“Đồng Nai có bốn Rồng Vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”
Câu ca dao xưa nói lên tài đức của danh nhân đất Cần Thơ - Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Đời truyền đời, người Cần Thơ vẫn luôn tự hào về gương sáng “Rồng Vàng”, từ đó nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân, góp phần làm dày thêm bản sắc văn hóa cho vùng đất này.
Chuẩn bị Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Những ngày giữa tháng Giêng, đi khắp các tuyến đường chính của quận Bình Thủy đều cảm nhận được không khí hướng về Lễ giỗ cụ Thủ khoa với những băng-rôn, pa-nô, cờ, phướn... được trang trí rực rỡ. Tuyến đường Huỳnh Mẫn Đạt dẫn vào Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa rợp bóng cờ hoa, tạo không khí trang trọng cho Lễ giỗ.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: UBND quận Bình Thủy cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ đã ban hành kế hoạch tổ chức Lễ giỗ cụ Thủ khoa từ sớm, nhằm để phân công chuẩn bị Lễ giỗ diễn ra trang trọng, thu hút người dân và du khách tham gia. Cụ thể, Lễ giỗ diễn ra trong 2 ngày, 19 và 20 tháng Giêng (âm lịch), với phần lễ và hoạt động trưng bày trái cây nghệ thuật. Công tác thông tin, tuyên truyền về Lễ giỗ được thực hiện qua cổ động trực quan, các phương tiện thông tin đại chúng...
Ông Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng Ban Quản lý Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, cho biết: Phần nghi lễ trong Lễ giỗ lần thứ 151 của cụ Thủ khoa có 2 hoạt động là cúng Tiên thường vào sáng 19 tháng Giêng và cúng Chánh Giỗ vào sáng 20 tháng Giêng. Cúng Chánh Giỗ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, có nhạc lễ, học trò lễ, hương văn... đảm bảo trang trọng, thành kính.
Sự quan tâm của quận Bình Thủy trong việc tổ chức Lễ giỗ cụ Thủ khoa hằng năm cũng là minh chứng cho nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cho thế hệ hôm nay và mai sau. Các hoạt động trong Lễ giỗ đã góp phần tôn vinh tài đức của “Rồng Vàng” đất Nam Bộ.
* * *
Tên danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa còn được chọn đặt tên cho phường, trường THPT, đường, quỹ khuyến học... của quận Bình Thủy. Ngoài ra, quận Bình Thủy cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia - Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (hiện nay gọi là Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa). Lễ giỗ năm 2023 cũng đánh dấu chặng đường 10 năm khu tưởng niệm chính thức đi vào hoạt động, phục vụ du khách. Một thập niên qua, khu tưởng niệm đã trở thành điểm đến ý nghĩa và nhân văn với du khách gần xa khi đến với Cần Thơ. Quận Bình Thủy đã thành lập Ban Quản lý Khu tưởng niệm và hoạt động rất hiệu quả. Ông Nguyễn Thanh Hùng cho biết: Khu tưởng niệm được mở cửa hằng ngày để phục vụ khách tham quan, lễ bái và có người trực thường xuyên để hướng dẫn khách đến tham quan, cúng lễ. Khi khách có nhu cầu nghe thuyết minh về di tích thì cũng có thuyết minh viên tại điểm sẵn sàng phục vụ. Ban Quản lý Khu tưởng niệm luôn cố gắng để cuộc đời, sự nghiệp văn chương và những cống hiến của cụ Thủ khoa cho quê hương, đất nước để nhiều người biết hơn nữa.
Cổng chính Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa.
Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cùng với các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa rất được quan tâm. Năm 2020, Khu tưởng niệm đã được tu bổ với kinh phí 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia. Năm 2021, quận cũng đã kêu gọi xã hội hóa để sơn toàn bộ các hạng mục của Khu tưởng niệm với kinh phí khoảng 500 triệu đồng. Việc quản lý, vận hành Khu tưởng niệm được Ban Quản lý thực hiện tốt.
Theo thống kê năm 2022, Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa đã đón và phục vụ khoảng 5.000 lượt khách tham quan, lễ bái. Việc quảng bá về Khu tưởng niệm được thực hiện qua ấn phẩm; kết hợp các tour, tuyến du lịch; chương trình “Tìm về di sản” do ngành Văn hóa và ngành Giáo dục thành phố phối hợp thực hiện...
Bà Phạm Anh Đào, Phó Chủ tịch UBND phường Bùi Hữu Nghĩa, chia sẻ: “Tự hào phường mang tên danh nhân văn hóa Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, lãnh đạo phường rất quan tâm đến công tác giáo dục truyền thống cho người dân và thế hệ trẻ về cuộc đời và sự nghiệp cụ Thủ khoa”. Đảng ủy phường Bùi Hữu Nghĩa còn đưa nội dung tuyên truyền về cuộc đời và sự nghiệp Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa vào sinh hoạt lệ của các chi, đảng bộ trực thuộc. Được biết, phường Bùi Hữu Nghĩa cũng rất có trách nhiệm trong chung tay phối hợp tổ chức Lễ giỗ hằng năm.
* * *
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh năm 1807, tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) trong một gia đình ngư dân nghèo. Từ nhỏ, nho sinh Bùi Hữu Nghĩa đã tỏ rõ trí thông minh, chí ham học, sau đó lên Biên Hòa theo học cụ Đồ Hoành. Tại đây, nho sinh Bùi Hữu Nghĩa ở trọ tại nhà cụ Nguyễn Văn Lý để đi học. Sau thời gian dùi mài kinh sử, nho sinh Bùi Hữu Nghĩa tham gia kỳ thi Hương năm Ất Mùi (1835) ở Gia Định và đỗ đầu, từ đó thường được gọi là Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hay Thủ khoa Nghĩa. Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa kết hôn với bà Nguyễn Thị Tồn là con gái đầu của cụ Nguyễn Văn Lý.
Sau khi đỗ thủ khoa, cụ được triều đình bổ làm Tri huyện Phước Chánh (phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa) và sau đó điều về làm Tri huyện Trà Vang (nay thuộc tỉnh Trà Vinh). Tại đây, vì bênh vực dân nghèo trong một vụ án ở rạch Láng Thé, cụ bị bọn tham quan, cường hào hãm hại, vu oan tội xúi dân làm loạn, chủ mưu giết người. Triều đình phán cụ Thủ khoa tội tử. Bà Nguyễn Thị Tồn đã lặn lội ra kinh đô Huế kêu oan cho chồng. Nhờ đó, cụ Thủ khoa được vua Tự Đức tha tội tử nhưng “quân tiền hiệu lực, đoái tội lập công” (ra mặt trận đánh giặc, lấy công chuộc tội). Do vậy, cụ Thủ khoa được đưa đi trấn nhậm đồn Vĩnh Thông (Châu Đốc). Về sau, vì chán cảnh quan trường, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa cáo quan, về quê ở làng Long Tuyền - Cần Thơ sống cảnh thanh bần, dạy học, làm thơ, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Cụ lâm bệnh rồi qua đời tại quê nhà vào năm Nhâm Thân 1872, thọ 65 tuổi.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa suốt cuộc đời vì dân, vì nước, sống đời thanh liêm, can trường nên được nhân dân quý trọng. Cụ còn được nhắc nhớ muôn đời với tài năng văn chương sáng chói, là “Rồng Vàng” của đất Nam Bộ. Các áng văn, thơ của cụ thể hiện tinh thần yêu nước, chống xâm lược, chống áp bức, bất công, giàu tình yêu thương. Đặc biệt, trong thời gian trấn nhậm đồn Vĩnh Thông, cụ đã viết bổn tuồng “Kim Thạch kỳ duyên” (mối tình kỳ lạ, đầy sóng gió của chàng Kim Ngọc và nàng Thạch Vô Hà). Đây được xem là một trong những bổn tuồng cổ xưa nhất của nước ta và cũng là bổn tuồng đầu tiên được dịch ra tiếng Pháp. Do vậy, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa ngoài là nhà thơ tên tuổi còn là một trong những người khai phá nghệ thuật tuồng Việt Nam.
Bài, ảnh: Đặng Vĩnh Lộc