Kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2022): “Bộ đội Cụ Hồ” - danh hiệu cao quý của lòng dân

Thứ năm - 22/12/2022 00:32 551 0
“Bộ đội Cụ Hồ” là cách gọi rất Việt Nam, thân thương, gần gũi và rất đổi tự hào. Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là tên gọi trìu mến mà Nhân dân dành cho quân đội ta mà còn là một danh hiệu, một vinh dự lớn đối với những chiến sĩ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Hiếm có dân tộc nào trên thế giới mà Nhân dân chọn tên vị lãnh tụ tối cao của mình đặt cho quân đội như vậy. Đây vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của quần chúng dành cho lực lượng vũ trang.
22 12 quandan
Thắm tình Quân - Dân. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Hình ảnh và tên gọi Bộ đội Cụ Hồ là hình tượng rất độc đáo trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam nói chung và văn hóa Quân sự Việt Nam nói riêng. Hiếm có một dân tộc nào mà hình ảnh người lính lại được toàn dân coi đó là hình mẫu của con người trong thời đại mới, để hết lòng tin yêu, quý trọng, động viên mọi thế hệ con cháu kế tiếp và noi theo gương sáng của Bộ đội Cụ Hồ như dân tộc Việt Nam ta. Văn hóa Việt Nam là văn hóa dựng nước và giữ nước, nên hình tượng người lính cao đẹp ấy được ví như sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử. Dù ở bất cứ thời nào thì cái thiêng liêng cao cả nhất vẫn là sự quyết tâm giữ vững chủ quyền quê hương xứ sở, là sự hy sinh của người lính để bảo vệ Nhân dân, bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.

Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập ngày 22/12/1944 tại khu rừng Trần Hưng Đạo, thuộc huyện Nguyên Bình, Cao Bằng, ban đầu gồm 34 chiến sĩ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chung với tên gọi Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Đội được trang bị 34 khẩu súng, chia thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo, do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm chính trị viên.
 
22 12 lamduong
Bộ đội Cụ Hồ chung sức xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nguyễn Thắng.

Từ ngày ra đời, quân đội ta luôn lập nhiều chiến công to lớn và hiển hách. Đó là chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu” năm 1954, buộc thực dân Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán ký Hiệp định Genève, rút quân khỏi miền Bắc nước ta. Hay chiến thắng 12 ngày đêm tại Hà Nội năm 1972, cùng với việc tạo ra một lưới lửa phòng không, quân đội ta đã cải tiến tên lửa, hạ gục “pháo đài bay” B52 - sản phẩm tinh túy của nền khoa học kỹ thuật Mỹ, góp phần vào việc tạo áp lực để Mỹ buộc phải ký Hiệp định Paris và rút quân khỏi Việt Nam. Đặc biệt, đại thắng mùa Xuân 1975 quét sạch chính quyền tay sai của Mỹ ở miền Nam Việt Nam, hiện thực hóa việc thống nhất đất nước… Từng chiến công hiển hách, đưa đất nước Việt Nam đến bến bờ vinh quang như ngày hôm nay đều có mang dấu chân của người lính Cụ Hồ.

Bộ đội Cụ Hồ không chỉ là những người cầm súng thuần túy. Từ khi mới ra đời, Quân đội ta đã được xác định nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân sản xuất và công tác. Trong thời chiến, lúc hòa bình, 3 chức năng chiến đấu, công tác và sản xuất đều được coi trọng. Gan dạ và dũng cảm, mưu trí và sáng tạo, tự lực, tự cường, kiên nhẫn và nhiệt tình, luôn luôn là những truyền thống tốt đẹp của người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Bộ đội ta là bộ đội nhân dân, bộ đội cách mạng có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần cù, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”(1).
 
22 12 gatlua
Bộ đội Cụ Hồ giúp dân thu hoạch lúa. Ảnh: Nguyễn Thắng.
 
Bộ đội Cụ Hồ còn có tinh thần quốc tế cao cả. Từ truyền thống nhân ái của dân tộc, “tắt lửa, tối đèn có nhau”, “thương người như thể thương thân”, 78 năm qua, với tinh thần “giúp bạn là tự giúp mình” đầy nhân văn, nhân ái, nhiều thế hệ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành người chiến sĩ quốc tế, những “tình nguyện quân”, vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, chiến đấu bên cạnh các chiến sĩ và nhân dân Lào, Campuchia trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, các cuộc chiến đấu chống lại các thế lực tay sai, phản động. Tinh thần quốc tế cao cả, vô tư của Bộ đội Cụ Hồ là một nét rất mới trong lịch sử đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nét văn hóa quân sự đặc trưng trong nền văn hóa Việt Nam mới, văn hóa vì con người dựa trên truyền thống và cốt cách của người Việt Nam.
 
Ngày nay, hình tượng Bộ đội Cụ Hồ ở thời đại mới là sự học tập, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao giá trị con người Việt Nam truyền thống từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu. Đất nước hòa bình, nhưng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn tỏa sáng, đi đầu trên các tuyến. Đó là hình ảnh anh bộ đội ngày đêm canh giữ từng cột mốc chủ quyền biên cương của Tổ quốc; hình ảnh các anh vững chắc tay súng canh giữ biển đảo quê hương; là lực lượng chủ lực trong việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống chọi mưa bão để bảo vệ tài sản, tính mạng cho dân; bộ đội dầm mình gặt lúa giúp dân chẳng quản ngày đêm, tránh thất thoát, thiệt hại nặng nề cho dân; tham gia kéo điện chiếu sáng về các vùng cao, vùng sâu hẻo lánh, làm cầu, làm đường cho dân đi; làm bác sĩ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy trẻ; tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước…
 
22 12 thaotruong
Bộ đội Cụ Hồ trên thao trường nắng cháy.

Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, một lần nữa, những phẩm chất, truyền thống của Bộ đội Cụ Hồ lại được tỏa sáng, tô thắm thêm, xứng đáng với niềm tin mà Nhân dân trao gửi. Với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc”, Bộ đội Cụ Hồ lại là người lính đi đầu, tiên phong, sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan, khó khăn nhất. Bộ đội nhường chỗ ở. Bộ đội làm bác sĩ, y tá, hộ lý. Bộ đội làm “bà nội trợ” đi chợ thay cho dân. Bộ đội sống cùng dân, chia sẻ, giúp đỡ những công việc bình thường nhất... tất cả những việc làm đó là “Vì Nhân dân phục vụ. Vì Nhân dân hy sinh!”. Đấy là mệnh lệnh của trái tim người lính, là lẽ sống, lý tưởng. Phải khẳng định một điều thực tế rằng, ở đâu có bộ đội, ở đó bà con yên tâm, chào đón nhiệt tình, thể hiện tinh thần Quân - Dân như cá với nước. Rất cảm động và sâu sắc nghĩa tình, thủy chung.

“Bộ đội Cụ Hồ” - đó là danh hiệu cao quý của lòng dân. Là giá trị tiêu biểu trong dòng chảy của nền văn hóa Việt Nam, thời đại Hồ Chí Minh. Cái hay cái đẹp của danh xưng “Bộ đội Cụ Hồ” là ở chỗ nó được vun đắp, phát triển phù hợp với thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ phẩm chất đó mà người chiến sĩ cách mạng của Quân đội nhân dân Việt Nam luôn tỏa sáng trong lòng Nhân dân, trở thành một biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong mọi thời đại.
 
22 12 uommam
Bộ đội Cụ Hồ ươm mầm thế hệ trẻ. Ảnh: Trấn Giang.
Hoa Đăng
 
--------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.14, tr.435

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây