Một số kết quả “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ở thành phố Cần Thơ

Thứ sáu - 02/09/2022 12:51 319 0
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, thành phố Cần Thơ đã triển khai thực hiện tương đối toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Nghị quyết. Trong đó, có một số kết quả nổi bật, như:
Một số kết quả “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” ở thành phố Cần Thơ
Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ở thành phố Cần Thơ. Trong ảnh: Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tốt nghiệp ra trường. Ảnh: PV.

Một là, công tác tổ chức học tập quán triệt, triển khai, thực hiện Nghị quyết được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố luôn quan tâm thực hiện. Từ đó, góp phần giúp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã phát huy tinh thần trách nhiệm, chủ động triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, tổ chức thực hiện Nghị quyết. Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW và Kết luận số 52-KL/TW, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 44-CTr/TU ngày 01/10/2008 thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Trên cơ sở đó, Hội Đồng nhân dân, Ủy Ban nhân dân thành phố đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản trong việc đào tạo, đãi ngộ nhằm tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức thành phố; tạo được hành lang pháp lý để đội ngũ trí thức thành phố ra sức cống hiến, đóng góp trí tuệ của mình cho sự phát triển của thành phố. Cụ thể: Nghị quyết số 10/2010/NQ-HĐND ngày 25/6/2010 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ; Quyết định số 44/2010/QĐ-UBND ngày 26/11/2010 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định thực hiện chính sách khuyến khích, hỗ trợ nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 17/2014/NQ-HĐND ngày 05/12/2014 của Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ; Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 10/3/2015 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành quy định thực hiện chính sách thu hút, hỗ trợ khuyến khích nguồn nhân lực của thành phố Cần Thơ giai đoạn 2015 - 2020.

Ba là, về chất lượng, số lượng đội ngũ trí thức thành phố:

- Tính đến 6 tháng đầu năm 2022 thành phố có 18.466 cán bộ công chức, viên chức, trong đó: (1) Về trình độ chuyên môn thành phố có 170 cán bộ công chức, viên chức có trình độ tiến sĩ (có 01 Phó giáo sư, tăng hơn 17% so với giai đoạn 2008 - 2017); 2.058 cán bộ công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ (giảm 6,7% so với giai đoạn 2008 - 2017); 12.187 cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học (giảm 41,7% so với giai đoạn 2008 - 2017); 2.310 cán bộ công chức, viên chức có trình độ cao đẳng (giảm 82,82% so với giai đoạn 2008 - 2017), còn lại trình độ trung cấp và trình độ khác có 1.741 cán bộ công chức, viên chức. (2) Về trình độ chính trị thành phố có 1.507 người có trình độ cao cấp, cử nhân (giảm 3% so với giai đoạn 2008 - 2017); 5.621 người có trình độ trung cấp (giảm 3% so với giai đoạn 2008 - 2017); 3.675 người có trình độ sơ cấp (giảm 89,6% so với giai đoạn 2008 - 2017). Theo thống kê số liệu, đội ngũ trí thức là cán bộ công chức, viên chức có trình độ từ thạc sĩ trở xuống có xu hướng giảm, phù hợp với quá trình thành phố thực hiện việc sắp xếp, tinh giảm bộ máy, biên chế theo quy định của Trung ương. Song chất lượng đội ngũ trí thức là cán bộ công chức, viên chức vẫn được đảm bảo, ngày càng được chuẩn hóa theo vị trí công tác, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế xã hội của thành phố; sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công - nông - trí tiếp tục được củng cố vững chắc.

- Về mạng lưới trường đại học, cao đẳng được hình thành theo quy hoạch chung của thành phố; đáp ứng nhu cầu đào tạo cho địa phương và các tỉnh thành trong khu vực. Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện có 05 trường đại học, với tổng số 3.926 cán bộ, giảng viên và người lao động. Trong đó, có 21 Giáo sư (tăng 31,25% so với năm 2017), 206 Phó Giáo sư (tăng 29,55% so với năm 2017), 760 tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II (tăng 25% so với năm 2017), 1995 thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I (tăng 7% so với năm 2017), còn lại trình độ khác. Đặc biệt, thành phố cũng có 01 nhà khoa học nữ đã vinh hạnh nhận Giải thưởng Kovalevskaia và 02 nhà khoa học đã  được tôn vinh là trí thức thức khoa học và công nghệ tiêu biểu của cả nước; Thành phố Cần Thơ cũng đã tổ chức Tôn vinh 34 trí thức tiêu biểu. Ngoài ra, trên địa bàn còn có 13 trường cao đẳng và 08 trường trung cấp, với đội ngũ cán bộ có chất lượng, với tổng số 985 cán bộ, giảng viên, giáo viên và người lao động; trong đó, có 22 tiến sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II, 461 thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa I, 369 đại học và trình độ khác chỉ chiếm 12,5%. Cùng với đó, Trung ương đã hỗ trợ thành phố xây dựng trường Đại học Cần Thơ thành trường đại học trọng điểm quốc gia theo hướng đa ngành, phát triển trường Đại học Y dược đào tạo cán bộ y tế; cũng như việc Cần Thơ tự chủ trong nâng cấp Trung tâm đại học tại chức Cần Thơ thành trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ; thành phố cũng tạo điều kiện để mở rộng các đại học tư như Đại học Tây Đô, Đại học Nam Cần Thơ; đồng thời, nâng cấp một số trường trung cấp thành trường cao đẳng như: Cao đẳng Du lịch Cần Thơ, Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật thành phố; khuyến khích các thành phần kinh tế hình thành nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục, dạy nghề; mở thêm các trường Trung cấp Mekong, trung cấp Phạm Ngọc Thạch...

- Vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức được nâng cao và không ngừng được củng cố, tăng cường về số lượng, chất lượng từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chung của thành phố. Các cấp ủy đảng, chính quyền đã quan tâm chỉ đạo làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, trí thức. Nhìn chung, cán bộ sau đào tạo, bồi dưỡng chất lượng được nâng lên, đặc biệt là trình độ về chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân công, bố trí, sắp xếp cán bộ, đồng thời để cán bộ được trưởng thành, tham gia cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể.

- Thời gian qua, đội ngũ các nhà khoa học tại thành phố Cần Thơ tương đối đồng đều, đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, đảm bảo đủ năng lực chất lượng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố (Tính đến năm 2021, thành phố có hơn 1.198 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đang tiến hành, 557 nhiệm vụ được nghiệm thu, 279 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống và với hơn 1.250 lượt nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng…). Từ năm 2012 đến nay, thành phố Cần Thơ có 81 đơn đăng ký sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận và 19 văn bằng bảo hộ sáng chế được cấp mới, số đơn sáng chế tăng 4,3 lần và số văn bằng bảo hộ sáng chế tăng 5,4 lần so với giai đoạn trước.

- Một lĩnh vực rất quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển xã hội và con người là văn học nghệ thuật, đã được Đảng rất quan tâm tới vai trò của trí thức văn nghệ sĩ. Đảng đã luôn nhắc nhở đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo, đổi mới tư duy, trau dồi phẩm chất đạo đức, nhân cách, lối sống, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, để từ đó có những tác phẩm mới có giá trị góp phần làm giàu kho tàng văn học nghệ thuật nước nhà, giao lưu quốc tế trong thời hội nhập toàn cầu, hướng con người tới Chân, Thiện, Mỹ, chống lại mọi biểu hiện về cái xấu, cái ác, tham nhũng, tiêu cực…

Bốn là, nhiều hoạt động liên quan đến trí thức được thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả, như:

- Thành lập và triển khai vận động, sử dụng hiệu quả Quỹ khuyến học, khuyến tài, kịp thời khen thưởng, biểu dương học sinh, giáo viên giỏi đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, cấp thành phố, học sinh đạt thủ khoa kỳ thi THPT, thủ khoa ngành, các trường đại học và học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

- Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng hàng năm. Các cuộc thi, hội thi đã huy động đông đảo lực lượng tham gia hoạt động sáng tạo kỹ thuật, nhiều mô hình có tính sáng tạo và hiệu quả kinh tế xã hội cao, có giá trị, khơi dậy tiềm năng sáng tạo trong cuộc sống, lao động và học tập của mọi lứa tuổi, thu hút gần 5.700 giải pháp tham gia. Trong đó có 02 giải pháp đạt giải WIPO (giải thưởng sở hữu trí tuệ thế giới), 36 giải pháp Hội thi và Cuộc thi đạt giải cấp quốc gia, trong đó 02 giải Đặc biệt và 02 giải Nhất, nhiều Giải Ba và giải Khuyến khích. Đề cử và được vinh danh 07 giải pháp đạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật vào Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2018, 2019 và 2020.

- Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội được củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động; làm tốt vai trò nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao trong tập hợp, đoàn kết ngày càng đông đảo và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ thành phố, các Viện, Trường; tăng cường mối quan hệ giữa trí thức khoa học và công nghệ với Đảng và Nhà nước; thực hiện công tác giáo dục chính trị tư tưởng giúp trí thức khoa học và công nghệ nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình đối với đất nước.

Năm là, vai trò tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội được quan tâm và đạt hiệu quả hơn; việc huy động nguồn nhân lực trong và ngoài thành phố để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Các chuyên gia, nhà khoa học đã có những đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, giải quyết các vấn đề phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và vùng đồng bằng Sông Cửu Long.

 Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế sau: (1) Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của các cấp ủy đảng, chính quyền có nhiều lúng túng; chưa đánh giá đúng vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức trong phát triển khoa học, công nghệ, giáo dục và văn hóa. (2) Chậm thể chế hóa các Nghị quyết nhằm đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng tốt đội ngũ trí thức; việc xây dựng, sử dụng đội ngũ trí thức trên địa bàn thời gian qua còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu ở một số ngành và lĩnh vực có tính chất quyết định đến sự phát triển thành phố Cần Thơ. (3) Công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp trong triển khai thực hiện Nghị quyết chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ; vai trò tư vấn phản biện, giám định xã hội của các đoàn thể chính trị - xã hội còn hạn chế nên chưa huy động hết sự đóng góp của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành. (4) Các chính sách hỗ trợ cho đội ngũ trí thức chưa tương xứng nên chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc tại các đơn vị công lập.

 Để tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong thời gian tới, đề xuất thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

- Tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp về vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố, đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cùng với những thành tựu khoa học - kỹ thuật trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng thành phố thông minh, tăng trưởng xanh. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và toàn xã hội về đội ngũ trí thức.

- Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài từ đội ngũ trí thức, các chuyên gia đầu ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Phát huy vai trò của lực lượng trí thức, đặc biệt là trí thức, nhà khoa học trẻ đóng góp trí lực phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng.

- Xây dựng cơ chế đặc thù thực hiện tốt chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức. Tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, tạo môi trường, điều kiện hoạt động để trí thức nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến.

- Đổi mới, đa dạng phương thức vận động, kết nối, tổ chức tập hợp, phát huy trí tuệ đội ngũ trí thức từ các viện, trường, các tổ chức chính trị - xã hội, sở, ngành, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài có tâm huyết, khát vọng đóng góp cho phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của Thành phố.

- Xây dựng quy chế phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong tư vấn, phản biện, giám định đối với các chính sách, chương trình, dự án, đề án về phát triển kinh tế - xã hội; giáo dục - đào tạo; y tế; khoa học - công nghệ và môi trường có tính chất phức tạp, ưu tiên, trọng điểm hoặc đa ngành, do các cơ quan xây dựng thực hiện hoặc trình cấp trên phê duyệt.

- Kịp thời tôn vinh trí thức, nhà khoa học tiêu biểu, biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có những đóng góp tích cực cho sự phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, kinh tế - xã hội.

Tóm lại, việc triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã mang lại nhiều kết quả nổi bật đáp ứng sự mong đợi của đội ngũ trí thức, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Cần Thơ vui mừng vào ngày 05/08/2020 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 59-NQ/TW về “xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” lại càng yêu cầu cấp thiết hơn nữa về phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, khơi dậy khát vọng cống hiến, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long;… góp phần thực hiện thành công Nghị quyết đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phòng Khoa giáo
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây