Vài nét phác họa Cần Thơ xưa qua một thiên du ký

Thứ năm - 08/06/2023 06:09 598 0
“Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa” là thiên du ký khảo cứu giá trị, hấp dẫn của nhà báo Khuông Việt, được đăng liên tục 19 số trong Nam Kỳ tuần báo vào năm 1942. Trong đó, hai số báo liên tục là 27 và 28 có đăng phần “Thẳng xuống Cần Thơ”, miêu tả nhiều di tích, cảnh vật của Cần Thơ. Nói như nhà báo Khuông Việt: “Ròng rã hai mươi lăm ngày, chúng tôi hoàn toàn sống với tiền nhơn, cơ hồ quên cả đời hiện tại”. Sau hơn 80 năm, những trang báo ấy thật giá trị với những ai yêu mến Tây Đô.

Bàn thờ Đốc học Nguyễn Thanh Trưng cùng hộp Sắc được cho là liên quan đến cụ ở Đình Thần Thới Bình.

Một chuyến về Tây Đô cách đây hơn 80 năm
Nam Kỳ tuần báo là một trong số ít tờ báo quan trọng ở Nam Bộ trước năm 1945, do Hồ Văn Trung, tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm Giám đốc. Báo ra thứ năm hằng tuần, số đầu tiên xuất bản ngày 3-9-1942 và đình bản vào tháng 6-1944, có tổng cộng 85 số báo được in và phát hành. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khuê trong “Chân dung Hồ Biểu Chánh” lý giải nguyên nhân đình bản Nam Kỳ tuần báo: “Phần vì khan giấy, phần vì Hồ Biểu Chánh bất bình về thái độ của ông chủ Sở Thông tin Tuyên truyền”. Nam Kỳ tuần báo có sự cộng tác của các cây bút tên tuổi cả nước: Thượng Tân Thị, Đặng Thúc Liêng, Trúc Hà, Ngạc Xuyên, Lê Thọ Xuân, Lê Văn Ngôn, Khuông Việt, Thiếu Sơn, Đào Duy Anh, Hoàng Phê...
Nam Kỳ tuần báo có chuyên mục rất phong phú như nghị luận, khảo cứu, phê bình, dịch thuật, tiểu thuyết, thể thao, tin tức trong nước và tin tức ngoài nước... Nhiều số báo của Nam Kỳ tuần báo còn xây dựng chủ đề xuyên suốt như gia đình, thờ cúng tổ tiên hay các sự kiện trọng đại như kỷ niệm ngày mất nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu... Chủ trương của Nam Kỳ tuần báo là chấn hưng luân lý và truyền bá văn hóa. Trong lời phi lộ của số ra đầu tiên, nhà văn Hồ Biểu Chánh nhấn mạnh: “Khôi phục những điểm thuần phong mỹ tục của tổ phụ lưu truyền mà trong khoảng sau này quốc dân viện lẽ tấn hóa rồi lãng lơ, không muốn chú trọng nữa. Phụ giúp với bực trí thức đặng mở đường học tập cho quốc dân, học tập về văn chương, về nghề nghiệp, về đạo đức, về tinh thần, về tâm chí”.
Về nhà văn, nhà báo Khuông Việt, ông tên thật là Lý Vĩnh Khuông (1912-1978), quê ở Bãi Xàu, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Ông học hành đỗ đạt, nhiều năm làm ở Thư viện Quốc gia, và là cây bút tên tuổi. Ông cộng tác nhiều tờ báo đương thời, trong đó đắc lực cho Nam Kỳ tuần báo. Hàng loạt tác phẩm du ký trong nước, Á, Âu của ông thu hút độc giả. “Hai mươi lăm ngày đi tìm dấu người xưa” là một du ký khảo cứu giá trị.
Trong phần “Thẳng xuống Tây Đô”, tác giả đã đến viếng mộ ông Chàm Hoàng, thuộc xóm Lò Gạch, ấp Mỹ Hưng, làng Tân An, được xây theo kiến trúc Hồi giáo. Khu mộ này hiện nay vẫn còn, dù có khác xưa đôi chút do được tân trang, hiện tọa lạc ở bờ kè sông Cần Thơ, dốc cầu Quang Trung rẽ phải vài trăm mét là tới, đoạn thuộc địa bàn phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Tác giả cũng tìm đến viếng mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa và bày tỏ sự ngậm ngùi bởi cảnh điêu tàn. Cũng nhờ bài báo này mà sau đó, năm 1943 Hội Khuyến học Cần Thơ đứng ra vận động trùng tu mộ cụ Thủ Khoa. Nhờ đó, khu mộ của cụ tươm tất hơn, trước khi Khu tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa được TP Cần Thơ xây dựng, khánh thành năm 2013.
Tác giả viếng Nam Nhã Đường ven sông Bình Thủy, tham quan chợ Bình Thủy, một vài di tích cổ gần đó. Sau đó, vòng ngã Ba Xe đến Phong Điền và được gặp một kỳ lão tuổi ngoài 80, dù bệnh nằm liệt giường nhưng còn minh mẫn, đã đưa cho ông xem những giấy tờ thời Gia Long, Minh Mạng: “Quả chúng tôi không thất vọng và chẳng tiếc công đạp xe máy hơn 20 cây số ngàn”.
Về đốc học Nguyễn Thanh Trưng
 

