Hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022)

Thứ tư - 19/10/2022 05:33 338 0
Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần tăng cường, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không.
Bộ đội tên lửa những ngày đánh trận Điện Biên Phủ trên không.

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Hướng dẫn số 71-HD/BTGTW ngày 07/10/2022 hướng dẫn tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022) như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí kiên cường, sáng tạo, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm góp phần tăng cường, bồi đắp niềm tin của Nhân dân với Đảng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tăng cường các hoạt động đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, lợi dụng sự kiện để chống phá Đảng, Nhà nước.

3. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm cần được tổ chức với nội dung và hình thức phù hợp, trang trọng, thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, đúng quy định; kết hợp với tuyên truyền kỷ niệm các sự kiện lịch sử cách mạng, các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp Nhân dân.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN TRỌNG TÂM

1. Tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; những chiến công của quân và dân ta; đường lối chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự sáng tạo, độc đáo của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Quân chủng Phòng không - Không quân là nhân tố quyết định làm nên chiến thắng.

2. Chủ nghĩa anh hùng cách mạng; sự mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng B-52; tinh thần chiến đấu anh dũng của Nhân dân cả nước, nhất là sự kiên cường, bám trụ chiến đấu của quân và dân Thủ đô Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa; những tập thể và cá nhân anh hùng; sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

3. Thành tựu của đất nước, của Thủ đô Hà Nội 50 năm qua (kể từ sau chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không năm 1972); sự trưởng thành, lớn mạnh và những chiến công, thành tích của Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam.

4. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhất là các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng - an ninh bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, về đối ngoại; làm rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng - an ninh trong tình hình mới.

5. Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, lợi dụng sự kiện để chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, gây ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, nhất là với Mỹ.

6. Các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm diễn ra ở các cấp, các ngành, các địa phương; chú trọng các hoạt động trọng tâm và công tác tuyên truyền ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, tôn giáo, biên giới, hải đảo của Tổ quốc, kiều bào ta ở nước ngoài.

III. CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM

1. Tổ chức Lễ kỷ niệm cấp bộ (ngành) 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022).

2. Tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia.

3. Tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp mặt nhân chứng lịch sử”.

4. Xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

5. Tổ chức thông tin, tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động: Tuyên truyền trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin điện tử của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị; thông qua các ấn phẩm tuyên truyền, hội nghị sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao… theo điều kiện cụ thể ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Công chúng tham quan triển lãm ảnh về chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không. Nguồn: Báo Nhân dân

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ban, bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị được giao chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm

1.1. Ban Tuyên giáo Trung ương

- Chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền kỷ niệm; phối hợp biên soạn, phát hành đề cương tuyên truyền kỷ niệm.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo Điện ảnh Quân đội xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

- Kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức hoạt động tuyên truyền kỷ niệm ở các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; báo cáo Ban Bí thư theo quy định.

- Theo dõi, nắm tình hình dư luận xã hội trong và ngoài nước; định hướng đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc sự kiện Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

1.2. Thành phố Hà Nội

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức Lễ kỷ niệm (cấp tỉnh, thành phố) bảo đảm trang trọng, đúng tầm mức; trong đó cần chuẩn bị kỹ lưỡng kịch bản điều hành, các bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm và các hoạt động nghệ thuật chào mừng.

- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương chuẩn bị các điều kiện để tổ chức tốt Hội thảo khoa học cấp quốc gia.

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm khác trên địa bàn Thành phố.

1.3. Bộ Quốc phòng

- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Công an và Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp mặt nhân chứng lịch sử”.

- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng đề cương tuyên truyền; chỉ đạo điện ảnh Quân đội xây dựng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

- Chỉ đạo tổ chức tốt công tác tuyên truyền kỷ niệm trong toàn quân.

1.4. Bộ Công an: Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Quốc phòng và Thành phố Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.

1.5. Đài Truyền hình Việt Nam

- Xây dựng kịch bản và tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp mặt nhân chứng lịch sử”; phát sóng phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong khung giờ phù hợp.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện.

1.6. Đài Tiếng nói Việt Nam: Tổ chức tuyên truyền trước, trong và sau sự kiện.

2. Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương

2.1. Các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm phù hợp với điều kiện cụ thể; chú trọng tuyên truyền trong sinh hoạt thường kỳ, trên các báo, đài, tạp chí, trang thông tin điện tử, các tài liệu, ấn phẩm tuyên truyền… của cơ quan, đơn vị, các tổ chức chính trị - xã hội.

2.2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan, nhất là trên pano, áp phích, tranh ảnh và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao… chào mừng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp với Thành phố Hà Nội tổ chức Lễ kỷ niệm.

2.3. Bộ Thông tin và Truyền thông: Quản lý chặt chẽ các hoạt động thông tin, truyền thông, nhất là việc đăng tải thông tin trên các báo, đài, tạp chí, trên Internet và mạng xã hội; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, phát tán thông tin sai trái, xuyên tạc sự kiện chống phá Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta và những hành vi không tuân thủ chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương.

2.4. Bộ Ngoại giao: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin, tài liệu cho phóng viên báo chí nước ngoài; chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức các hoạt động kỷ niệm phù hợp, thiết thực, hiệu quả; gắn với tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.

2.5. Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật: Phối hợp với Viện Lịch sử quân sự Việt Nam biên tập, phát hành kỷ yếu Hội thảo khoa học.

3. Các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương

- Xây dựng kế hoạch tuyên truyền về sự kiện theo hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương; chú trọng khai thác thông tin tư liệu chính thống, những vấn đề có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục sâu sắc về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp Nhân dân; không đưa tin, bình luận những vấn đề về lịch sử còn có ý kiến khác nhau.

- Đài phát thanh - truyền hình các địa phương, các kênh truyền hình thiết yếu tổ chức tiếp, phát sóng chương trình truyền hình trực tiếp “Gặp mặt nhân chứng lịch sử” của Đài Truyền hình Việt Nam, phim tài liệu kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và các chương trình tuyên truyền khác.

4. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội

- Tham mưu giúp cấp ủy xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm bảo đảm thiết thực, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội; chú trọng kiểm tra, chỉ đạo công tác tuyên truyền truyền trên báo chí, các phương tiện cổ động trực quan, qua các hội nghị, sinh hoạt thường xuyên, các ấn phẩm tuyên truyền.

- Vận động cán bộ, đảng viên, phóng viên các cơ quan báo chí, các báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ tuyên giáo chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực trên mạng xã hội.

V. MỘT SỐ KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1. Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2022)!

2. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12/1972) - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam!

3. Xây dựng thế trận lòng dân, thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc!

4. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại!

5. Chủ động, nhạy bén nắm chắc thời cơ, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng và phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc!

6. Phát huy tinh thần Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng!

7. Đảng Cộng sản Việt Nam - Người lãnh đạo, tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam!

8. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

9. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

Theo https://baocaovien.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây