Ý nghĩa nhân văn với mô hình hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học

Thứ tư - 14/12/2022 11:26 588 0
Hiện nay, ngành y học của Việt Nam đang trên đà phát triển, có nhiều đột phá mới, có tính chất đặc biệt quan trọng cho việc khám và chữa bệnh, qua đó đã cứu chữa, chăm sóc cho nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo, được tiếp tục sự sống, góp phần làm cho xã hội ổn định và phát triển. Trong đó, vấn đề hiến mô, hiến tạng, hiến xác nhân đạo cho y học, đã nhận được nhiều sự chú ý, quan tâm, ủng hộ của người dân cả nước. Đặc biệt, tại TP. Cần Thơ phong trào trên được lan tỏa mạnh mẻ tại một huyện ngoại thành, cụ thể là tại Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh. Đây là mô hình dân vận khéo học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mang giá trị nhân văn sâu sắc. Đó chính là sự chia sẻ cao quý, là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện để “Sự sống được tái sinh từ cái chết”.
5 1
Ông Trần Văn Bên và bà Phạm Thị Điệp (vợ ông Bên) ngồi giữa, đồng vợ, đồng chồng, đồng lòng hiến mô, hiến tạng, hiến xác nhân đạo cho y học.

Được sự giới thiệu của Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, chúng tôi đến thăm gia đình ông Trần Văn Bên, sinh năm 1965, cư ngụ ấp Tân Lợi, xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, hiện là Trưởng Ban trị sự Phật giáo Hòa hảo xã Thạnh Lộc tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ, đơn sơ nhưng ấm áp tình người ông Bên tâm sự: “Tôi rất là bất hạnh khi cha, mẹ bị bệnh hiểm nghèo và không may qua đời, rất tiếc lúc đó tôi chưa hiểu được lợi ích của việc hiến mô, hiến tạng, nên đành phải chấp nhận rời xa cha mẹ. Sau đó tôi tìm hiểu và biết được y học ngày nay rất tiến bộ, việc hiến mô, hiến tạng sẽ giúp đỡ được những người đang lâm bệnh mà đang chờ những người hiến tặng thay vào các bộ phận khiếm khuyết trong cơ thể mình để tiếp tục sự sống. Mặc dù cơ hội cứu cha, mẹ mình đã qua rồi, nhưng trong lòng tôi rất là vui mừng trước sự phát triển vượt bậc của y học. Rồi cơ hội cũng đến với tôi, khi tôi nghe anh em tài xế chạy xe cấp cứu từ thiện ở địa phương lên xuống các bệnh viện trên lớn trên Sài Gòn nói về việc tự nguyên đi đăng ký hiến mô, hiến tạng cho y học. Nên tôi tổ chức cuộc họp gia đình, trình bày nguyện vọng của tôi về việc hiến mô, hiến tạng cho y học, được vợ và các con trong gia đình đồng ý nên tôi rất là vui mừng và mạnh dạn đăng ký tham gia, để trong cơ hội cuối cùng của đời mình, sẽ làm được một cái gì đó cao thượng hơn và mạng lại niềm vui cho những người bất hạnh đang nằm trên giường bệnh được tiếp tục sự sống”.

Là một người hơn 30 năm gắn bó với việc đi làm từ thiện, đây cũng là hành động cao nhất của tấm lòng từ thiện. Không dừng lại ở đó, 4 năm sau, ông Trần Văn Bên vận động vợ là bà Phạm Thị Điệp cùng đăng ký tham gia hiến mô, hiến tạng cho y học. Song song đó, ông còn tuyên truyền ý nghĩa của việc làm trên và vận động nhiều bà con tín đồ Phật giáo Hào Hảo cùng tham gia đăng ký tại Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc. “Mấy năm gần đây, ở xã Thạnh Lộc đã dấy lên phong trào vì lòng nhân, vì lợi ích chung của xã hội, có rất nhiều đồng đạo đang tình nguyện làm hồ sơ để tiếp tục đăng ký thêm, để hiến tạng, giúp cho những người bệnh hiểm nghèo có cơ hội được nối tiếp sự sống. Đó cũng là một cơ hội cuối cùng của bản thân, của những người tình nguyện  hiến mô, hiến tạng khi còn sống cho đến ngày cuối cùng khi bỏ xác cũng đem lại lợi ích cho người còn lại, giúp cho xã hội này có được sự sống vui vẻ, tiếp tục”. Đó là những lời nói chân thành từ đáy lòng mà ông Trần Văn Bên chia sẻ.

Với ý nghĩa “Cái chết, phục vụ sự sống”, chị Võ Thị Liên, sinh năm 1970, ở xã Thạnh Lộc cũng tự nguyên đăng ký hiến xác cho y học khi qua đời. Chị Liên vui vẻ nói: “Tui thấy chết đi rồi thì nó không còn là cái gì hết, do vậy mình hiến đi để cho y học người ta nghiên cứu có phương pháp giúp đỡ cho những người bị bệnh hiểm nghèo cho họ có sự sống nối tiếp. Với ý nghĩa thiết thực đó, tôi cũng vận động các chị em phụ nữ và mọi người xung quanh tham gia đăng ký hiến mô, hiến tạng, hiến xác được 12 người”.

Ông Đỗ Văn Phường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Mô hình hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học là mô hình có nghĩa cử nhân văn cao đẹp, cứu nguời và duy trì cuộc sống được mãi mãi, với ý nghĩa nhân văn sâu xuất đó từ năm 2020, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc đã đăng ký mô hình dân vận khéo, đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến các ngành đoàn thể, các chi tổ hội ra tận quần chúng Nhân dân. Thấu hiểu được việc làm nhân đạo đó, Nhân dân tình nguyện đăng ký tham gia mô hình này”.
 
5 2
Bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tặng Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc vì đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, nhận xét: “Trong thời gian qua, xã Thạnh Lộc thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với từng nhiệm vụ chuyên môn và lĩnh vực mình phụ trách. Qua đó có nhiều tập thể, cá nhân và mô hình dân vận khéo đăng ký thực hiện có hiệu quả, được Nhân dân đồng tình hưởng ứng, có sức lan tỏa rộng và được các cấp khen thưởng. Đặc biệt là mô hình vận động hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học của Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh  được Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ  tặng bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh năm 2022”.

Đến nay, Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh đã vận động được 32 người tự nguyện hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học và được cấp thẻ đúng theo quy định, hiện có 7 hồ sơ đang chờ đăng ký.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tấm lòng nhân ái bao la, thông qua mô hình dân vận khéo hiến mô, hiến tạng, hiến xác cho y học của Hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc. Đây là sự chia sẻ, là hành động cao quí nhất của tấm lòng từ thiện để “Sự sống được tái sinh từ cái chết”.
Bài, ảnh: Nguyễn Vân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây