"Xanh hóa" và ước mong gần với đất liền của huyện đảo Trường Sa

Thứ tư - 01/02/2023 12:51 267 0
Tết trồng cây là hoạt động quen thuộc ở đất liền mỗi dịp Tết đến Xuân về còn ở huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), trồng cây, tăng gia rau xanh lại là một trong những nhiệm vụ chính trị của quân và dân huyện đảo. Nhiệm vụ trọng tâm này được cán bộ, chiến sỹ và người dân trên các đảo triển khai hàng ngày.

 

Vườn rau tăng gia của các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Ngọc Đức/TTXVN

Đến các đảo thuộc quần đảo Trường Sa hiện nay, bên cạnh công trình xây dựng, thiết chế văn hóa, ai cũng không khỏi ngạc nhiên trước màu xanh của cây lá. Đó không chỉ là các cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba, cây bão táp... mà còn là những khoảnh rau xanh mơn mởn, mùa nào thức ấy, đáp ứng nhu cầu của bộ đội và người dân.

Đưa chúng tôi đi một vòng quanh đảo, Thượng tá Phạm Thế Nhương, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa cho biết, trồng được một cây xanh ở trên đảo mất nhiều công sức, không phải cứ trồng là sống. Không chỉ là bón phân, tưới nước mà còn phải bảo vệ, che chắn trước sóng gió, nước mặn, tránh khô héo lá, đất bị cằn đi. Thế nên có thể nói rằng chăm sóc một cây xanh trên đảo là nghệ thuật, còn chiến sỹ chăm sóc được coi là nghệ nhân.

Thượng tá Nguyễn Đình Dũng, Chỉ huy trưởng đảo Đá Tây cho biết, việc phủ xanh đảo luôn được cán bộ, chiến sỹ quyết tâm thực hiện. Sau thời gian nghiên cứu, trồng thử nghiệm các loại cây gửi từ đất liền, đảo quyết định trồng cây phi lao, tre, dừa và thấy hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Các cán bộ, chiến sỹ đã tận dụng nguồn nước ngọt và nước lợ để tưới cho cây. Vì vậy, hiện nay, Đá Tây được phủ kín một màu xanh, nhìn từ xa như cây nấm xanh khổng lồ giữa biển khơi.

Trên đảo Phan Vinh, việc thuần hóa cây dừa để có thêm màu xanh cho đảo được các bộ, chiến sỹ quyết tâm thực hiện. Vốn là loại cây không chịu được khí hậu khắc nghiệt ở Trường Sa nhưng cán bộ, chiến sỹ đã học tập kinh nghiệm từ một số anh em ra đảo trước, nhất là người từng công tác ở Nam Yết - đảo được mệnh danh đảo dừa nên việc chăm sóc thuận lợi hơn.

Cũng với ý chí quyết tâm đó, sau nhiều năm tạo dựng, các đảo như Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết... đã phủ một màu xanh ngút ngàn, tươi mát, đầy sức sống, thay thế hình ảnh khô cằn, khắc nghiệt của những hòn đảo các năm về trước, nhất là khi bão số 9 tháng 12/2021, có hơn 90% cây xanh gãy, đổ, đất bị nhiễm mặn, một số đảo không còn màu xanh.

Giữa biển khơi chỉ có hai mùa mưa nắng nhưng bất chấp sự khắc nghiệt của thời tiết, những “công viên xanh” ngày càng được mở rộng, bao phủ đảo chìm, đảo nổi. Có được màu xanh quý giá ấy, bên cạnh sự hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cá nhân... sự nỗ lực của quân và dân huyện đảo Trường Sa là rất lớn.

Thượng tá Lương Xuân Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Lữ đoàn 146 chia sẻ, chỉ tính 5 năm trở lại đây, đất liền đã ủng hộ quân và dân huyện đảo Trường Sa hơn 34.000 cây xanh các loại, chưa kể hàng trăm tấn đất, hàng chục tấn phân bón, giống cây, hàng chục vườn ươm của mô hình “Vì Trường Sa xanh” của quân dân Trường Sa để quần đảo phát triển bền vững hơn. Thay vì phụ thuộc vào cây xanh nguồn gốc tự nhiên trên đảo như phong ba, mù u, bàng vuông, hiện nay, các đảo đều được quy hoạch trồng mới các loại cây xanh như dừa Bến Tre, Bình Định, phi lao, tre, keo bạch đàn... Đây là những loại cây xanh sau nhiều năm phát triển có thể khai thác phục vụ đời sống, sinh hoạt, huấn luyện của quân dân trên đảo.

Cũng trong năm 2022, Quân chủng, Vùng 4 và Lữ đoàn 146 huy động doanh nghiệp, địa phương ủng hộ xây dựng 13 vườn rau, nhà lưới ở đảo nổi và đầu tư củng cố hàng chục vườn rau tại các đảo chìm. Riêng 2 vườn rau nhà lưới tại đảo Sinh Tồn Đông và Trường Sa Đông với diện tích 240 m2 do Viện Nông nghiệp miền Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ mở ra ý tưởng mới về công nghệ trồng rau nhà kính, bảo đảm nguồn rau xanh quanh năm ở Trường Sa thời gian tới.

“Xanh hóa” Trường Sa không phải là việc dễ dàng. Mặc dù đã có sự chung tay của đất liền, quân dân trên đảo nhưng so với nhu cầu hiện nay, việc đầu tư để Trường Sa phát triển bền vững rất cần nguồn lực lớn, cả trước mắt và lâu dài. Chỉ riêng 5 năm qua đã có gần 35.000 cây xanh các địa phương, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, tuy nhiên so với nhu cầu phủ xanh quần đảo chỉ mới đáp ứng được khoảng hơn 45%.

Tại buổi lễ tiếp nhận 200 tấn phân bón của Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau tặng Trường Sa trị giá 1,8 tỷ đồng mới đây, Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đình Hùng, Tư lệnh Vùng 4 khẳng định, đây không chỉ là tấm lòng của 10.000 cán bộ, nhân viên Công ty mà còn là thông điệp có ý nghĩa khi “Hạt ngọc mùa vàng” đã vượt ra ngoài phạm vi đồng lúa, nương rau ở quê hương, vượt biển đem đến màu xanh, “mùa vàng bội thu” cho quân dân ở nơi đầu sóng.

Một mùa xuân mới đã về với quân và dân huyện đảo Trường Sa. Ở nơi biển đảo đó, những mầm xanh đang trỗi dậy, vươn lên trong nắng xuân. Đó cũng chính là biểu tượng của ý chí, lòng dũng cảm, nỗ lực vượt khó, thích nghi với mọi hoàn cảnh của quân và dân. Khát vọng “xanh hóa” và ước mong Trường Sa ngày càng gần với đất liền vẫn luôn là niềm trăn trở cần có sự chung tay tiếp sức của các bộ, ngành, nhà hảo tâm và nhân dân cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài để có một Trường Sa xanh thắm, yên bình giữa nắng gió biển khơi.

Theo Nguyễn Cúc/TTXVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây