Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh trò chuyện với cha con anh Trần Văn Nhiều cùng chiến sĩ Nguyễn Hoài Nam trên đảo Trường Sa.
Một ngày giữa tháng 5/2022, anh Trần Văn Nhiều, nhà riêng ở 24/5A, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường 19, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh vinh dự là một trong 3 gia đình có mặt trên tàu KN290 ra Trường Sa thăm và động viên cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên quần đảo Trường Sa.
Anh Nhiều cho biết: Đầu tháng 3/2021 con trai đầu của anh là cháu Nguyễn Hoài Nam (Nam mang họ mẹ) cũng giống như những thanh niên khác của thành phố mang tên Bác lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Vào quân ngũ, Nam được đơn vị điều động về Lữ đoàn 146, BTL Vùng 4 Hải quân huấn luyện và sau đó ra công tác tại đảo Trường Sa.
Cũng theo anh Nhiều, trước khi Nam nhập ngũ, gia đình cũng chỉ nghĩ cho con học hết lớp 9, sau đó đi học nghề. “Tôi có nói với con là làm gì thì làm phải kiếm cái nghề sau này còn nuôi vợ, nuôi con. Khi cháu đủ 18 tuổi, được UBND phường gọi đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Mới đầu con không chịu, nhưng tôi động viên con đi bộ đội là tốt, con đi để trưởng thành. Là thằng con trai tham gia nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc vừa là nghĩa vụ và là trách nhiệm công dân, không trốn được đâu. Vậy là cháu đồng ý”, anh Trần Văn Nhiều kể lại.
Sau khi huấn luyện, chiến sĩ Nguyễn Hoài Nam được đơn vị luân chuyển ra công tác ở đảo Trường Sa. Nguyễn Hoài Nam kể lại: “Những ngày đầu mới ra đảo, tôi không mập như bây giờ bởi chưa quen môi trường, nay thì các chiến sĩ cùng đơn vị ai cũng dạn dầy, mạnh mẽ và vui vẻ. Ngoài thời gian huấn luyện, các chiến sĩ tích cực tăng gia. Anh em toàn đơn vị là một gia đình, ai cũng phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Anh Trần Văn Nhiều cho biết, sau khi con trai ra đảo Trường Sa, những ngày đầu gia đình cũng có gọi điện thông qua thủ trưởng đơn vị để con để thăm hỏi tình hình. Thi thoảng con cũng điện thoại về trò chuyện động viên bố mẹ và gia đình. “Hôm ra đảo tôi có động viên con là cố gắng thực hiện đúng nội quy được giao và giữ gìn sức khỏe, công tác tốt. Mọi việc ở nhà đã có ba mẹ, con khỏi phải lo”, anh Nhiều cho hay.
Cũng giống như chiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, dù được thông báo trước gần một tháng nhưng khi gặp lại cha ở đảo Trường Sa, chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng vẫn vô cùng bất ngờ và hạnh phúc. Hai cha con vừa ôm nhau, vừa rơm rớm nước mắt vì hạnh phúc.
Anh Võ Bạch Tùng, cha của chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng kể lại: Tháng 3/2021 con trai của anh được cử đi công tác ở quần đảo Trường Sa. Do quy định về huấn luyện nên thỉnh thoảng anh và gia đình mới trò chuyện với con qua điện thoại vài phút. Qua điện thoại, anh Tùng biết cậu con trai bé nhỏ ngày nào đã trở thành người lính canh giữ biển đảo xa xôi. Tuy nhiên bản thân anh Tùng và vợ cũng như người thân đều rất nhớ con bởi lâu không gặp gỡ.
Anh Võ Bạch Tùng cho biết: “Lúc nhận được điện thoại của Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh thông báo sẽ tổ chức cho thân nhân chiến sĩ ra đảo Trường Sa thăm con, tôi mừng lắm. Hai vợ chồng bàn tính, cân nhắc xem ai sẽ ra thăm con. Sau đó tôi thu xếp, xin phép nghỉ việc hai tuần để đi Trường Sa. Gia đình tôi chỉ có cháu là con trai nên khi cháu đi xa lâu ngày, cả nhà rất nhớ. Chị và em gái lúc nào cũng nhắc và mong Toàn Thắng sớm hoàn thành nghĩa vụ quân sự để về thăm gia đình”, anh Võ Bạch Tùng chia sẻ.
Cũng theo anh Tùng, dù biết con ăn uống đầy đủ nhưng khi lên đường thăm con, anh vẫn quyết định mang theo rất nhiều đồ ăn mà con trai yêu thích. Đó là khô cá, mắm cá, củ kiệu muối do chính tay vợ chồng anh làm theo sở thích của cậu con trai. Đặc biệt anh Tùng còn mang theo cả mấy quả cầu chinh để cho con trai chơi vì đây là môn thể thao Toàn Thắng thích từ lúc còn nhỏ. Lúc trao quà cho con, anh Tùng còn dặn con nhớ chia sẻ cho đồng đội ăn cùng.
Chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng cho biết: “Được chỉ huy thông báo sẽ có thân nhân ra thăm, nhưng tôi chưa biết chính xác ngày nào. Vì vậy tôi mong từng ngày để được gặp người thân. Mỗi khi có đoàn công tác ra thăm đảo tôi đều mong ngóng để gặp ba”.
Đây chỉ là hai trong số rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên quân đảo Trường Sa vui mừng, xúc động khi gặp người thân giữa biển khơi sóng gió. Chúng tôi nhận thấy, khi nhìn thấy người thân hiện diện ngay trước mặt mình, các chiến sĩ đều rưng rưng niềm vui và cảm động. “Tôi cảm ơn các cấp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã sắp xếp để hai cha con được gặp nhau giữa đảo Trường Sa”, chiến sĩ Võ Bạch Toàn Thắng xúc động nói.
Cũng theo Võ Bạch Toàn Thắng, lúc lên đường ra đảo, anh chỉ nghĩ phải khi nào hoàn thành nghĩa vụ và vào bờ mới được gặp thân nhân chứ không nghĩ lại có cuộc gặp bất ngờ như vậy. Sau ít phút trò chuyện, Toàn Thắng xin phép chỉ huy dẫn cha về khu đơn vị nơi mình ăn ở để hai cha con có thời gian trò chuyện.
Bà Tô Thị Bích Châu, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay TP Hồ Chí Minh đang có 27 cán bộ, chiến sĩ là những người con của thành phố mang tên Bác đang công tác, làm việc tại trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Tất cả các cán bộ, chiến sĩ đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy tinh thần yêu nước bất khuất của thành phố mang tên Người.
Để các cán bộ chiến sĩ an tâm công tác, ngoài những hỗ trợ về vật chất, thành phố cũng thường xuyên tổ chức những chuyến thăm đưa thân nhân ra đảo và nhà giàn để động viên tinh thần, giúp các cán bộ chiến sĩ an tâm công tác, hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước, quân đội giao cho.
Theo Viết Tôn/(Báo Tin tức)