Vang vọng lời thề danh dự

Chủ nhật - 05/02/2023 21:42 320 0
Giữa trùng khơi, những người lính nhà giàn nghiêm trang đứng dưới cờ Tổ quốc đọc 10 lời thề danh dự. Họ sẵn sàng hy sinh, quyết tâm giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc

Tại nhà giàn DK1/10 trên bãi cạn Cà Mau, tỉnh Cà Mau, 7 giờ mùng 1 Tết Quý Mão, cán bộ, chiến sĩ làm lễ chào cờ đầu năm mới. Đây là thông lệ thường niên mỗi khi Tết đến xuân về. Những chiến sĩ tuổi mười chín, đôi mươi; những sĩ quan đeo hàm trung úy, thiếu tá trong quân phục chỉnh tề nghiêm trang trước cờ Tổ quốc.

Như Tổ quốc đang gọi tên mình

Sau khi tập hợp và chỉnh đốn quân phục, thiếu tá Lâm Văn Hiến, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, ngước nhìn cờ Tổ quốc, dõng dạc hô: "Nghiêm. Chào cờ… chào. Quốc ca!".

Sau lời Quốc ca đanh thép vang vọng giữa trùng khơi, thiếu tá Hiến ra lệnh: "Trung úy - quân nhân chuyên nghiệp Đặng Văn Tiến, ra khỏi hàng, lên vị trí đọc 10 lời thề danh dự của quân nhân". "Rõ" - trung úy Tiến đáp lệnh.

"Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: "Một: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội…". Giọng Trung úy Đặng Văn Tiến vừa dứt, các chiến sĩ đồng thanh hô lớn: "Xin thề".

Thẳm sâu trong những đôi mắt của bộ đội nhà giàn DK1/10 là tình yêu dành cho biển, đảo. Xúc động xen lẫn tự hào, hạ sĩ Phan Tuấn Anh (nhà giàn DK1/10) chia sẻ: "Lần đầu tiên trong đời lính, em đứng chào cờ Tổ quốc giữa biển khơi. Cảm xúc thiêng liêng vô cùng".

Người trực tiếp đọc 10 lời thề đầu năm mới ở nhà giàn DK1/10, trung úy Đặng Văn Tiến xúc động: "Chào cờ Tổ quốc trước khi đón mùa xuân mới được tiến hành hằng năm ở các nhà giàn DK1 là lễ chào cờ thiêng liêng nhất để triển khai nhiệm vụ giữ vững chủ quyền trong mọi tình huống. Khi nghe Quốc ca hoặc 10 lời thề danh dự, ai cũng cảm xúc rưng rưng như Tổ quốc đang gọi tên mình. Chào cờ ở đất liền đã thiêng liêng, chào cờ ở nơi tuyến đầu Tổ quốc còn thiêng liêng bội phần. Từng chữ, từng câu như thấm vào máu thịt".

Lễ chào cờ Tổ quốc ở nhà giàn DK1 Ảnh: Trần Anh.

Các chiến sĩ trẻ lần đầu tiên kéo cờ Tổ quốc giữa biển khơi

Tự hào và kiêu hãnh

Cũng thời điểm này, tại nhà giàn DK1/15, lễ chào cờ đầu năm mới diễn ra trang trọng ngay trên sân thượng của nhà giàn.

Đại úy - quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Tưởng trong quân phục màu trắng dõng dạc đọc lời thề thứ ba: "Không ngừng nâng cao tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa, tinh thần quốc tế vô sản, rèn luyện ý chí chiến đấu kiên quyết và bền bỉ, thắng không kiêu, bại không nản, dù gian lao khổ hạnh cũng không sờn lòng, vào sống ra chết cũng không nản chí. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề".

Trong ánh bình minh của ngày đầu xuân mới, tất cả hướng mắt lên lá cờ đỏ sao vàng. Đó là hình ảnh thật đẹp, tự hào và kiêu hãnh, bởi trên vai họ đang mang một sứ mệnh vô cùng lớn lao: Bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhà giàn DK1/15 là một trong 15 "pháo đài thép" trong hệ thống nhà giàn DK1 hiện nay của Vùng 2 Hải quân. Nơi vùng biển này, trước năm 1998, có nhà giàn Phúc Nguyên 2A (DK1/2). Đây là nhà giàn bị cơn bão Fathes đánh sập vào rạng sáng 13-12-1998. Ba cán bộ, chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Và bao giờ cũng vậy, theo thông lệ của những người đi biển, mỗi lần tàu đi qua vùng biển Phúc Nguyên đều dừng lại làm lễ dâng hương, thả hoa tưởng niệm các liệt sĩ nhà giàn đã hy sinh trên thềm lục địa của Tổ quốc.

Mặc dù đã "gác súng", song những ngày ở nhà giàn DK1 đối với ông Hoàng Văn Thủy, nguyên chiến sĩ báo vụ số 2 của nhà giàn Phúc Nguyên 2A, mãi mãi là những ngày đẹp nhất trong đời lính. Ông Thủy quê ở huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, hiện sống ở phường 8, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông tâm sự: "Sự kiện nhà giàn Phúc Nguyên 2A bị bão tố đánh sập khiến 3 đồng đội của tôi hy sinh thật quá đau thương. Những người lính biển như chúng tôi biết điều gì xảy ra khi đối mặt với sóng to gió lớn. Ra nhà giàn cũng như vào chiến trận. Dù không có đạn bom nhưng sự gian khổ, hy sinh chẳng khác gì thời chiến".

Thượng tá Nghiêm Xuân Thái - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 - cho biết kể từ khi nhà nước thành lập Cụm Kinh tế khoa học dịch vụ (gọi tắt DK1) trên thềm lục địa phía Nam (ngày 5-7-1989), các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Vùng 2 Hải quân, trực tiếp là Tiểu đoàn DK1 - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại tình cảm riêng tư của tuổi trẻ để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn, chấp nhận muôn vàn khó khăn, gian khổ. Dù Đảng, Nhà nước, quân đội, Quân chủng Hải quân và nhân dân cả nước hết sức quan tâm nhưng vào các năm 1990, 1998, khí hậu khắc nghiệt, sự tàn phá khủng khiếp của bão tố đại dương đã làm đổ một số nhà giàn. "Vào thời khắc giữa cái sống và cái chết, các anh đã thể hiện rõ bản lĩnh vững vàng, lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, bám trụ đến cùng, chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc như lời thề danh dự của người lính. Gương hy sinh của các anh đã trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ hải quân trong thời kỳ mới" - thượng tá Thái nhấn mạnh.

Ở đâu gian khổ, khó khăn, ở đó vinh quang và kiêu hãnh nhiều nhất. Chiến tranh hay thời bình, vất vả, gian lao bao giờ cũng đặt lên vai người lính. Đó là sứ mệnh thiêng liêng, là lời thề danh dự không bao giờ được xao lãng! 

Theo MAI THẮNG (Báo Người Lao động)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây