Tình người

Chủ nhật - 31/07/2022 13:21 1.439 0
Tôi có thói quen ra quán cà phê đầu ngõ nhâm nhi một ly đen đá vào mỗi sáng sớm, khi phố phường còn chưa thức dậy. Quán cà phê nơi tôi đến không có bàn. Ðó chỉ là một cái quán nhỏ xíu, nơi những chiếc ghế đẩu được bày ra, vừa là bàn vừa là ghế. Ấy thế nhưng quán lúc nào cũng đông, hầu hết là dân lao động, đến nhấp một ngụm cà phê vào buổi đầu ngày để cho tỉnh người rồi sẵn sàng cho một ngày làm việc dài trước mắt.

 

- Cậu cho tôi để nhờ cái ly, bà chủ hết ghế.

Tôi ngước nhìn lên, đó là một người đàn ông trạc tuổi ba tôi, tay đang cầm một ly cà phê kèm một cốc trà đá. Quán dường như đã kín những công nhân đang chờ chuyến xe đưa đón của công ty. Nhìn màu áo của bác, tôi biết bác cũng đang chờ xe như họ. Tôi khẽ mỉm cười đẩy nhẹ cái ghế cũng là cái bàn của mình về phía bác. Trời hãy còn tinh mơ, cái nhẹ nhàng yên tĩnh của màn đêm đang từ từ bị sớm mai kéo đến len lỏi tạo thành những vùng sáng loang lổ trên bầu trời. Bác thầm thì:

- Mới bốn giờ sáng, còn hơn nửa tiếng nữa xe mới tới.    

Rồi bác bắt chuyện với tôi:

- Nhưng mà nom cậu không giống dân lao động. Sao cậu dậy từ tinh mơ thế?

- Dạ, cháu là nhà văn. Cháu thích không khí sáng sớm như thế này, yên tĩnh để có thể cảm nhận được nhiều thứ trong cuộc sống bộn bề.

Bác lại cười rồi quay sang mấy chú bên cạnh:

- Vậy cậu có muốn nghe chúng tôi kể chuyện làm tư liệu không? Về cuộc đời thì chúng tôi có cả kho tàng cho cậu viết đấy. Mấy ông ơi, cậu đây là nhà văn nè...

Trong cái nắng sớm đang từ từ buông xuống ấy, tiếng cười nói của những người dân lao động vang lên rộn rã. Cứ thế, mỗi sáng tôi lại tập cho mình một thói quen dậy sớm hơn và đến quán cà phê quen thuộc chỉ để nghe những câu chuyện đời thường của họ. Lúc nào tôi cũng ngôi cạnh bác vì bác luôn cho tôi một cảm giác rất nhẹ nhàng bình yên nhưng như có một điều gì đó đang giấu kín.        

Qua đi ít ngày khi tôi tới quán cũ không thấy bác nữa, hỏi dò thì mới biết bác gái bị ốm nặng nên bác xin nghỉ chăm vợ. Vì tò mò và cả quan tâm, tôi lân la nhờ sự chỉ dẫn của các bác đồng nghiệp và tìm được nhà bác. Căn nhà nơi bác ở nằm lọt thỏm trong xóm lao động mà hầu hết các hộ gia đình trong xóm đều làm việc cho một công ty cách nhà khá xa nên thường được đưa đi làm bằng xe đưa đón từ sáng sớm. Khi tôi tới,  bác đang lui cui dưới bếp, căn bếp nhỏ đang đỏ lửa và mùi thuốc bắc tỏa ra thơm ngát từ cái siêu trên bếp. Vừa thấy tôi bác gật gật đầu chào nhưng vẫn luôn tay loay hoay giữa siêu thuốc và nồi cháo đang được kê nấu trên các hòn đá:

- Cậu lên nhà, đợi tôi một lát vậy.

Tôi bưng giúp bác chén cháo lên nhà. Khi bước vào căn nhà nhỏ tôi dường như phải cúi người xuống thật thấp mới chen vào được, căn nhà chỉ có vợ chồng bác, chiếc bàn con và một chiếc giường cũ nơi bác gái đang nằm. Bác nhẹ nhàng đỡ bác gái dậy để bác gái tựa vào vai rồi chế nồi nước thuốc vào một cái thau nhôm, pha thêm nước, tự chạm vào thấy hơi ấm nóng mới để chân bác gái vào ngâm.

- Bà ấy bị xương khớp, đau nhức mãi không khỏi, ông thầy ổng chỉ đi hái mấy loại lá về nấu ngâm chân cho bớt

Rồi bác thổi nhẹ cháo cho đến khi nguội, đút từng muỗng cho bác gái, cho đến khi cạn chén mới nhẹ nhàng để bác gái nằm và ra ngoài.

Chúng tôi ngồi trên bậc thềm, im lặng không nói câu gì, hai ly cà phê nãy tôi mua tới được bày ngay trên bậc thềm, chỉ thiếu mỗi cốc trà đá. Bác kể với tôi bác gái là người thân duy nhất của bác, hai người không có con, trước bác gái còn khỏe cũng ở nhà cơm nước, nhận việc về nhà làm. Cách đây vài năm thì tai biến và cứ thế nằm một chỗ, bác cũng muốn ở nhà chăm nhưng vì kế sinh nhai nên phải đi làm, mỗi ngày đành nhờ bà con chòm xóm. Cũng may những người ở đây luôn thấu tình người, vẫn hay qua thăm chừng giùm bác, còn khi họ bận việc thì cũng cho đám con trẻ tới chơi quanh cho bác gái đỡ buồn, sẵn tiện trông nom. Vừa nghe bác kể tới đó thì tôi nghe tiếng mở cổng, giọng người phụ nữ rổn rảng:

- Bác Ðông ơi, tôi mới được cho ít măng khô, tôi để trong tủ chén nhé. Với trưa ghé nhà tôi ăn cơm, ông nhà tôi sáng nay được cho ít cá ngon lắm.

Bác ới một tiếng rõ to. Người phụ nữ vào bếp rất tự nhiên như nhà của mình, ghé vào nói chuyện với bác gái ít câu rồi quay người đi với quang gánh còn đang ngoài cổng, có lẽ đương buổi chợ ghé thăm nhà hàng xóm.

- Nếu không có những người xung quanh giúp đỡ thì đúng là tôi cũng không làm gì được...

Ngồi được một lúc như sực nhớ điều gì bác lại chạy vội vào thăm chừng bác gái sau đó lật đật ra sân chẻ vội mớ củi khô để đun nấu nước thuốc đặng cho bác gái ngâm chân lần nữa. Cũng vừa bắc một nồi nấu lá nghe bác nói là chữa ho tốt lắm, tôi tưởng bác bị bệnh thì bác xua tay:

- Này nấu cho ông Vọng đầu xóm, ổng bị ho bữa giờ, tôi nghe người ta nói lá này xông chữa ho tốt lắm.

Tôi ra về để không làm vướng tay chân bác nữa. Ðột nhiên giữa cuộc sống xô bồ này tôi tìm được một chút gì đó thanh thản lạ, cảm thấy như tình người vẫn đang lan tỏa xung quanh mình. Người giúp mình, mình giúp đời, những mảnh đời nhỏ đang sống dựa vào nhau chỉ để chứng minh cho một sự gắn bó bao la giữa người với  người.

LÊ HỨA HUYỀN TRÂN

Theo Báo Cần Thơ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây