Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đại tá Trần Văn Dương, Ủy viên BCH Đảng bộ thành phố, Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Giám đốc Công an thành phố Cần Thơ thông tin chuyên đề: “Những nội dung cơ bản của 03 dự thảo Luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); và Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự”; chuyên đề “75 năm CAND học tập và thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy (11/3/1948 - 11/3/2023) và 75 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023)”. Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân giản dị, mộc mạc, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, nhưng hàm chứa những nội dung sâu sắc, phong phú, thể hiện đầy đủ ý nghĩa cách mạng và khoa học; lý luận và thực tiễn; phẩm chất và năng lực của người cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân Việt Nam. Đây là hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ công an cách mạng; là đạo lý, tình cảm; là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân; là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử; là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện.
Cũng tại Hội nghị các đại biểu được đồng chí Huỳnh Phú Hiệp - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin chuyên đề: “Kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và những điểm mới nổi bật của dự thảo Luật”. Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung và của từng Bộ, ngành, địa phương nói riêng. Vì vậy, trong nhiều tháng qua, hoạt động lấy ý kiến góp ý về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp. Theo kết quả tổng hợp của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính đến hết ngày 02/4/2023, đã có 11.685.461 lượt ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo Luật được tập hợp gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường. Qua tổng hợp ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhiều ý kiến tán thành với các nội dung cơ bản của dự thảo Luật, đánh giá dự thảo đã có nhiều đổi mới, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân, phát huy được nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quản lý đất đai chặt chẽ, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả.
Đồng chí Phan Văn Thép – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy phát biểu kết luận hội nghị và định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên dư luận xã hội, các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện tại Cần Thơ và cơ quan báo, đài địa phương lưu ý tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tập trung tuyên truyền một số nội dung trọng tâm sau:
Một là, tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy, cần nhận thức rõ Sáu điều Bác Hồ dạy là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuyên truyền 03 dự thảo Luật: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân. Trong đó, tập trung nhấn mạnh các điểm mới, tiến bộ trong các dự án luật, việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào công tác quản lý nhà nước của Bộ Công an; những tác động tích cực của dự án luật đối với công tác bảo đảm an ninh trật tự…
Hai là, tiếp tục tuyên truyền kết quả lấy ý kiến Nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nhấn mạnh: Luật Đất đai là một đạo luật khó, phức tạp, tác động tới hầu hết các ngành, lĩnh vực, chủ thể trong xã hội, do đó, việc lấy ý kiến Nhân dân là cơ sở thực tiễn quan trọng để tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp thứ 5 tới đây (tháng 5/2023). Song song đó, cần thống nhất, việc lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng; thu hút được sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, nhân sĩ, trí thức, người Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; huy động trí tuệ, tâm huyết của toàn thể các tầng lớp Nhân dân…
Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền khẳng định thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2023. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn giữa các bộ, ngành, cơ quan làm công tác truyền thông chính sách; xây dựng, hoàn thiện, ban hành và thực thi chính sách; bố trí bộ phận truyền thông chính sách tham gia góp ý, phản biện trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách…
Bốn là, Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước và thành phố, cụ thể như: Giỗ Tổ Hùng Vương (ngày 29/4, nhằm mùng 10 tháng 3 Âm lịch, thành phố tổ chức tại Đền thờ Vua Hùng), Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023), Kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023), Kỷ niệm 153 năm Ngày sinh Lênin (22/4/1870 - 22/4/2023); Kỷ niệm 205 năm Ngày sinh C. Mác (05/5/1818 - 05/5/2023), Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, …
Tin, ảnh: Hoàng Oanh