Tưởng nhớ một nhân cách, một tấm gương, một tấm lòng nhân ái

Thứ hai - 24/06/2024 22:27 13 0
Ngày 19 tháng 5 âm lịch, tròn một năm Ngày mất đồng chí Lê Phước Thọ, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Những người gặp gỡ, cộng tác, làm việc với đồng chí Lê Phước Thọ đều cảm nhận nơi đồng chí, một nhân cách lớn, một tấm gương sáng ngời và một tấm lòng nhân ái, nhất là với bệnh nhân nghèo.
T1 image001 copy

Ðồng chí Lê Phước Thọ. Ảnh: Vĩnh Lộc.

“Lòng tôi rất thanh thản mỗi khi được đi làm từ thiện”

Theo lời kể của đồng chí Lê Phước Thọ trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước”, sau khi về hưu, từ Hà Nội về TP Hồ Chí Minh, đồng chí tìm gặp đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo (BTBNN) TP Hồ Chí Minh, để xin tất cả các tài liệu liên quan như quyết định thành lập, điều lệ, chương trình hoạt động của Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh. Ðồng thời, trao đổi kinh nghiệm để về Cần Thơ thành lập Hội BTBNN.

3 20Anh 203(1)

Ðồng chí Lê Phước Thọ trong một buổi “mổ” heo “Vì bệnh nhân nghèo” tại gia đình. Ảnh: Hội BTBNN.

Về Cần Thơ, đồng chí Lê Phước Thọ bàn bạc với đồng chí Lê Thanh Bình (Sáu Bình), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng về việc chuẩn bị các thủ tục thành lập hội. Sau thời gian khởi động, sắp xếp nhân sự, tháng 3-2002, UBND tỉnh Cần Thơ ra quyết định thành lập Hội BTBNN, do đồng chí Sáu Bình làm chủ tịch. Ðồng chí Lê Phước Thọ cùng đồng chí Lê Thanh Nhàn (Ba Râu), nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, làm tư vấn và là hội viên danh dự. Tại Ðại hội lần I (2005-2009), đồng chí Lê Phước Thọ được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội BTBNN TP Cần Thơ và hoạt động liên tục cho đến Ðại hội lần III (2015-2020) thì nghỉ, do sức khỏe kém.

Trong suốt thời gian gắn bó với Hội BTBNN đồng chí Lê Phước Thọ rất tâm huyết với các hoạt động như đem ánh sáng đến cho người mù nghèo, tặng xe lăn, xe lắc, mổ tim cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh, khám và cấp thuốc miễn phí… Dù lúc bấy giờ tuổi đã cao nhưng đồng chí luôn đồng hành, tham gia các hoạt động, không chỉ trong nước mà cả sang Campuchia. Trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước”, đồng chí Lê Phước Thọ chia sẻ rằng, mỗi khi nghe những lời tâm sự “Tôi chịu cảnh mù lòa mấy chục năm nay rồi, nay mắt đã sáng lại, thấy được mặt con cháu, họ hàng và lao động thuận lợi. Tôi hạnh phúc vô cùng, như được mẹ sinh ra tôi lần thứ hai vậy!”, đồng chí rất xúc động. Hay khi kể về những lần sang Campuchia thực hiện chương trình từ thiện, đồng chí Lê Phước Thọ nhớ đến tình cảm, lòng biết ơn của nhân dân Campuchia dành cho đoàn, trong đó có món quà là chiếc khăn rằn do chính tay họ dệt. Ðồng chí Lê Phước Thọ tâm tình: “Lòng tôi rất thanh thản mỗi khi được đi làm từ thiện”.

Kể lại mấy tâm sự này của đồng chí Lê Phước Thọ với bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội BTBNN TP Cần Thơ, bà Sáu Ánh rất xúc động và nói: “Bác Sáu luôn như vậy đó, luôn nghĩ đến người nghèo”. Bà Sáu kể, sau khi nghỉ hưu từ Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Kiên Giang, bà về tham gia Hội BTBNN TP Cần Thơ từ năm 2006, làm Chánh văn phòng. Dù trước đó đã biết đến đồng chí Lê Phước Thọ qua truyền thông và qua các cuộc họp, hội nghị nhưng chưa được dịp tiếp xúc. Vậy nên, bà Sáu rất hồi hộp, nhưng qua những lần được dịp cộng tác với đồng chí, bà Sáu Ánh cảm nhận: “Bác Sáu cương nghị, mực thước và rất gần gũi, thân thiện, rất quan tâm đến mọi người”.

Bà Sáu Ánh kể, khi là Chủ tịch danh dự của hội, mỗi khi nhận được báo cáo, dù chỉ là báo cáo tháng, quý, hay năm, đồng chí đều đọc rất kỹ, khoanh tròn, gạch dưới những điều cần lưu ý để có ý kiến. Trong các cuộc họp, đồng chí luôn đến đúng giờ, và khi vì lý do cá nhân không dự được, đồng chí đều gọi điện báo rất cẩn thận.

Có một câu chuyện mà bà Sáu Ánh nhớ mãi về đồng chí Lê Phước Thọ. Ðầu năm 2007, Hội BTBNN TP Hồ Chí Minh khởi xướng chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, hỗ trợ Cần Thơ 20 suất với tỷ lệ 30%, 70% (tương đương 50 triệu đồng) còn lại do Cần Thơ tự lo. Khi họp Ban Chấp hành, nhiều ý kiến băn khoăn, 50 triệu đồng chỉ hỗ trợ được 1 trường hợp trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh, trong khi số tiền đó mổ mắt sẽ giúp được 100 người nghèo sáng mắt, vì mỗi ca chỉ chi phí 500.000 đồng. Nghe vậy, đồng chí Lê Phước Thọ thuyết phục: “Ý kiến góp ý của các anh em rất xác đáng nhưng trên tinh thần nhân ái, ta thử tính xem. Nếu 100 người mù chưa mổ mắt được ngay, thì vẫn có thể chờ đợi, nhưng với một bé mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, nếu không mổ hôm nay có thể vài ba ngày sau dù có thật nhiều tiền vẫn không kịp cứu bé”. Lời chia sẻ của đồng chí không chỉ đầy tính thuyết phục mà còn cho thấy một trái tim nhân hậu, một tấm lòng nhân ái, luôn nghĩ đến người nghèo, người yếu thế.

“Một xã hội ấm áp, chan chứa tình người”

Thầy thuốc Nhân dân Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, con trai đồng chí Lê Phước Thọ, chia sẻ rằng: “Sinh thời, ba tôi rất tâm huyết với các hoạt động thiện nguyện. Ba tôi thường căn dặn con cháu, gia đình thực hiện truyền thống tốt đẹp “lá lành đùm lá rách” của dân tộc”.
 

25 6 hs

Thầy thuốc Nhân dân Lê Hùng Dũng, nguyên Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, con trai đồng chí Lê Phước Thọ và lãnh đạo huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, trao học bổng Lê Phước Thọ. Ảnh: Vĩnh Lộc.

Ðể thực hiện tâm nguyện và cũng là tâm huyết của đồng chí Lê Phước Thọ, gia đình đã thống nhất thành lập quỹ học bổng để kịp thời hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn vững bước đến trường. Sau lễ an táng đồng chí Lê Phước Thọ không lâu, ngày 29-7-2023, gia đình đã phối hợp UBND xã Tân Lộc Ðông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) tổ chức Lễ ra mắt và trao học bổng Lê Phước Thọ. Gia đình đồng chí Lê Phước Thọ trao 30 suất học bổng, 15 chiếc xe đạp tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, trao kinh phí xây dựng 1 căn nhà tình thương. Ðồng thời, gia đình đồng chí Lê Phước Thọ phối hợp Sở Y tế TP Cần Thơ khám bệnh, phát thuốc, tặng quà 200 người dân. Tổng trị giá các suất học bổng, quà, thuốc, nhà tình thương được trao tặng gần 140 triệu đồng.

Cuối năm 2015, vì sức khỏe yếu, đồng chí Lê Phước Thọ không tiếp tục tham gia công tác với Hội BTBNN TP Cần Thơ nhưng đồng chí vẫn luôn trăn trở, nghĩ cách giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Ðồng chí Lê Phước Thọ đã vận động con cháu trong gia đình tổ chức nuôi heo đất “Vì bệnh nhân nghèo”. Việc làm nhân ái của đồng chí đã có tác dụng giáo dục con cháu trong gia đình. Từ năm 2015 đến nay, nhiều lần heo đất đã được “mổ”. Và chiều hôm nay, trong ngày Giỗ lần thứ nhất của đồng chí Lê Phước Thọ, gia đình đồng chí lại tiếp tục “mổ” heo đất “Vì bệnh nhân nghèo”. Những đồng tiền tích cóp từ tinh thần sẻ chia, từ đạo lý “lá lành đùm lá rách” và nhất là từ “ngọn lửa nhân ái Lê Phước Thọ” lại tiếp tục đến với bệnh nhân nghèo.

Nhiều lần chứng kiến, tiếp nhận số tiền từ việc “mổ” heo đất, bà Sáu Ánh không sao quên được tình cảm và tâm huyết của đồng chí Lê Phước Thọ. Mỗi lần “mổ” heo, đồng chí căn dặn gia đình chuẩn bị rất chỉn chu, cẩn thận. “Bác Sáu nôn nao, mặt tươi cười rạng rỡ. Khi kiểm tiền, bác Sáu rất chú tâm xem được bao nhiêu, khi có những tờ tiền lớn thì bác lộ vẻ vui mừng vì sẽ có thêm tiền giúp bệnh nhân nghèo. Những chi tiết nhỏ thôi nhưng cho thấy một tấm lòng rất lớn”, bà Sáu Ánh nói.

Trong quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước”, đồng chí Lê Phước Thọ chia sẻ: ““Người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, nơi nơi làm việc thiện” sẽ tạo nên một xã hội ấm áp, chan chứa tình người. Cuộc sống càng có ý nghĩa hơn và đó cũng là mong ước của tôi”. Với đồng chí Lê Phước Thọ, “làm việc thiện là tự nguyện, tự nhiên, như lòng mình thúc giục”; “làm việc thiện cần phải có trái tim nhân hậu, tấm lòng bao dung, độ lượng…”.

Mong ước ấy thật đẹp, cách nghĩ về việc thiện ấy thật sâu sắc, tất cả hiển hiện một nhân cách lớn, một tấm lòng nhân ái bao la.

Đặng Vĩnh Lộc

-----------

Bài viết có tham khảo quyển “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” (Lê Phước Thọ, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, 2020) và quyển “Lê Phước Thọ - Một nhân cách, một tấm gương” (Thành ủy Cần Thơ, 2021).

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây