Đoàn kết ra khơi
Theo Đại úy Lý Thoại Nguyên - Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng, để tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời hoạt động khai thác của ngư dân, đồn biên phòng đã tham mưu UBND huyện Trần Đề (Sóc Trăng) thành lập các tổ hợp tác đánh bắt thủy sản và tàu thuyền bến bãi an toàn (gọi tắt là Tổ hợp tác) với 301 phương tiện, hơn 1.500 thuyền viên tham gia. Khi tham gia, tổ viên có nhiều quyền lợi, được hướng dẫn, phổ biến, tập huấn nghiệp vụ cứu hộ, cứu nạn, phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển; được xét hỗ trợ về vốn, lãi suất sau đầu tư để chuyển giao, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật khai thác mới theo các cơ chế chính sách hiện hành. Song song đó, tổ viên có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các quy định, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ tài nguyên, chủ quyền và an ninh trật tự trên vùng biển…
Ngư dân được cán bộ Đồn Biên phòng Trung Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng tuyên truyền những quy định của tàu cá Việt Nam khi hoạt động trên biển. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Anh Trần Quốc Trọng, ở thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề đồng tình cao việc thành lập Tổ hợp tác. Anh được trao đổi kinh nghiệm về kỹ thuật khai thác, phòng, chống thiên tai, khắc phục sự cố máy móc, thân vỏ với các tổ viên khác; được thông tin kịp thời về ngư trường, thời tiết, thị trường, giá cả và kế hoạch tiêu thụ sản phẩm khi các tàu cá trong tổ về bến. Anh Trọng cũng cho biết ấn tượng nhất khi vào Tổ hợp tác là tinh thần đoàn kết rất cao, trước đây tàu nào tìm được ngư trường cá dồi dào thì tự khai thác, sau này ngư dân sẵn sàng chia sẻ cùng khai thác; các tàu còn hỗ trợ dầu, nước đá, thực phẩm, vật tư y tế cho nhau.
Còn với anh Nguyễn Trường Giang, ở thị trấn Trần Đề, mỗi khi nhắc đến những chuyến ra khơi thì không thể nào quên thời điểm khai thác riêng lẻ, chưa nắm vững pháp luật nên từng bị phạt gần 80 triệu đồng tại vùng biển tỉnh Cà Mau. Sau này khi tham gia Tổ hợp tác, anh tự tin hơn vì có sự hỗ trợ qua lại, nếu không may thuyền viên gặp nạn, luôn có sự giúp đỡ của những tổ viên khác. Trong đánh bắt cũng nhắc nhau những quy định khi hoạt động trên biển, những điều không được làm, nhất là không vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài.
Bám biển không chỉ là mưu sinh
Nói về nghề biển, ông Trần Văn Xếp nhớ lại thời điểm gia đình chỉ có phương tiện đánh bắt thô sơ nhưng tài nguyên thiên nhiên phong phú, có lúc “trúng đậm”. Khoảng chục năm trở lại đây, ông đầu tư 10 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ. “Gia đình tôi có 2 tàu được huy động theo Nghị định số 30/2010/NĐ-CP của Chính phủ về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tàu có tham gia diễn tập thực binh xử lý tình huống trên biển, qua đó cũng hiểu và nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh với những quan điểm sai trái, tiêu cực, xuyên tạc quan điểm của Đảng, Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp trên biển. Dù mỗi chuyến đi cho thu nhập không ít nhưng khi được huy động, gia đình tôi sẵn sàng tham gia vì bảo vệ biển chính là bảo vệ sự sống của chúng tôi" - ông Xếp bộc bạch.
Ông Trần Quốc Sơn là dân bám biển lâu năm của huyện Trần Đề kể về nghề biển bằng tất cả tự hào. Ông nói qua nhiều sự việc xảy ra trên biển, ai cũng nhận thức sâu sắc rằng bám biển còn hơn cả mưu sinh, đó là lòng tự tôn dân tộc, là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng. Ông kể rằng những lúc biển, đảo Việt Nam căng thẳng, các ngư dân cùng chung hành động, luôn đề cao cảnh giác, mỗi chuyến ra khơi khi phát hiện dấu hiệu bất thường trên biển đều thông báo về Đồn Biên phòng Trung Bình, Hải đội 2 hoặc cảnh sát biển qua tần số các đài canh đã được tuyên truyền trước đó.
Nỗi lo vươn khơi… Niềm tin bám biển
Những năm gần đây, việc khai thác thủy sản gặp khó khăn vì sản lượng không nhiều, giờ lại thêm “cú sốc” giá xăng dầu, ngư dân càng chần chừ vươn khơi. Nhiều gia đình cho xuất bến khoảng 20% số lượng tàu, số còn lại neo chờ. Ông Xếp trăn trở: “Chỉ tính riêng tại Côn Đảo, trước đây tàu khai thác rất đông, giờ có phần tĩnh lặng hơn. Điển hình như gia đình tôi có 10 tàu thường xuyên khai thác ngư trường Côn Đảo, giờ chỉ 2 tàu vươn khơi. Mấy ngày qua có nhiều chương trình tặng cờ cho ngư dân, tàu tôi không ra biển nhưng vẫn treo lên, nhìn lá cờ bay phất phới mà thấy buồn, cảm giác như mình chưa trọn lời thề cùng biển”. Ông Xếp cũng mong muốn những lúc khó khăn như thế này, cần chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ để tiếp sức ngư dân tiếp tục vươn khơi.
Chung cảnh khó, ông Nguyễn Văn Lấn, ở thị trấn Trần Đề đau đáu hướng mắt về bến cảng, nơi tàu neo không còn chỗ trống. Gia đình ông có 8 tàu công suất lớn, thực hiện theo sự chỉ đạo chung, các tàu đều gắn thiết bị giám sát hành trình, ngoài chi phí mua thiết bị phải trả thêm giá cước hơn 360.000 đồng/tháng, tàu không chạy nhưng tiền vẫn đóng đều đều. Ông nói trong tình hình giá xăng dầu tăng, sản lượng giảm, giá bán thủy sản không tăng thì rất cần Chính phủ có cơ chế trợ giá, trợ cước…
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Báo Người Lao Động tặng 20.000 cờ Tổ quốc cho tỉnh Sóc Trăng, thay lời động viên ngư dân bám biển. Ảnh: PHƯỚC LIÊU
Tổng số tàu thuyền tỉnh quản lý là hơn 1.000 tàu, trong đó, tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên hoạt động vùng ngoài khơi là 368 tàu. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế biển, mà còn khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Mới đây, nhận 20.000 lá cờ Tổ quốc do Báo Người Lao Động tặng có sự chứng kiến của nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, ngư dân Sóc Trăng đã bày tỏ niềm xúc động bởi đây là sự động viên tinh thần vô cùng to lớn. Giữa đại dương mênh mông, mỗi tàu, thuyền đánh bắt hải sản của ngư dân với lá cờ đỏ sao vàng tung bay như lời khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam. Thời gian tới, ngư dân rất cần sự quan tâm bằng chính sách cụ thể để tiếp sức trong hành trình vươn khơi bám biển, góp sức cùng dân tộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Theo PHƯỚC LIÊU/Báo Sóc Trăng