Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính duyệt đội danh dự tại Công an thành phố Cần Thơ. Ảnh: Lâm Anh.
Để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ ngay sau khi giành được chính quyền, chấp hành sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ, Tỉnh ủy cho thành lập một bộ máy làm công tác bảo vệ chính quyền, giữ gìn an ninh trật tự, trấn áp bọn phản cách mạng. Ngày 30/8/1945 tại Bugalô (trụ sở Hải quân Pháp tại Bến Ninh Kiều), Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ chính thức được thành lập. Với nhiệm vụ bảo vệ cơ quan đầu não cách mạng, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các phần tử chống đối, phá hoại, nghiêm trị đối tượng chính trị, đối tượng hình sự, tuần tra canh gác bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, tích cực tuyên truyền Nhân dân xóa bỏ các hủ tục mê tín dị đoan.
Ngày 23/8/1945, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược nước ta một lần nữa, dưới danh nghĩa quân đồng minh giải giáp quân đội phát xít Nhật nhiều nước đế quốc đưa quân vào nước ta, tình hình tại Cần Thơ hết sức phức tạp, bọn phản động, cơ hội chính trị lợi dụng ngóc đầu dậy cấu kết với thực dân Pháp chống lại chính quyền.
Để củng cố lòng tin của Nhân dân đối với lực lượng cách mạng, Đội cảm tử quân thuộc Quốc gia tự vệ cuộc được thành lập gồm: 06 đồng chí do Lê Bình chỉ huy, Bùi Quang Trinh, Trần Chiên, Lê Nhật Tảo, Cao Minh Lộc và Trần Hữu Nghi, với trang bị hết sức thô sơ, chỉ có súng ngắn, dao găm, mã tấu tự tạo và một số lựu đạn. Ngày 12/11/1945, các đội viên Đội cảm tử quân hóa trang thành “Hoa kiều” phối hợp với lực lượng vũ trang và du kích địa phương đánh Sở chỉ huy quân Pháp ở thị trấn Cái Răng. Kết quả, tiêu diệt 27 tên và 17 tên bị thương, trong đó có tên chỉ huy Rouen bị thương nặng. Tuy nhiên, do lực lượng địch mạnh nên các đồng chí Đội cảm tử quân đã chiến đấu và hy sinh đến hơi thở cuối cùng.
Trận đánh của Đội cảm tử quân được quần chúng truyền tụng khắp nơi, chỉ 8 ngày sau đó tại Hà Nội trong phiên họp của Chính phủ lâm thời ngày 20/11, do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã đưa nội dung đầu tiên của chương trình nghị sự là bàn việc truy tặng công danh cho 06 liệt sĩ hy sinh tại Cái Răng và đây cũng là 06 liệt sĩ đầu tiên của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược được Bác Hồ và Chính phủ truy tặng công danh,
Để ghi nhận những công lao to lớn của Đội cảm tử quân, ngày 01/3/2010, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký Quyết định số 226/QĐ-CTN phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đội cảm tử quân thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ (nay là Công an TP. Cần Thơ) đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, lực lượng CATP Cần Thơ đã nêu cao tấm gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu ngoan cường và hy sinh anh dũng. Những chiến công hiển hách không thể phai mờ trong dòng chảy lịch sử của dân tộc gắn liền với tên tuổi của những anh hùng liệt sĩ như: Lê Bình, Trần Văn Việt, Lê Văn Bì… cùng biết bao cán bộ, chiến sĩ CATP Cần Thơ anh dũng hy sinh hoặc chịu nhiều thương tật; nhiều đồng chí đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho quê hương và gìn giữ sự bình yên cho thành phố vẫn sống mãi trong lòng đồng chí, đồng đội và Nhân dân Cần Thơ.
Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, nhất là từ khi thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đến nay, CATP Cần Thơ đã có bước trưởng thành vượt bậc, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, các ngành, đoàn thể thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về phòng, chống tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Triển khai có hiệu quả các mặt công tác nghiệp vụ, tấn công, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm về kinh tế, ma túy, tham nhũng, buôn lậu; tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Điều tra, khám phá nhiều vụ trọng án, nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, quy mô lớn. Thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cải tạo phạm nhân. Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19, các đồng chí đã “đi từng ngõ, gỏ từng nhà, rà từng người”, góp phần cùng cả nước vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Song song đó, toàn lực lượng dấy lên phong trào thi đua Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cuộc vận động "Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì Nhân dân phục vụ", gắn với Phong trào thi đua "Vì an ninh Tổ quốc". Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức, tác phong, lối sống cho cán bộ, đảng viên. Tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập đầy đủ và thực hiện nghiêm túc mọi chỉ thị, Nghị quyết của Đảng chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định điều lệnh nội vụ của ngành. Chỉ đạo thực hiện tốt công tác tổ chức và cán bộ, tăng cường công tác kiểm tra, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII). Công tác Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ được tạo điều kiện phát triển. Đặc biệt thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an theo phương châm "Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện toàn diện, xã bám cơ sở", Công an Cần Thơ đã điều động đủ lực lượng Công an chính quy đảm nhận các chức danh Công an xã trên phạm vi toàn thành phố. Bước đầu cho kết quả tốt, được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao và được Nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong suốt quá trình công tác và chiến đấu, lực lượng CATP Cần Thơ thường xuyên được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, UBND thành phố đến kiểm tra, thăm hỏi, đây là nguồn cổ vũ động viên quan trọng để lực lượng CATP Cần Thơ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thấm nhuần quan điểm vì Nhân dân phục vụ, sự bình an, niềm vui và hạnh phúc của Nhân dân cũng chính là mục tiêu, là lý tưởng cống hiến của CATP Cần Thơ qua các thời kỳ. Đặc biệt vào năm 2021, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, CATP Cần Thơ đã phát huy tốt tinh thần vì cộng đồng, qua đó tổ chức trên 54 chương trình an sinh xã tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng; 49 trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19 và 02 trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác trên địa bàn thành phố được bảo trợ, chăm sóc và tiếp tục được giúp đỡ theo hướng hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm, tạo điều kiện cho các em và người thân trong gia đình từng bước vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Trải qua 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, với bề dày lịch sử và không ngừng cống hiến, CATP Cần Thơ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Có 09 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 03 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; 74 tập thể, 2.337 cá nhân được tặng Huân chương, Huy chương các loại; 63 tập thể, 122 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều hình thức khen thưởng khác.
Trưởng thành từ gian lao vất vả của chiến tranh và khẳng định được vị trí quan trọng đối với công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đội ngũ cán bộ, chiến sĩ lực lượng CATP Cần Thơ luôn hết lòng vì Nhân dân, sẵn sàng hy sinh xương máu cho quê hương Cần Thơ anh hùng. Lịch sử Đảng bộ, quân và dân Cần Thơ qua các giai đoạn cách mạng luôn ghi nhận sự đóng góp của lực lượng Công an TP Cần Thơ trong kháng chiến cũng như trong thời bình, những cán bộ chiến sĩ Công an Cần Thơ đã đồng cam cộng khổ, chung sức, đồng lòng, làm nên những chiến công oanh liệt, viết nên những trang sử hào hùng về truyền thống vẻ vang của đất Tây Đô.
Ngọc Anh