. “Ba chèo ghe đi có một mình hà, cái ghe trống lổng, hông có cái gì hết. Mà ba coi bộ ốm nhom, đen thui hà!”

Chị Sáu nghe hai đứa con nói chuyện với nhau, không hỏi thăm cũng chẳng xen vào. Chị lặng lẽ đưa cây chèo hồi nãy phải tháo ra để chống ghe rời bến chợ lên ngoay vào cái cột chèo, thử lại hai mái chèo cho cân xứng rồi khua nước chèo ghe hướng ra sông để xuôi dòng về nhà. Vừa chèo ghe, chị vừa nhớ thằng Mém nói, cái ghe trống lổng, ba ốm nhom, đen thui hà!.

Chị chưa từng gặp lại chồng từ ngày dứt áo ra đi. Dù đêm về có lúc chị vẫn nhớ tiếng bước chân chồng mỗi khi đi đâu đó về bước ngang qua ngạch cửa. Hai mặt con chớ ít ỏi gì, nhưng càng như vậy thì chị càng chọn cách đi xa để quên đi nỗi xót xa tủi buồn đến tê liệt tâm can hồi bảy năm trước, khi nghe bạn hàng nói anh giấu cô nào ở bến chợ, nghe đâu có bầu rồi. Lúc đó chị có bầu thằng Mém gần bảy tháng, nên anh không cho chị cùng đi ghe ra chợ. Nghe người ta xì xào, chị mượn ghe chống tới bến chợ, thì thấy trên chiếc ghe mà cha mẹ anh cho hai vợ chồng lập nghiệp và đã cùng anh chị đi qua biết bao chợ nổi, biết bao kinh rạch, có sự xuất hiện của một người phụ nữ trẻ hơn chị, đẹp hơn chị. Chị thấy anh đưa cho người phụ nữ chén cơm hay cháo gì đó, dỗ người ta ăn bằng nét dịu dàng ân cần mà bấy lâu nay chị tưởng chỉ dành duy nhất cho chị. 
 

Vậy là chị quày về nhà. Soạn giỏ, dắt tay Thoa, dứt khoát ra đi. Một lời nhắn gửi lại chị cũng không muốn nói. Nương nhờ nhà người bà con xa tận miệt U Minh, chị sanh thằng Mém. Tới khi con cứng cáp chị đi ghe đi hàng bông. Khi hai đứa nhỏ đến tuổi đi học, chị mới trở lại quê nhà. Cha mẹ cho chị mảnh đất, chị cùng hai con chăm chút cây trái vườn nhà, mùa nào thức nấy, tới thu hoạch thì mang ra chợ nổi bán.

Trở lại bến chợ xưa, chị thỉnh thoảng vẫn nhớ mùa trăng đầu tiên gặp anh. Lúc đó ghe đậu san sát với nhau ken dày dọc bến. Ghe nhà chị chở mấy mươi cần xé mận, ghe nhà anh chở khẳm khóm. Anh đi bán khóm có một mình vì cha mẹ già lại ốm đau. Ấy là khi đậu kế bên ghe chị, anh kể với má chị và gởi ghe nhờ chị coi chừng giùm khi anh vác khóm đi giao cho các sạp. Má chị nói sao con không bán sỉ nguyên ghe cho khỏe, anh cười hiền lành phân trần rằng chịu khó đi giao, bán lẻ cho có giá, thêm được một đồng là có được thêm viên thuốc cho cha mẹ. Chị nghe mà chạnh lòng cho người con trai hiếu thảo, biết nghĩ cho gia đình... Rồi những chuyến chợ sau nữa cùng nhau, có những ngày nước lên, xuôi theo con nước anh ghé nhà chị uống ly trà thăm ba chị rồi về. Mùa trăng năm sau anh mang trầu cau nhờ ông chú chạy vỏ lãi qua mấy vàm sông lên nhà xin hỏi cưới chị. Đám cưới đơn sơ nhưng vui rộn ràng con rạch nhỏ. Nhà trai trình bày gia cảnh khó khăn, nhà gái bỏ qua bớt các nghi lễ cho đôi trẻ sánh duyên nhau. Về nhà anh, chị chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo cho đến ngày mãn phần. Con Thoa ra đời rồi chị có bầu thằng Mém, đong đầy hạnh phúc. Vậy mà…

Đến giờ chị vẫn không muốn nhớ lại ngày chị quyết ra đi không một lần ngoảnh lại. Trong thâm tâm, chị biết mình sợ đối diện cảnh bẽ bàng. Lỡ mà anh nói tui xin lỗi em, tui phải lo cho mẹ con người ta, thì chắc những lời đó sẽ khiến chị không gượng dậy nổi mà nuôi con.

*    *      *

Một ngày mây mù xám xịt, mưa như trời giận đất hờn, anh đột ngột chạy vô nhà chị. Chị Sáu đang sơ nồi cơm sôi sục sục trên bếp sau nhà, thì thấy anh xộc vô. Anh bất chấp nắm tay chị, nói không kịp thở: “Tui có lỗi với em, với con mấy năm nay, xin em cho tui một chút thời gian để tui nói rõ ngọn ngành. Sau thì em xử tui sao cũng chịu. Tui chỉ cần em cho được thấy em và con bình an mỗi ngày là được. Mấy năm qua đi khắp sông tìm em và con, tui chưa từng ngủ yên vì nghĩ tới đủ cảnh hãi hùng. Em và con có bề gì, tui không sống nổi...”. 

Vậy là người ta thấy vợ chồng chị Sáu đoàn tụ. Anh còn đưa về con trai của người phụ nữ không rõ lai lịch năm xưa nay đã mất vì bệnh. Thằng bé tên Nam, nhỏ hơn thằng Mém mấy tháng. Ai cũng tấm tắc chị Sáu rộng lượng khi luôn cố gắng để Nam không cảm thấy lạc lõng hay hụt hẫng. Thoa và Mém có gì là Nam có đó. Thằng Mém tự nhiên được lên làm anh, thi thoảng lại dạy Nam biết phân biệt trái chín cây trong vườn. Hai anh em đi học chung, luôn là “chiến hữu” ăn ý. Thấm thoắt rồi đến lúc thi đại học, Mém đậu cùng lúc hai trường với số điểm khá cao, Nam thì chọn đăng ký tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. 

Ngày Nam ra quân, chị Sáu bắt đầu trở bệnh, bao nhiêu tiền của trong nhà anh Sáu trút ra lo cho chị. Nam lặng lẽ cất giấy bảo lưu kết quả thi đậu đại học năm xưa vào ngăn kéo, xin đi làm công nhân. Tiền học phí của Mém, Nam hầu như lo là chính. Ngày chị Sáu trút hơi thở cuối cùng, chị nắm tay Mém và Nam dặn dò: Chị Thoa đi lấy chồng xa, nhà còn hai con yêu thương nhau và cùng lo cho ba. Má hết duyên với đời, nhưng má sẽ luôn yêu thương và dõi theo các con.

Chị Sáu đi rồi, anh buồn suy sụp cộng già yếu nên bệnh liên miên. Một đêm trăng sáng, coi bộ khỏe, nên anh Sáu kêu Nam chở đi chợ nổi. Chiều lòng ba, Nam lái đò chở anh Sáu đi lòng vòng bến chợ. Trăng bát ngát dòng sông, ghe nối ghe xôn xao một vùng sông nước, câu ca tài tử dìu dặt. Anh Sáu như được tắm lại trên dòng sông hoài niệm, lời ông nói nhỏ nhưng rõ ràng: Nam à! Con không phải con ruột của ba. Mẹ con bị người ra bỏ rơi khi đã bụng mang dạ chửa. Mẹ con đã nhảy xuống dòng sông này tìm cái chết vì uất hận. Nhưng ba cứu được hai mẹ con...

Câu chuyện với những hiểu lầm ngày xưa được anh Sáu kể tường tận cho Nam nghe. Khi anh Sáu kể hết cho chị lúc đoàn tụ, anh và chị đã bàn bạc hồi lâu và quyết định không cho Nam biết do sợ Nam càng thêm buồn tủi vừa mồ côi mẹ vừa bị ba bỏ rơi không nhận. Anh kể gần đây ba ruột của Nam có tìm về. Anh trao lại cho Nam địa chỉ, số điện thoại... của người đàn ông thành đạt. Đó là lần đầu tiên Nam rớt nước mắt trước mặt ba.

Rồi anh Sáu cũng ra đi, Nam cũng chẳng đi tìm người đàn ông thành đạt, giàu có, Nam giữ ngôi nhà tinh tươm, sạch sẽ y như những ngày cả nhà còn sum họp. Thoa hay về thắp nhang bàn thờ ba má. Mém lập nghiệp ở thành phố lớn, nhưng rảnh là về. Lần nào về cũng xúc động vì Nam sống và gìn giữ một góc trời tuổi thơ của Mém vẹn nguyên. Nam chôn chặt trong lòng câu chuyện về thân phận của mình. Coi như đó là một câu chuyện của ai đó mà ba kể lại lúc đêm trăng trên bến chợ ngày xưa.

Kim Thanh

(Theo BCT)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây