Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X - năm 2022: Khát vọng và kỳ vọng

Thứ năm - 16/06/2022 21:48 258 0
Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X - năm 2022 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, diễn ra từ ngày 17 đến 19-6 tại TP Ðà Nẵng. 3 tác giả của TP Cần Thơ vinh dự tham dự hội nghị là Phát Dương, Hoàng Khánh Duy và Mạc Yên. Trước thềm hội nghị, các đại biểu đến từ Tây Ðô đã có những chia sẻ tâm huyết.

Tác giả Phát Dương: Văn học trẻ trong tương lai cần thay đổi

Trong văn đàn hiện nay, vị trí của văn học trẻ chưa thật sự chiếm được ưu thế cần có của một thế hệ mới - thế hệ làm chủ nền văn học nước nhà ở tương lai. Ở các hội văn học địa phương, lực lượng cầm bút trẻ còn ít, đa phần hoạt động riêng lẻ và âm thầm.

Tôi nghĩ, văn học trẻ trong tương lai cần có sự thay đổi. Trẻ, tức là giàu sức sống, dám nghĩ dám làm, dám đón nhận thử thách và tìm tòi cái mới. Thế nhưng, trẻ cũng gắn với sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, chưa có lập trường và tư tưởng vững vàng. Cần có thời gian để mỗi cá nhân hoàn thiện và chỉnh sửa bản thân thành một phiên bản tốt hơn.

Những cây bút trẻ cũng như những mầm non, cần được chăm bón và quan tâm đúng mức. Dư thừa giám sát và quá đốc thúc, cây dễ úng hư. Nhưng hời hợt buông lơi, cây cũng chẳng thể ra trái ngọt. Cần một giàn vững chắc để cây leo: sự chia sẻ kinh nghiệm, ủng hộ và quan sát, giúp đỡ khi cần của các nhà văn đi trước. Bản thân các tác giả trẻ cũng nên có sự kết nối, để nhận thức vị trí hiện tại của bản thân trong tương quan các thế hệ văn chương, để biết điều cần làm và không nên làm.

Hy vọng, hội nghị sẽ là dịp rút ngắn những lằn ranh thế hệ, để dòng chảy văn học Việt Nam có thể mạnh mẽ chinh phục những thành tựu mới.

Tác giả Hoàng Khánh Duy: Tiếp thêm tình yêu, ngọn lửa văn chương

Tham gia Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X, tôi kỳ vọng thế hệ văn trẻ 3 miền có sự kết nối với nhau, cùng nhau chia sẻ, học hỏi, động viên nhau với khát vọng hình thành nên sự vững mạnh của dòng văn trẻ nước nhà. Ðến Ðà Nẵng lần này, được gặp gỡ với những cây bút trẻ trên khắp mọi miền đất nước, tôi vô cùng háo hức và đầy hy vọng. Ðây là điều kiện để chúng tôi có thể giao lưu văn hóa vùng miền, trò chuyện văn chương, chia sẻ cảm xúc, góp ý qua lại những sáng tác của nhau.

Tôi hy vọng tại hội nghị, tôi và các cây bút trẻ khác sẽ được tiếp thêm tình yêu, ngọn lửa văn chương. Sau một thời gian dịch bệnh, mọi hoạt động bị trì trệ, không ít người trẻ rơi vào trạng thái chênh vênh, mất lửa đối với văn chương. Ðể khích lệ lực lượng viết văn trẻ, tôi nghĩ rằng, Hội Nhà văn Việt Nam cần quan tâm hơn nữa đối với các cây bút trẻ, tạo điều kiện để người viết trẻ từng vùng miền hoặc cả nước thường xuyên gặp gỡ, giao lưu, tạo điều kiện để sáng tác của người trẻ đến với độc giả, thâm nhập sâu hơn vào đời sống văn chương.

Tác giả Mạc Yên: Tác giả trẻ có thể kế thừa nhưng rất cần sáng tạo độc lập

Trong một thị trường văn hóa đọc có nhiều sự lựa chọn, để thu hút độc giả, nhiều tác giả trẻ nhắm đến 3 yếu tố: câu chuyện thú vị lôi cuốn, văn phong gợi cảm và những hoạt động phát hành thu hút nhiều độc giả. Hướng đi này giúp tác phẩm của một số người trẻ thành công về mặt doanh số. Nhưng trên bình diện nghệ thuật, hiếm có tác phẩm đủ mới và chạm vào cái sáng tạo thực sự. Nói riêng về tiểu thuyết, người đọc luôn thấy bóng dáng của một tác phẩm hay tác giả nào đó, trong hoặc ngoài nước. Có thể là do tuổi tác, kinh nghiệm sống hay tri thức của người viết chưa đủ nhiều. Nhưng điều này đã tạo ra một đứt gãy sáng tác mà không ít người đọc hiện nay đã nhìn thấy: Một tiểu thuyết hấp dẫn, sáng tạo, sâu sắc của người trẻ viết ra hiếm như “mò kim đáy biển”. Nhưng hiếm không có nghĩa là không có.

Tôi nghĩ, mỗi thế hệ sáng tác cần có những câu chuyện và tiếng nói của mình, mang tư duy, tư tưởng của thế hệ đó. Tác giả trẻ có thể kế thừa nhưng rất cần sáng tạo độc lập, không bị lây nhiễm hay phủ bóng bởi bất cứ ai hay bất cứ đâu. Một người sáng tác nghệ thuật thì không có trách nhiệm nào hơn là phải sáng tạo nghệ thuật hết mức, với tri thức, tư duy, khát vọng cống hiến và kỹ năng.

Hội nghị lần này là cơ hội để mọi người nhìn lại: Bên cạnh những không gian văn hóa nghệ thuật đã có trong văn đàn, đã đến lúc văn đàn nên dành không gian cho người trẻ nhiều hơn. Thế giới chuyển động quá nhanh, quá nửa thế hệ 8X đã không còn được tham gia lần hội nghị này, nhưng tiếng nói thật sự của những người 9X, 10X chỉ vang lên ở những không gian khác: mạng xã hội, nền tảng trực tuyến… Tôi sẽ đi tìm trong hội nghị lần này một câu trả lời cho câu hỏi tại sao văn chương chưa có tiếng nói của thế hệ tôi? Bởi tôi tin, khát vọng, ước mơ, niềm tin và tư duy của thế hệ chúng tôi đẹp đẽ và quý giá hơn nhiều những gì được thể hiện trong vô số những lượt bình luận, của vô số các bài viết không chính thống trên mạng xã hội.

Huỳnh Mai (thực hiện)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây