Ðô thị TP Cần Thơ ngày càng văn minh, hiện đại.
Trang sử hào hùng
Theo Lịch sử Ðảng bộ TP Cần Thơ tập 1 (1929-1945), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật (năm 2019), ngày 22-8-1945, Tỉnh ủy Cần Thơ họp nghiên cứu nghị quyết của Xứ ủy và vạch kế hoạch cướp chính quyền trong tỉnh. Tin khởi nghĩa thắng lợi ở các nơi liên tiếp dội về, đặc biệt là sau cuộc khởi nghĩa thành công ở Sài Gòn, Tỉnh ủy Cần Thơ triệu tập cuộc họp bất thường, quyết định cử một phái đoàn gồm đồng chí Trần Ngọc Quế, ông Nguyễn Thượng Tư (thay mặt Thanh niên tiền phong), ông Huỳnh Cẩm Chương (trí thức yêu nước) làm phiên dịch đến gặp Sato - Chỉ huy Sở Hiến binh Nhật, báo cho hắn biết ngày 26-8 sẽ có cuộc mít tinh lớn ở thị xã Cần Thơ.
Không để mất thời cơ, Tỉnh ủy quyết định dùng sức mạnh của quần chúng áp đảo, biến cuộc mít tinh ngày 26-8 thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Cần Thơ và các địa phương trong tỉnh. Sáng sớm ngày 26-8, trên 20.000 đồng bào trong thị xã và các quận Ô Môn, Châu Thành, Phụng Hiệp… xếp thành từng đoàn giương cao băng rôn, khẩu hiệu, kéo về tập trung tại sân banh Cần Thơ (nay là Hội trường Thành ủy Cần Thơ). Trước lễ đài treo tấm băng rôn lớn “Chính quyền về tay nhân dân!”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm!”. Ðúng 6 giờ sáng, trên lễ đài Ủy ban giải phóng dân tộc (UBGPDT) tỉnh ra mắt nhân dân, đồng chí Huỳnh Phan Hộ thay mặt Ủy ban đọc lời hiệu triệu của UBGPDT tỉnh và kêu gọi đồng bào một lòng đoàn kết, giành lấy chính quyền.
Cuộc mít tinh kết thúc trong tiếng hoan hô vang dậy, sau đó quần chúng được tổ chức thành từng khối, có lực lượng tự vệ vũ trang và xung phong đội hỗ trợ xuống đường biểu tình khắp các ngả đường trong thị xã để biểu dương lực lượng, cuối cùng tập trung tại Dinh xã Tây. Trước khí thế quật khởi vũ trang khởi nghĩa của quần chúng, Tỉnh trưởng Lưu Văn Tào buộc phải giao chính quyền cho đại diện UBGPDT tỉnh và tuyên bố giải tán chính quyền bù nhìn trong toàn tỉnh. Ðồng chí Trần Ngọc Quế, Chủ tịch UBGPDT tỉnh long trọng tuyên bố chính quyền đã về tay nhân dân, kêu gọi toàn thể đồng bào đoàn kết cùng chính quyền cách mạng giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc. Sau đó, các đồng chí trong UBGPDT tỉnh chia nhau đi tiếp quản các cơ quan hành chính, kinh tế, văn hóa, ngân hàng, kho bạc… ở thị xã.
Trong vòng 2 ngày, 26 và 27-8, dưới sự lãnh đạo của Ðảng bộ, nhân dân trong tỉnh ào ạt giành chính quyền về tay nhân dân và thành lập chính quyền cách mạng. Ngày 28-8, UBGPDT tỉnh ra quyết định thành lập UBND tỉnh Cần Thơ do đồng chí Trần Văn Khéo làm Chủ tịch. Hoàn thành nhiệm vụ cướp chính quyền địch, xây dựng chính quyền cách mạng, Ðảng bộ và nhân dân tỉnh Cần Thơ rất tự hào đã góp phần cùng cả nước làm nên cuộc CMTT thành công, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 2-9-1945.
Viết tiếp trang sử trong giai đoạn mới
Thời gian đã lùi xa, song khí thế cuộc CMTT, sự kiện thành lập nước ngày 2-9 vẫn mãi là niềm tự hào, động lực để Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Cần Thơ không ngừng vươn lên, viết tiếp những trang sử tươi đẹp trong thời kỳ mới. Ðặc biệt, từ khi chia tách địa giới hành chính trực thuộc Trung ương (năm 2004) đến nay, TP Cần Thơ có bước phát triển vượt bậc, từng bước khẳng định vị trí trung tâm động lực phát triển của vùng ÐBSCL trên nhiều lĩnh vực.
Phường Long Tuyền (quận Bình Thủy), vùng quê giàu truyền thống cách mạng, hôm nay đã đổi mới, giàu đẹp. Ðồng chí Phạm Tuấn Nhã, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch UBND phường, chia sẻ: “Truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương luôn là điểm tựa để ngày nay Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân chung sức, đồng lòng dựng xây Long Tuyền phát triển”. Cùng chúng tôi tham quan các công trình được xây dựng, các mô hình kinh tế hiệu quả, đồng chí Phạm Tuấn Nhã cho biết, đến nay, tất cả đường giao thông cơ bản đều được láng nhựa, tráng bê tông; 100% hộ sử dụng điện an toàn và nước sạch hợp vệ sinh, 5/5 trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia; phường chỉ còn 24 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,34%...
Truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương là điểm tựa để những thế hệ người con của quê hương xã Ðịnh Môn (huyện Thới Lai) chung sức, đồng lòng dựng xây, phát triển quê hương. Nhiều năm qua, bên cạnh vận dụng linh hoạt các cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, xã đã tập trung huy động tốt nguồn lực trong dân để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn theo đúng phương châm “lấy sức dân để lo cho dân”. Năm 2017, xã đạt chuẩn văn hóa - nông thôn mới. Năm 2020, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và đang phấn đấu để là đơn vị đầu tiên của TP Cần Thơ đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào cuối năm 2022. “Nhờ xây dựng nông thôn mới, đến nay 4/4 trường học và trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Tất cả đường liên ấp rộng 4m, 100% hộ dân sử dụng điện an toàn; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt hơn 70 triệu đồng, xã không còn hộ nghèo; chất lượng giáo dục được nâng lên...” - đồng chí Nguyễn Văn Thưa, Bí thư Ðảng ủy xã, cho biết.
Lịch sử hào hùng và những trang sử vàng son đã và đang trở thành sức mạnh nội sinh giúp Ðảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Theo đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, từ khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, kinh tế thành phố luôn tăng trưởng ở mức cao. Riêng giai đoạn 2015-2020, kinh tế thành phố tăng trưởng bình quân 7,53%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tăng trưởng kinh tế thành phố đạt 8,04% so với cùng kỳ, đứng thứ 2 so với 5 thành phố trực thuộc Trung ương và thứ 2 so với các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL. Thành phố từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ, giao thông vận tải, giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ; có 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; 335/446 trường học đạt chuẩn quốc gia...
Ðồng chí Trần Việt Trường cho biết, năm nay, các cấp, các ngành và nhân dân thành phố kỷ niệm 77 năm CMTT và Quốc khánh 2-9 trong niềm vui thực hiện Nghị quyết số 59 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 45 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ đạt những kết quả bước đầu tích cực. Trung tâm Nghiên cứu giống lúa khu vực ASEAN; Ðề án thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo TP Cần Thơ; Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Ðề án “Xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2021-2025”; Khu Công nghệ thông tin tập trung tại TP Cần Thơ; Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc tế cấp vùng; Ðề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến 2030 trên địa bàn TP Cần Thơ; Chương trình Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số cho TP Cần Thơ giai đoạn 2021-2030; Ðề án thành lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại Cần Thơ; các tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng... đã và đang được thành phố phối hợp các bộ, ngành thực hiện có hiệu quả. “Ðây là thời cơ, tiền đề quan trọng, tạo điều kiện để thành phố khai thác hiệu quả các tiềm năng và thế mạnh, đưa thành phố phát triển lên tầm cao mới, toàn diện hơn” - đồng chí Trần Việt Trường khẳng định.
Bài, ảnh: Phương Thảo