Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9/1945-02/9/2022: Tuyên ngôn Độc lập – ngọn đuốc soi đường sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay

Thứ năm - 01/09/2022 10:39 189 0
Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước hàng vạn Nhân dân cả nước, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, trịnh trọng tuyên bố khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) - Nhà nước công - nông đầu tiên ở Châu Á. Tuyên ngôn Độc lập là một áng hùng văn bất hủ, một văn kiện lịch sử - chính trị - pháp lý đầu tiên của các dân tộc thuộc địa bị áp bức bóc lột trên toàn thế giới. Tuyên ngôn Độc lập chính là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay.
Kỷ niệm 77 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam 02/9/1945-02/9/2022: Tuyên ngôn Độc lập – ngọn đuốc soi đường sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay
Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh tư liệu.

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam suốt mấy nghìn năm đã minh chứng cùng với truyền thống yêu nước, đoàn kết, giá trị cốt lõi, xuyên suốt đó là nền độc lập dân tộc. Ngay từ thuở bình minh dựng nước, dân tộc ta phải chịu ách xâm lược của ngoại bang. Cho nên, để có được nền độc lập dân tộc, các thế hệ cha, ông luôn kiên cường đấu tranh chống kẻ thù xâm lược để giành và giữ nền độc lập dân tộc. Ý chí khát vọng độc lập, được thể hiện ở nhiều áng văn thơ, xem là những bản tuyên ngôn độc lập của dân tộc như: “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt; “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi. Đến “Tuyên ngôn Độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 02/9/1945 chính là sự tiếp tục và nâng tầm khát vọng và ý chí thiêng liêng ấy của dân tộc ta trong thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh.  

Trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Hồ Chí Minh đã khẳng định độc lập là quyền tất yếu của tất cả các dân tộc trên thế giới, “là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Đồng thời, Người khẳng định một cách đanh thép rằng, các thế lực đế quốc, phong kiến không có bất kỳ một lý do nào để chà đạp lên khát vọng thiêng liêng ấy của dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn những câu bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776: "Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc"1 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi"2. Rõ ràng là trong những năm bôn ba đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã được tiếp cận và nghiên cứu rất kỹ hai bản tuyên ngôn trên. Người đã tìm thấy trong các văn kiện quan trọng đó tư tưởng về quyền bình đẳng, quyền tự do. Chính điều này đã thực sự khiến Người chú ý và có ấn tượng sâu sắc.

Có một sự thật là, mặc dù đánh giá ý tưởng trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ là “bất hủ” và trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Quyền của công dân của nước Pháp là “những lẽ phải không ai chối cãi được”, nhưng Hồ Chí Minh không dừng lại ở đó, Người đã đi xa hơn với luận điểm nổi tiếng  “Suy rộng ra tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”3. Trên thực tế, quyền của mỗi cá nhân con người không bao giờ tách rời mà luôn hoà quyện với quyền của quốc gia - dân tộc. Các quyền này là lẽ tự nhiên, vì thế, thực dân Pháp tiến hành xâm lược, áp đặt ách thống trị lên dân tộc Việt Nam hơn tám mươi năm là đi ngược lại lẽ tự nhiên. Từ đó, Người khẳng định “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”4. Đến đây, ý chí khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam trở thành hiện thực đó là một nền độc lập dân tộc thực sự, độc lập hoàn toàn. Bản chất của nền độc lập dân tộc thực sự, hoàn toàn là: Dân tộc có đầy đủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hoá, an ninh, toàn vẹn lãnh thổ; độc lập dân tộc phải được thực hiện một cách triệt để và phải vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây chính là giá trị đích thực của độc lập dân tộc mà Hồ Chí Minh khẳng định trong Tuyên ngôn, vì theo Người “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”5.

Phát huy tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc Việt Nam đã phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng các thế lực ngoại xâm, giành lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đưa dân tộc Việt Nam tiến lên phía trước, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới theo đúng tâm nguyện của Bác Hồ kính yêu. Điều này thể hiện sự nhạy bén của Đảng trong nhận thức và vận dụng đúng đắn, sáng tạo quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước; xây dựng chủ nghĩa xã hội đi đôi với bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa phù hợp với điều kiện thực tế của cách mạng Việt Nam. 
 
6 2
Lục lượng vũ trang thành phố quyết tâm xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Ảnh: Lâm Anh.

Hiện nay, tình hình chính trị - an ninh thế giới thay đổi nhanh chóng, diễn biến rất phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày một quyết liệt; tranh chấp về chủ quyền biển, đảo diễn ra gay gắt, tiềm ẩn nguy cơ xung đột cao… Trong bối cảnh đó, những tư tưởng của Tuyên ngôn Độc lập đã được Đảng ta vận dụng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc một cách toàn diện, thấu đáo. Điều này thể hiện trước hết trong nhận thức của Đảng khi xác định đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ là mục tiêu chủ yếu, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố, nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị”6.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, độc lập dân tộc còn thể hiện sâu sắc qua vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như mối quan hệ với các nước lớn. Vận dụng những tư tưởng về độc lập, tự do, bình đẳng dân tộc trong Tuyên ngôn Độc lập, Đảng ta thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại với phương châm “Tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển, đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ đối ngoại; Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.”7. Nhờ vậy, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng; vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao, tạo nên thế và lực cho đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Tuyên ngôn Độc lập không chỉ khai sinh ra nước Việt Nam với đầy đủ quyền độc lập, tự do mà còn là kim chỉ nam soi sáng con đường bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc ta. Năm tháng trôi qua nhưng những tư tưởng mang tính thời đại trong bản Tuyên ngôn về quyền dân tộc, về khát vọng và ý chí đấu tranh giữ vững nền độc lập, tự do đã được xác lập vẫn vẹn nguyên giá trị để chúng ta vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
ThS. Trịnh Hồng Công

-------------------------
1, 2,3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.4, tr.1.
4 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.3.
5 Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tập 3, tr.1.
6, 7 Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQG, H, 2021, tr117 và tr161-162.
------------------------------
Tài liệu tham khảo
1.https://hcmcpv.org.vn.
2.http://daihocchinhtri.edu.vn.
3.https://nhandan.vn.
4.http://www.hanoimoi.com.vn.



 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây