Theo đó, công tác dư luận xã hội đã tập trung nắm bắt, tổng hợp tình hình tư tưởng và dư luận xã hội trên địa bàn; báo cáo đến Thường trực Thành ủy, Ban Tuyên giáo Trung ương về những vấn đề, sự kiện quan trọng của đất nước, của địa phương, cơ sở; đồng thời nêu những đề xuất, kiến nghị, tham mưu Thường trực cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo các ngành có liên quan giải quyết kịp thời vấn đề dư luận quan tâm, góp phần tạo sự ổn định trong xã hội.
Bên cạnh đó, chủ động trong việc đổi mới nâng cao chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội trên địa bàn như là mở rộng thành phần, đối tượng tham gia, nhằm góp phần phục vụ hiệu quả trong việc thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích các ý kiến đánh giá, nhận định của Nhân dân và cụ thể hóa những đề xuất giải pháp trong từng cuộc điều tra.
Tuy nhiên, công tác dư luận xã hội vẫn còn một số vấn đề hạn chế như: một số cộng tác viên dư luận thông tin, phản ánh chưa kịp thời; báo cáo mang tính sự vụ, sự việc, thiếu phân tích chiều sâu; còn tình trạng né tránh, ngại cung cấp thông tin; chưa quan tâm các kiến nghị, giải pháp định hướng dư luận xã hội;...
Để góp phần nâng cao chất lượng công tác dư luận xã hội trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương, đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội các cấp cần tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay; đổi mới và đa dạng các hình thức điều tra dư luận xã hội về các vấn đề trọng tâm, trọng điểm để có dữ liệu định lượng, căn cứ khoa học phục vụ công tác tham mưu; tăng cường hoạt động của mạng lưới cộng tác viên, nhất là chủ động nắm bắt, cung cấp thông tin, báo cáo; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền giải pháp chỉ đạo, định hướng, giải quyết những vấn đề dư luận quan tâm, xảy ra trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Lê Phương