Quan điểm nhất quán của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, giới chức nhiều nước đã bày tỏ nhất trí với quan điểm của Việt Nam trong vấn đề này.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Chủ tịch Quốc hội Singapore Tan Chuan-Jin... trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng Năm vừa qua, tại các cuộc hội kiến, hội đàm với các nhà lãnh đạo Việt Nam, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS năm 1982; thực hiện đầy đủ, toàn diện, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Quan điểm này cũng được nêu rõ khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nhân dịp Thủ tướng tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ, thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc giữa tháng Năm vừa qua.
Nhiều nước cũng bày tỏ phản đối các hành động đơn phương làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải tại Biển Đông, như việc Trung Quốc quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa hay ban hành lệnh cấm đánh bắt cá trong hơn 3 tháng (từ ngày 1/5) tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam.
Trong cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng Năm, hay trong cuộc thảo luận giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với người đồng cấp Nhật Bản Kishida hồi tháng Tư tại Tokyo, các nhà lãnh đạo đã phản đối mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở Biển Đông.
Trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm cấp cao Đức-Ấn Độ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng khẳng định cần bảo đảm thương mại không bị cản trở và tự do hàng hải phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, ở tất cả các vùng biển, trong đó có Biển Đông.
Trước đó, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản và Philippines cũng đã ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại Biển Đông và Biển Hoa Đông; phản đối mọi tuyên bố chủ quyền hàng hải không có cơ sở pháp lý, mọi hoạt động quân sự hóa, các hoạt động mang tính cưỡng ép, đe dọa hoặc sử dụng vũ lực trên Biển Đông.
Đô đốc John Aquilino, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ, cho biết Trung Quốc đã quân sự hóa hoàn toàn một số đảo đá ở Biển Đông, cụ thể là quần đảo Trường Sa mà Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trước đó, tháng Một năm nay, Cục Các vấn đề đại dương, môi trường và khoa học quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố một tài liệu nghiên cứu với nội dung phản bác "các yêu sách phi pháp” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Tài liệu nghiên cứu dài 47 trang nêu rõ các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là không có cơ sở theo luật pháp quốc tế, đồng thời khẳng định những yêu sách này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều quy định của luật pháp quốc tế được ghi nhận trong UNCLOS năm 1982.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi Trung Quốc “ngừng các hoạt động trái pháp luật và gây sức ép ở Biển Đông."
Phản ứng trước thông tin Trung Quốc quân sự hóa hoàn toàn một số đảo đá ở Biển Đông, trong cuộc họp báo ngày 7/4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định việc thúc đẩy quân sự hóa trên một số cấu trúc thuộc quần đảo Trường Sa không chỉ vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, mà còn gây lo ngại cho các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế như được phản ánh trong các văn kiện của ASEAN, không có lợi cho việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực Biển Đông.
Liên quan việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông, trong đó có vùng biển của Việt Nam, ngày 29/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: "Một phần phạm vi của lệnh cấm đánh bắt cá đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc ký năm 2000. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình khi triển khai các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật ở khu vực Biển Đông, không làm phức tạp tình hình, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, trật tự ở khu vực Biển Đông”.
Đảo Sinh Tồn. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Ngày 31/5, Philippines cũng đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc Trung Quốc đơn phương áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá tại Biển Đông, trong đó có vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines và Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 2/6 cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông không phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài và luật pháp quốc tế. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tuân thủ những nghĩa vụ theo quy định của luật pháp quốc tế."
Dư luận quốc tế cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam đóng góp xây dựng khu vực Biển Đông hòa bình, an ninh, an toàn, tuân thủ luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Trong bài viết mới đây trên trang mạng Infox.ru (Nga) có nhan đề: “Việt Nam - ngọn cờ đầu của ASEAN,” tác giả Grigory Trofimchuk, chuyên gia về chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, khẳng định lập trường nhất quán và mang tính xây dựng của Việt Nam trong việc thiết lập môi trường hòa bình và ổn định trong toàn bộ khu vực, bao gồm Biển Đông, là yếu tố quan trọng giúp Hà Nội thích nghi với tình hình địa chính trị hiện đại.
Chuyên gia Nga đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, khẳng định Việt Nam có uy tín và vị thế ngày càng tăng trên trường quốc tế.
Chia sẻ quan điểm này, chuyên gia Valeria Vershinina của Trường Đại học Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), Bộ Ngoại giao Nga nêu bật vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự để tìm kiếm giải pháp cho tranh chấp ở Biển Đông, khởi động đàm phán về COC.
Nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của các văn bản pháp lý quốc tế, bao gồm UNCLOS, đối với các tranh chấp ở Biển Đông, cũng như việc thúc đẩy quá trình đàm phán thông qua COC, chuyên gia Anton Viktorovich Bredikhin - Tiến sỹ Lịch sử, thành viên Hội đồng khoa học Trung tâm Khoa học xã hội "Các vấn đề chính trị - xã hội hình thành EAEU" Viện Hàn lâm khoa học Nga - đánh giá cao chính sách nhất quán của Việt Nam trong nỗ lực tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm kinh tế biển, đặc biệt là ở Biển Đông, với phương châm “hòa bình - hữu nghị, hợp tác-phát triển."
Quan điểm nhất quán của Việt Nam ưu tiên giải quyết hòa bình mọi tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982, kêu gọi thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982... cũng được nhắc tới trong bài bình luận trên tờ The Economic Times nhân chuyến công du của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hoa Kỳ và Liên hợp quốc tháng Năm vừa qua.
Bài viết nhận định chuyến công du đã tái khẳng định vai trò của Việt Nam trong việc ổn định khu vực Đông Nam Á, đồng thời thể hiện Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; Việt Nam mong muốn đa dạng hóa và đa phương hóa các mối quan hệ và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Theo Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)