Phần mộ phu phụ Đốc học Nguyễn Thanh Trưng hiện nay.

Nhà báo Khuông Việt kể, từ Sài Gòn xuống Cần Thơ, ông cố công đi vùng ngoại châu thành để tìm xem Cần Thơ, kinh đô của miền Hậu Giang, còn giữ được những di tích cổ xưa nào không.
Điểm đầu tiên ông đến cách châu thành (tạm hiểu là trung tâm phường Tân An hiện nay) khoảng 4km, thuộc ấp Xuân Hòa, làng Tân An, có nhà thờ và mộ của cụ Đốc Trưng. Tác giả không thích thú vì sự đồ sộ, cách tân của khu nhà thờ và mộ này; nhưng khi đọc tiểu sử khắc trên phiến cẩm thạch dựng ngay trước sân, sự thất vọng ấy dần tiêu tan. Theo tác giả Khuông Việt, cụ Nguyễn Thanh Trưng là người Cai Lậy, tỉnh Mỹ Tho, đỗ Cử nhân, trước làm Giáo thụ (Định Viễn - Cần Thơ), sau bổ sang Thông phán rồi Tri huyện Bảo An (nay là tỉnh Bến Tre), rốt cùng cụ làm Đốc học tỉnh An Giang (gồm cả Cần Thơ bây giờ). “Cụ là một văn nhân cự phách thuở cựu trào”, nhà báo Khuông Việt nhận xét. Tác giả cũng cho biết thêm, thời điểm ông vào khu nhà thờ và mộ (năm 1942) thì vật dụng đã bụi bám, nhện giăng, hỏi ra mới hay, vợ chồng cụ không có con nối dõi, nên việc thờ tự do chức việc ấp Xuân Hòa coi sóc.
Lần theo miêu tả của nhà báo Khuông Việt, chúng tôi dành nhiều thời gian tìm kiếm và kết quả mỹ mãn khi đặt chân vào khu mộ của cụ Đốc Trưng, thắp nén nhang. Khu nhà thờ được miêu tả trong bài du ký không còn, chỉ còn khu mộ và bia cẩm thạch quý. Khu mộ của cụ hiện thuộc khu đất của một hộ dân trong hẻm của đường Tầm Vu, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, gần chợ Tầm Vu; bao bọc giữa những dãy nhà trọ nên chúng tôi vất vả đi tìm, được chủ nhà đồng ý dẫn vào.
Tư liệu thú vị là khu vực chợ Tầm Vu hiện nay xưa là ấp Xuân Hòa, làng Tân An, được kể là ngoại châu thành Cần Thơ. Tấm bia cẩm thạch ghi công đức của cụ Đốc Trưng đến nay còn nguyên vẹn, chữ Hán - Nôm, khá rõ ràng. Qua phần sơ dịch, có đoạn ca ngợi: “Ông là người có được cái khí thanh tú của giang sơn miền Nam, tư cách lời nói vượt xa mọi người. Ông xứng đáng là người tài danh hiền đức... Ông làm quan thanh liêm nên dân chúng yên vui tin tưởng”. Về gia đình, tấm bia thuật: “Ông kết hôn với lệnh phi họ Bùi, bà là người nội tướng hiền thục. Ông bận rộn với việc dạy học, việc quan, bà lệnh phi lúc mới về lo coi sóc, công việc trong nhà dần dần có trật tự”. Từ bia mộ bằng chữ Hán - Nôm, chúng tôi ghi nhận cụ bà tên là Bùi Thị Cầu.
Lần giở “Địa chí Tiền Giang”, may thay có đoạn: “Ở đất Định Tường còn có ông Nguyễn Thanh Trưng, làm Đốc học ở An Giang. Khi thực dân Pháp bình định toàn Nam Kỳ, ông cư trú luôn ở đó”. Sách cũng ghi nhận, bi kịch cuộc đời ông là không có con nối dõi, nên ông tự làm câu đối tự phê, tự răn lấy mình: “Tử vị năng toàn hiếu, thần vị năng toàn trung, một thế nan tiềm thần tử đạo / Sinh vô hiển ư tiền, tử vô truyền ư hậu, hỗn truyền không tác tử sinh nhân” (tạm dịch: Làm con chưa tròn chữ hiếu, làm tôi chưa tròn chữ trung, sắp chết rồi mà đạo thần tử càng ngày càng khó. Sống chẳng làm rạng danh người trước, chết không truyền về sau, cuộc trần lẫn lộn khó làm người sống dở chết dở).
