* Duyên nợ với Trường Sa
Tình yêu với Trường Sa, dù biết trước gian lao, khó nhọc nơi đầu sóng ngọn gió nhưng lớp lớp những người lính vẫn vác ba lô lên tàu đến với các đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết: "Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã mong muốn được khoác màu áo lính, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân".
Những người lính Trường Sa luôn nêu cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đáng nhớ nhất trong quãng đời binh nghiệp của Thượng tá Khương là thời gian anh công tác tại quần đảo Trường Sa. Trong 7 năm đó, anh đã luân chuyển đến 5 điểm đảo thuộc quần đảo gồm: đảo Thuyền Chài, đảo Đá Nam, Phan Vinh, Nam Yết và hiện là Song Tử Tây. Ở mỗi điểm đảo, Thượng tá Khương luôn nỗ lực phấn đấu tròn trách nhiệm, bền chí vững lòng, vượt qua bao khó khăn để xứng đáng là người chiến sĩ ưu tú của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Trung tá Đặng Văn Tài, Chính trị viên phó đảo Song Tử Tây quê ở Bắc Ninh kể: "Quê tôi rất ít người đi lính hải quân, số đồng đội - đồng hương ở Trường Sa chỉ đếm trên đầu ngón tay". Như một cơ duyên, cậu trai trẻ năm xưa yêu biển đảo, yêu những con tàu rẽ sóng vươn khơi đến nay đã có hơn 20 năm lắng nghe hơi thở của biển. Nhớ lại quãng đường thanh xuân tuy gian nan, vất vả nhưng anh cũng rất đỗi tự hào vì đã được cống hiến tuổi trẻ cho biển đảo, cho Tổ quốc thân yêu.
Trung tá Hoàng Đức Chiến, quê ở vùng đất mỏ Quảng Ninh, Chính trị viên đảo Sinh Tồn cũng đã trải 25 năm khoác màu áo người lính hải quân. Trong đó, anh Chiến có 6 năm công tác ở quần đảo Trường Sa. Anh Chiến tâm sự, biển đảo là ngôi nhà thân yêu thứ hai. Vì thế, dù vất vả, gian lao, nhưng một khi đã chọn con đường binh nghiệp thì chấp nhận đương đầu bất kỳ tình huống hòa bình hay tác chiến khi Tổ quốc cần. Đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của người lính. Anh dấn thân ở nơi tuyến đầu, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn bình yên cho đất nước, trong đó có bình yên cho gia đình và quê hương Quảng Ninh yêu dấu của anh.
Không riêng quân nhân, rất nhiều người dân Việt Nam thuộc các tầng lớp khác nhau đều có duyên nợ với Trường Sa. Câu chuyện của anh Cao Văn Giáp, Phó Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây giúp nhiều người hiểu rằng, khi Tổ quốc lên tiếng gọi, trái tim người dân Việt yêu nước luôn sẵn lòng đáp lại.
Trước đây, anh Giáp từng công tác ở đảo Sinh Tồn, đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của xã đảo giai đoạn trước. Khi đó, anh là Phó Chủ tịch xã, đồng thời kiêm nhiệm vai trò thầy giáo của các em nhỏ ở đảo Sinh Tồn. Sau đó, anh Giáp về lại đất liền, lập gia đình, tiếp tục cuộc sống bình thường của một công chức. Tuy nhiên, nỗi nhớ tiếng sóng biển Đông đêm đêm cứ dội về, khiến anh lại từ biệt gia đình lên đường ra đảo.
Anh Giáp tâm sự, ở nơi đảo xa, món quà quý giá là tình cảm chân thành, thắm thiết giữa quân - dân luôn đong đầy. Vợ anh Giáp ban đầu không bằng lòng với quyết định ra đảo của chồng nhưng cuối cùng cũng thương, hiểu và ủng hộ anh đi. Gia đình anh Giáp có ước muốn được đoàn tụ nơi biển đảo, để con anh trở thành những cư dân thực thụ của Trường Sa.
Thầy Phan Quang Tuấn, giáo viên ở đảo Song Tử Tây kể, vợ và các con thầy rất tự hào khi thầy tình nguyện ra Trường Sa dạy trẻ ở tuổi xế chiều. Cả thanh xuân, thầy đã cố gắng tròn trách nhiệm người chồng, người cha. Nay các con khôn lớn, thầy Tuấn muốn một lần sống cho riêng mình, vì nghĩa lớn của non sông. Ở đất liền, thầy giảng dạy bậc tiểu học; ở đảo, thầy kiêm luôn việc giảng dạy cho các cháu bé lứa tuổi mầm non. Thầy Tuấn kể, thời gian đầu cũng nhiều khó khăn, phải nắm bắt tâm lý các cháu theo độ tuổi, rút kinh nghiệm giảng dạy trong từng buổi học, để các cháu đi vào nề nếp, chăm lo học hành.
* Một lần sống cuộc đời vì Tổ quốc
Đến với Trường Sa, dù thời gian ngắn hay dài cũng đều có ý nghĩa thiêng liêng trong cuộc đời mỗi người dân Việt. ThS.BS Lê Văn Quốc thuộc ê-kíp quân y của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tăng cường tại bệnh xá đảo Song Tử Tây, kể: "Lần đầu bước chân lên đảo, tôi thấy đảo rất xanh và xinh đẹp, khác xa với tưởng tượng về vùng biển đảo xa xôi. Gắn bó với hòn đảo tiền tiêu, được quân - dân và ngư dân tin tưởng, giao phó sức khỏe, tính mạng cho bác sĩ. Nhiều ngư dân đánh bắt xa bờ hàng trăm hải lý, khi bệnh tật đều tìm mọi cách vào đảo Song Tử Tây đã giúp tôi thấu hiểu hoàn cảnh của ngư dân bám biển".
ThS.BS Lê Văn Quốc, Trưởng ê-kíp bác sĩ BV Trung ương Quân đội 108 công tác tại đảo Song Tử Tây.
BS Quốc cho biết, nhiều người bệnh tuổi cao vẫn ra khơi vì mưu sinh, chưa một lần được thăm khám sức khỏe trong đời. Đó cũng là một trong những khó khăn của bác sĩ quân y Trường Sa, bởi lẽ bác sĩ không thể biết được tiền sử bệnh của bệnh nhân, đòi hỏi khi thăm khám và phẫu thuật cần tiến hành thận trọng, kỹ lưỡng. Những trường hợp bệnh khó, vượt quá khả năng của ê-kíp, các bác sĩ hội chẩn với đất liền qua hệ thống telemedicine, nhờ các thầy, các chuyên gia hỗ trợ tìm phương án cứu chữa cho bệnh nhân. "Tôi luôn tự hào khi được khoác cùng lúc hai màu áo, áo lính hải quân và áo của lương y, quyết tâm, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao" - BS Quốc nói.
Trường Sa còn là ngôi trường lớn giáo dục thế hệ trẻ trưởng thành cả về trách nhiệm và nghị lực. Chiến sĩ Nguyễn Minh Quang, thực hiện nghĩa vụ quân sự ở đảo Sinh Tồn Đông, một năm rèn luyện ở đảo đã để lại rất nhiều kỷ niệm trong anh. "Những lúc khó khăn, luôn có đồng chí, đồng đội bên cạnh động viên, giúp đỡ, cùng nhau khắc phục và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chiến sĩ trẻ cảm thấy chững chạc, chín chắn hơn rất nhiều và nghĩ rằng, mỗi thanh niên đều nên thực hiện nghĩa vụ quân sự để tròn trách nhiệm người trai đối với non sông" - Chiến sĩ Quang cho hay.
Theo Trung tá Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, được đến với Trường Sa thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước, Quân chủng giao, được đồng bào cả nước yêu mến và tin tưởng là tự hào và vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm, ra sức huấn luyện, chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Rất nhiều chiến sĩ sau khi thực hiện nghĩa vụ với Trường Sa, trở nên trưởng thành từ nhận thức đến hành động. Các chiến sĩ ở Trường Sa trở về được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong học tập, công việc và cuộc sống.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 kể, anh bắt đầu đến với quần đảo Trường Sa từ cuối năm 2000, thường xuyên đi những chuyến tàu đến những đảo tiền tiêu để thực hiện nhiệm vụ trên cương vị công tác. Anh tâm sự, Trường Sa gần như là một phần thân thương của cuộc đời anh. Mỗi khi rời đảo về đất liền, anh lại muốn sớm quay ra đảo. Ngót 20 năm thực hiện nhiệm vụ trên quần đảo Trường Sa, anh đón tiễn và chứng kiến những đổi thay, phát triển của quần đảo, cũng như nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với quân và dân đang đóng quân, sinh sống trên quần đảo Trường Sa.