"Hường yêu thương của anh! Nhân dịp đầu năm mới, anh gởi tới vợ yêu lời chúc sức khỏe bình an, hạnh phúc, đón một mùa xuân mới an lành”... Đó là những dòng mở đầu những cánh thư mà Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây viết cho chị Đinh Thị Thanh Hường, người vợ hiền của anh đang ở quê nhà Quảng Ninh.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây nắn nót bức thư viết tay gởi về cho vợ, mong hậu phương cảm nhận được tấm chân tình của người nơi hải đảo
Năm nào cũng vậy, anh Khương đều viết thư về cho vợ. Qua những dòng thư viết tay, anh mong vợ và gia đình cảm nhận được đầy đủ tấm chân tình của người lính đảo xa. Anh thương chị chịu nhiều thiệt thòi khi làm vợ lính và cũng biết ơn chị đã thay anh chăm lo cho gia đình. Anh cũng thương các con thiếu thốn tình cảm của bố nhưng cũng tin rằng các con hiểu chuyện, biết cảm thông và rèn luyện được tinh thần tự lập trong cuộc sống, sau này trở thành công dân có ích cho xã hội.
Thượng úy Trương Thanh Tú lập gia đình được 10 tháng thì đã có 7 tháng xa vợ. Vợ anh là luật sư, đang làm việc ở TP Hồ Chí Minh trong khi anh đang công tác tại xã đảo Song Tử Tây. Họ có một tình yêu đẹp thông qua mạng xã hội, ban đầu chỉ chuyện trò làm quen rồi dần tâm đầu ý hợp, anh Tú quyết định đi đến cưới xin trong khoảng thời gian anh được nghỉ phép hồi tháng 3 hồi năm ngoái.
Sau khi rước được nàng về dinh, anh Tú lại đi biền biệt đến nay. Tuy xa cách nghìn trùng nhưng khoảng cách địa lý không ngăn trở được tình yêu. Họ luôn dành cho nhau những dòng tin nhắn yêu thương, gọi điện động viên nhau cùng nỗ lực vun đắp hạnh phúc gia đình.
Anh Tú tâm sự, phụ nữ lấy chồng bộ đội thường vất vả, chồng đi lính đảo, chị em càng thiệt thòi hơn. Nhưng họ là chỗ dựa, hậu phương vững chắc để người lính đảo yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ đất nước.
Con cái dù có khôn lớn thế nào, nhiều bao nhiêu tuổi vẫn mãi mãi là đứa con bé nhỏ trong lòng những người mẹ. Trung tá Hoàng Đức Chiến, Chính trị viên đảo Sinh Tồn thấu hiểu tâm tư đó của mẹ già khi anh nhiều năm công tác ở đảo xa. Anh kể, mỗi lần họp mặt hay dịp lễ, Tết, gia đình sum họp, mẹ anh ở quê đều gọi điện thoại cho anh, để nghe được tiếng đứa con trai cho đỡ nhớ thương.
Gia đình anh Chiến có 6 anh chị em, riêng anh đi theo con đường binh nghiệp. Anh tự hào vì nghề nghiệp của bản thân, cũng là niềm tự hào của cả gia đình, được góp sức bảo vệ Tổ quốc, biển đảo thiêng liêng.
* Tâm tình người lính biển
Trung úy Phan Việt Hoàng hiện đang công tác tại đảo Cô Lin cho biết, đây là năm đầu tiên anh xa nhà, ăn Tết ở đảo xa. Vì thế anh muốn gởi lời chúc nhân dịp xuân về đến gia đình, người thân, bạn bè và cả đồng bào ở mọi miền Tổ quốc một năm mới vạn sự như ý, gia đình hạnh phúc và gặp nhiều thuận lợi trong công việc. Thay mặt cho tất cả những người lính đảo, Trung úy Phan Việt Hoàng hứa sẽ luôn nỗ lực học tập, rèn luyện thực hiện tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, Nhân dân giao phó, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Quân - Dân đảo Sinh Tồn hát ca bên nồi bánh chưng những ngày giáp Tết nguyên đán cổ truyền của dân tộc
Tết này, chiến sĩ Trần Văn Đạt ở đảo Sinh Tồn được về nhà sum họp với gia đình sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Đạt chia sẻ, trước đây còn ở nhà, Đạt không ham học hành, nhưng từ khi đi bộ đội, đến với Trường Sa, được học tập và rèn luyện trong môi trường quân ngũ, được chỉ huy và đồng đội yêu thương, Đạt dần nhận thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của một người thanh niên tốt. Đạt cho biết sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Trường Sa sẽ trở lại đất liền tiếp tục học nghề, xây dựng tương lai và báo hiếu cho cha mẹ.
Trường Sa không chỉ là ngôi trường lớn để thử thách, hun đúc tinh thần của những người lính hải quân mà còn là gia đình chung của tất cả những ai đã từng sinh sống, làm việc hay chỉ một lần đến với nơi này. Thiếu tá - Bác sĩ Tạ Đức Thao, bác sĩ của BV Trung ương Quân đội 108 vừa hoàn thành nhiệm vụ 1 năm công tác tại đảo Song Tử Tây bùi ngùi lưu luyến khi lên tàu về đất liền. BS Thao còn nhớ ngày đầu khi mới lên đảo, anh nhớ nhà và bỡ ngỡ với những công việc, cuộc sống nơi đây.
BS Thao kể: "Hơn 300 ngày qua, tôi có rất nhiều kỷ niệm, mãi không bao giờ phai mờ ký ức về Trường Sa. Tôi và các đồng nghiệp đã được hòa mình vào cuộc sống thực tế sinh động của quân và dân trên đảo, đồng thời, cũng chứng kiến những vất vả, nguy hiểm của những ngư dân vươn khơi bám biển".
BS Thao cũng rất hạnh phúc và tâm đắc khi đã được đóng góp một phần công sức, giúp chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và người dân, cứu chữa cho nhiều ngư dân gặp nạn, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Khi chuẩn bị rời đi, anh cũng chia sẻ kinh nghiệm thực tế nơi này cho các đồng nghiệp mới từ đất liền ra đảo nhận nhiệm vụ.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 Vùng 4 hải quân cho biết, Quân chủng Hải quân nói chung cũng như Lữ đoàn 146 nói riêng luôn chú trọng các giải pháp gắn kết và xây dựng tình đoàn kết giữa quân với quân và giữa quân với dân trên các hòn đảo để tạo nên sức mạnh tổng hợp Trường Sa. Trong đó, yếu tố gắn kết hữu hiệu nhất chính là mọi người cùng sống với nhau bằng tình cảm chân thành, tất cả vì lý tưởng và sứ mệnh thiêng liêng.
Thượng tá Nguyễn Văn Thọ cho biết, khi một đồng chí hoặc hộ dân của điểm đảo có người thân, gia đình ở đất liền gặp khó khăn hoặc bệnh tật thì chỉ huy và tập thể đồng đội kịp thời hỗ trợ, động viên để cá nhân được tiếp thêm nội lực và sự can trường. Ngoài ra, địa phương sở tại của các gia đình cán bộ, chiến sĩ cũng được quan tâm hỗ trợ theo chính sách hậu phương quân đội. Cả đất liền và hải đảo đều cùng cố gắng, vì sứ mệnh của người lính bảo vệ vùng biển tiền tiêu của Tổ quốc.
Theo Trung tá Bùi Văn Quê, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Trường Sa là nơi đầu sóng ngọn gió nhiều gian khổ. Các lực lượng luôn ở tinh thần, trạng thái thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tinh thần nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ ở nơi này rất lớn. Sự đoàn kết, thống nhất trong cấp ủy, chỉ huy, trong các tổ chức tạo nên sức mạnh giải quyết mọi vấn đề khó khăn.
Bài, ảnh: Minh Thơ
(Còn tiếp)