Cuối đời, ông có tham gia trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ. Vì việc này mà có nhiều người mỉa mai ông.
Về sự học của ông, chúng tôi tra trong “Quốc triều hương khoa lục” được rõ, ông tham gia Khoa thi năm Nhâm Tý, năm Tự Đức thứ 5-1852, tại Trường thi Gia Định, đạt Á khoa, với ghi chú “Nguyễn Thanh Trưng. Người thôn Mỹ Trang, huyện Kiến Đăng. Làm quan tới chức Đốc học”. Thủ khoa của kỳ thi này ở Trường Gia Định là cụ Nguyễn Hữu Huân, tức Thủ khoa Huân, nghĩa sĩ chống Pháp nổi danh.
Dấu ấn với Cần Thơ, cụ Đốc Trưng giao lưu văn chương ở nhóm thi văn Tao Đàn Bà Đồ, bạn văn với Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Cụ là người hào phóng, hay giúp việc làng, việc xã. Theo lời ông Tư Lượng, Ban Tế tự Đình Thần Thới Bình, đất đai của cụ Đốc Trưng chạy dài khu vực chợ Giữa xưa, tạm hiểu là khu vực từ khoảng chợ Tầm Vu đến gần chợ Xuân Khánh bây giờ. Cụ hay giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là hiến đất, tiền xây đình. Trong Đình Thần Thới Bình hiện nay có ban thờ cụ Đốc Trưng, với tư cách Nhân Thần phối thờ hẳn hoi. Đáng tiếc, do tam sao thất bổn mà ghi là “Đốc hạt Nguyễn Thành Trưng” (thay vì Đốc học Nguyễn Thanh Trưng). Đình còn giữ một hộp gỗ quý, mà theo lời ông Tư Lượng, trong đó có chứa một đạo sắc về bổ nhiệm cụ Đốc Trưng, nhưng đáng tiếc vì không thể mở hộp ra nên chúng tôi không nắm rõ nội dung.
Về gian thờ cụ Đốc Trưng trong Đình Thần Thới Bình, chúng tôi đặt giả thuyết phải chăng xưa kia cụ là Nhân Thần phối thờ của Đình Thần Tân An? Bởi xưa kia Đình Thần Tân An ở chợ Giữa, gần nhà, nhà thờ, mộ của cụ Đốc Trưng và cụ cũng có nhiều đóng góp cho đình. Sau này do nhiều biến cố, Đình Thần Tân An không còn, Sắc Thần, ngai thờ được dời về Đình Thần Thới Bình thờ chung, nên có thời gian dài gọi là Đình Thần Thới Bình - Tân An. Sau khi Đình Thần Tân An được xây mới ở vòng xoay cồn Cái Khế, Sắc Thần Đình Tân An mới được thỉnh dời. Vì lẽ này, chúng tôi đặt giả thuyết, bàn thờ và vật thờ cụ Đốc học Nguyễn Thanh Trưng là dấu tích của Đình Thần Tân An xưa?
Trong bài viết này, chúng tôi mong muốn gợi nhắc về một nhân vật của đất Cần Thơ xưa, nhân đọc bài du ký của nhà báo Khuông Việt, mà không có ý bình về công - tội của người xưa. Dấu xưa không chỉ là ký ức mà còn là một phần của lịch sử vùng đất, con người.
Bài, ảnh: Đặng Vĩnh Lộc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây