Trẻ từ 9 tháng tuổi đến dưới 1 tuổi đã tiêm mũi 1 vắc xin IPV; đối với trẻ từ 9 tháng đến dưới 1 tuổi đã tiêm vắc xin dịch vụ (Infanrix Hexa, Hexaxim, Pentaxim...) chưa đủ 2 mũi vẫn thực hiện tiêm IPV2; đảm bảo khoảng cách giữa IPV mũi 1 và mũi 2 ít nhất 1 tháng.
Theo CDC Cần Thơ, bệnh bại liệt là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus bại liệt có tên là Polio gây ra, virus bại liệt gồm 3 tuýp 1, 2 và 3. Bệnh lây qua đường tiêu hóa, dễ dàng lây lan từ người sang người, đường lây truyền chủ yếu qua đường “phân- miệng”, từ phân ô nhiễm vào nguồn nước, thực phẩm rồi vào cơ thể người phát triển trong đường tiêu hóa, đào thải qua phân ra ngoài môi trường sống và tiếp tục gây bệnh. Bệnh rất dễ lây, đặc biệt là trẻ em.
Khi trẻ mắc bệnh thường có dấu hiệu sốt, buồn nôn, nôn, cứng gáy, táo bón, đau chi và cơ bắp, gáy và lưng dần dần mất vận động dẫn đến liệt không đối xứng. Bệnh bại liệt không chữa được, để lại nhiều di chứng nguy hiểm như mất vận động tay chân, liệt tủy sống, liệt hành tủy, để lại di chứng tàn tật suốt đời và có thể tử vong. Biện pháp duy nhất để phòng là chủ động tạo miễn dịch bằng cách uống hoặc tiêm vắc xin phòng bại liệt cho trẻ em dưới 1 tuổi để giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bại liệt rất nhanh chóng, tiêu diệt được các ổ dịch.
Vắc xin bại liệt uống (OPV) đã đưa vào chương trình tiêm chủng thường xuyên. Tuy nhiên, để duy trì miễn dịch bảo vệ phòng bệnh bại liệt cho trẻ một cách đầy đủ và toàn diện, trẻ cần được nhắc lại các mũi vắc xin bại liệt đường tiêm. Đây là việc hết sức cần thiết.
Để phòng, chống bệnh bại liệt cho con, em CDC Cần Thơ đề nghị các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng vắc xin IPV trong đợt tiêm bổ sung lần này.
Thanh Xuân