Những chiến sĩ hải quân làm hoa tiêu ở đảo Trường Sa

Thứ ba - 16/08/2022 00:06 393 0
Ở Trường Sa, mỗi khi xuồng chuyển tải đưa đoàn công tác lên đảo, mọi người đều bắt gặp những chiến sĩ hải quân đứng làm hoa tiêu vẫy cờ giúp cho xuồng đi đúng luồng, tránh va phải san hô, góp phần bảo đảm an toàn cho đoàn công tác.

 

Chiến sĩ Đinh Thiên Hoàng làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn xuồng vào đảo Song Tử Tây.

Tôi may mắn đã 3 lần được đi công tác ở Trường Sa. Chứng kiến những chiến sĩ hải quân làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn xuồng qua luồng lạch trên các đảo chìm trên quần đảo Trường Sa, tôi có cảm giác rất đặc biệt. Hình ảnh các chiến sĩ nơi đầu sóng, vẫy vẫy hai lá cờ theo hiệu lệnh riêng của Luật Hàng hải với mục đích dẫn xuồng vào đúng luồng lạch rất đẹp và dễ mến.

Sau khi lên đảo Song Tử Tây, tôi lại gần chiến sĩ Đinh Thiên Hoàng chụp ảnh khi anh đang đứng làm hoa tiêu hướng dẫn cho xuồng vào đảo. Anh Hoàng cho biết, động tác làm hoa tiêu hướng dẫn xuồng di chuyển vào luồng là một trong các bài học luyện tập của lính hải quân khi tới công tác tại các đảo chìm.  

Chiến sĩ hoa tiêu hướng dẫn xuồng đi vào luồng ở đảo Đá Tây B.

Hoa tiêu hướng dẫn xuồng đi vào luồng ở đảo Song Tử Tây.
Để tiếp cận được đảo chìm là rất khó khăn, phụ thuộc rất lớn vào thủy triều lên xuống tự nhiên.
Chiến sĩ Lê Văn Tâm làm nhiệm vụ hoa tiêu dẫn xuồng vào đảo Núi Le B.
Mặc dù mới ở trên đảo được gần một năm nhưng chiến sĩ Lê Văn Tâm, đảo Núi Le B đã hiểu rõ thủy triều và vị trí các mỏm đá chìm dưới biển nên anh hướng dẫn luồng cho xuồng vào đảo rất an toàn.

Cũng theo chiến sĩ Đinh Thiên Hoàng, các động tác phất cờ của hoa tiêu thực tế không khó mà điều quan trọng nhất chính là sự hiểu biết về địa hình của bãi cạn. Dưới mặt nước xuồng di chuyển dù có làm sẵn luồng lạch nhưng vẫn rất nguy hiểm bởi san hô sắc nhọn. Mỗi khi xuồng vào đảo phải di chuyển chính xác trên luồng bởi có nhiều mỏm đá san hô ngầm. Nếu không may xuồng va chạm vào các mỏm đá ấy sẽ rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.  

Để tiếp cận được đảo chìm là việc khá khó khăn, phụ thuộc rất lớn vào thủy triều lên xuống tự nhiên. Khi thủy triều xuống, những bãi cạn này có mực nước thấp, thậm chí có thể nổi một phần trên mặt nước. Khi đó các xuồng không thể di chuyển vào đảo. Chỉ khi mực nước thủy triều dâng lên cao, thường là khoảng thời gian trước và sau 12 giờ trưa, đây cũng là lúc mực nước triều lên cao nhất, thuận lợi nhất để di chuyển vào đảo chìm.  

Khoảng cách từ tàu thả neo đến đảo chừng 1 km nên xuồng CQ (chủ quyền) sẽ đưa đoàn vào đảo bằng xuồng. Nếu không có hoa tiêu dẫn đường, việc ra vào sẽ rất khó khăn với những người lần đầu tới đảo.
Những người lính hoa tiêu luôn chọn vị trí dễ thấy, dễ quan sát để làm tín hiệu bằng những động tác phất cờ hướng dẫn xuồng vào đảo được an toàn.
Sau những ngày dài lênh đênh trên biển, cảm giác nhìn thấy những người lính hải quân làm hoa tiêu dẫn đường cho xuồng vào đảo mới thấy hết sự quan trọng của họ.
Những động tác vẫy cờ, chỉ đơn giản là trái, phải nhưng đã giúp cho xuồng chuyển tải đi đúng luồng lạch.
Dù đã tới rất nhiều đảo chìm ở Trường Sa nhưng mỗi lần nhìn thấy những lá cờ phất dứt khoát của người lính hoa tiêu, ai cũng cảm thấy gần gũi và thân quen, giúp mình an tâm hơn ở nơi đầu sóng ngọn gió.

Nhưng ngay cả khi điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc di chuyển xuồng vào đảo vẫn cần có sự hỗ trợ của những người lính làm hoa tiêu. Họ là những người đang công tác, làm nhiệm vụ trên các điểm, đảo ở Trường Sa với kiến thức hàng hải về nghề hoa tiêu cùng sự am hiểu tường tận các bãi cạn xung quanh đảo để dẫn đường.

Nhìn từ xa, giữa đại dương mênh mông sóng nước, những đảo chìm thật nhỏ bé. Thế nhưng khi càng di chuyển tới gần, đảo càng hiện ra rõ hơn với hình ảnh người lính hoa tiêu nơi tiền tiêu Tổ quốc. Những động tác vẫy cờ, chỉ đơn giản là trái, phải giúp xuồng đi đúng luồng lạch. 

Bài, ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức


 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây