Kỷ niệm 69 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2023): Phương châm tác chiến “đánh chắc, tiến chắc” trong chiến dịch Điện Biên Phủ - sự sáng tạo của nghệ thuật Quân sự Việt Nam

Chủ nhật - 07/05/2023 10:18 254 0
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (07/5/1954) không chỉ là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam mà còn là nguồn cổ vũ to lớn, mạnh mẽ đối với Nhân dân yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới. Chiến thắng ấy đã giáng một đòn quyết định, đập tan mọi nỗ lực cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Genève chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương. Có thể nói, một trong những nhân tố quan trọng tạo nên thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử là việc ta chọn phương châm tác chiến “chắc thắng mới đánh”, “đánh chắc, tiến chắc”, đây là sự sáng tạo độc đáo của nghệ thuật Quân sự Việt Nam.
3 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Điện Biên Phủ là một thung lũng rộng lớn giữa bốn bên là núi rừng trùng điệp. Trung tâm thung lũng là cánh đồng Mường Thanh khá bằng phẳng, có chiều dài gần 20km, chỗ rộng nhất là từ 6 - 8m. Giữa lòng chảo Điện Biên Phủ có con sông Nậm Rốm chảy theo hướng Nam - Bắc, mang nước và phù sa tạo nên cánh đồng Mường Thanh trù phú, đông đúc bậc nhất vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc. Với vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ, thực dân Pháp được sự trợ giúp, can thiệp của đế quốc Mỹ đã ra sức xây dựng một tập đoàn cứ điểm ở Điện Biên Phủ và biến nơi đây thành căn cứ quân sự khổng lồ lên đến 16.200 tên, gồm 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng M24, 1 đại đội xe vận tải, 1 phi đội 12 máy bay thường trực với 4.000 quân nhảy dù… Vũ khí là 60 đại bác, súng cối hạng nặng cỡ 105, 120 và 155 ly; 10 xe tăng 18 tấn, 200 xe vận tải, 14 phi cơ trinh sát và khu trục. Lương thực, đạn dược dự trữ trong 3 tháng1. Mỗi một cứ điểm cũng như toàn bộ tập đoàn cứ điểm đều có khả năng phòng ngự mạnh với hệ thống công sự chìm dưới mặt đất và nổi (hàng rào, bãi dây thép gai, bãi mìn...). Các cứ điểm này tập trung thành cụm cứ điểm2. Mỗi trung tâm có từ ba đến năm cứ điểm. Tất cả các trung tâm đề kháng, hợp thành tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là nơi “Bất khả xâm phạm”.

Ba phân khu lớn của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (Phân khu Bắc, phân khu Trung tâm và phân khu Nam) là một hệ thống liên hoàn hỗ trợ cho nhau. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ có 2 sân bay: Mường Thanh ở phân khu Trung tâm là sân bay chính vào loại lớn nhất Đông Dương hồi đó và ở Hồng Cúm có 1 sân bay dự bị. Một cầu hàng không ngày ngày nối liền Điện Biên Phủ với Hà Nội, Hải Phòng. Trung bình cứ mỗi ngày có gần 100 chiếc máy bay vận tải tiếp tế từ 200 - 300 tấn hàng và thả dù khoảng 100 - 250 tấn cho cả tập đoàn cứ điểm. Với lực lượng lớn và công sự vững chắc, được trang bị vũ khí tối tân và đầy đủ như vậy, các tướng tá thực dân Pháp sau khi đến thăm Điện Biên Phủ đều huênh hoang tuyên bố: “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ mạnh nhất, chưa từng có ở Đông Dương”, “một Véc - doong” thứ hai ở Viễn Đông, “Một pháo đài bất khả xâm phạm”3. Do nhận định chủ quan như vậy, nên thực dân Pháp tin chắc rằng, quân ta ít có khả năng tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Ngày 05/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên đường ra mặt trận, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên chỉ được thắng, không được bại, vì bại thì hết vốn”4. Với cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng mặt trận Điện Biên, để hoàn thành được trọng trách mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân giao phó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp phải cân nhắc tính toán làm sao cho trận này chắc thắng. Chiều ngày 12/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tới Sở Chỉ huy ở hang Thẩm Púa. Ngày 14/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp triệu tập Hội nghị Đảng ủy Mặt trận. Tại Hội nghị các Đảng ủy viên đều nhất trí chọn phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” với lý do: quân ta đang sung sức, quyết tâm cao, có trọng pháo, cao xạ tham gia chiến đấu, việc cung cấp hậu cần có thể đáp ứng được nhu cầu chiến dịch… còn đánh dài ngày, sẽ gặp nhiều khó khăn về cung cấp lương thực, thực phẩm, đạn, thuốc chữa bệnh… Sau khi nghiên cứu, phân tích tình hình của ta và địch, ý kiến của đồng chí Phạm Kiệt về tình hình bảo vệ pháo tại trận địa như sau: “Lúc này pháo vẫn phơi mình trên mặt đất, chỉ kịp làm công sự dã chiến, ban ngày địch mà phát hiện được thì thật là nguy hiểm”5. Đồng thời, nghe đồng chí Lê Trọng Tấn - Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 báo cáo: “Nếu thực hiện cách đánh nhanh, quân của anh phải đột phá liên tục ba phòng tuyến rất khó khăn nhưng sẽ cố gắng”6. Mang theo lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh”7. Đại tướng nhận thấy phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” không thực sự khả thi nhưng mới đến mặt trận, chưa hội đủ cơ sở thực tế để bác bỏ. Sau khi cân nhắc mọi tình hình, sáng ngày 26/01/1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã triệu tập cuộc họp Đảng ủy Mặt trận nhắc lại tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ IV, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa II (từ ngày 25 đến ngày 30/01/1953) và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chắc thắng mới đánh. Không chắc thắng không đánh” và đề nghị các đồng chí Đảng ủy viên hãy vì trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và quân đội. Với tinh thần đoàn kết và ý thức trách nhiệm cao, cuối cùng tập thể Đảng ủy nhất trí thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng” nhanh sang “đánh chắc, tiến chắc”.
3 2
Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào Sở chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, chiều 07/5/1954. Ảnh tư liệu TTXVN.

Phương châm “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được tổng kết thành nghệ thuật đánh công kiên8 với 6 chữ “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”. Sáu chữ này có thể được diễn giải bằng các bước triển khai nối tiếp trên thực tế: vây chặt, lấn sâu, tấn công không ngừng, phá hủy công sự địch, triệt viện binh và tiếp tế, tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm hoặc cụm cứ điểm. Với kế hoạch tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự quyết tâm của toàn quân, sự đồng lòng chung sức của Nhân dân, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bóc vỏ dần với trận mở màn vào chiều ngày 13/3/1954 khi ta đánh chiến hai cứ điểm quan trọng là Him Lam và Độc Lập, tiếp đó ta uy hiếp sân bay Mường Thanh, đây là thắng lợi đầu tiên của quân ta làm cho thực dân Pháp hoang mang, lo sợ. Đợt 2, bắt đầu từ ngày 30/3/1954, quân ta chiếm được phần lớn các cứ điểm quan trọng ở phía đông, chia cắt, bao vây khống chế quân tiếp viện của địch. Quân Pháp được tăng thêm 4 tiểu đoàn. Đế quốc Mỹ phải tăng cường gấp cho thực dân Pháp 179 máy bay và giặc lái. Đợt 3, từ ngày 01 đến ngày 07/5/1954 tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. Thấy rõ nguy cơ bị tiêu diệt, quân địch dự định phá vòng vây chạy sang Lào nhưng không kịp. Đúng 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, tướng De Castries và toàn bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm bị bắt sống, 12.000 quân địch ra hàng, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật Quân sự Việt Nam, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, quyết đoán, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự chỉ đạo trực tiếp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chỉ huy trưởng chiến dịch đã chọn hướng tiến công chiến lược, nhằm đúng huyệt hiểm của đối phương. Việc chuyển từ phương châm chiến dịch “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là sự chuyển hướng đầy khó khăn nhưng chính xác, thể hiện tinh thần cách mạng tấn công triệt để, khoa học và hơn hết, đó là quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trước toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đưa cuộc kháng chiến gian khổ của Nhân dân ta đến hồi kết thúc. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã góp phần làm phong phú thêm kho tàng nghệ thuật Quân sự Việt Nam.
Phòng LLCT – LSĐ

---------------------
1,3. Chiến thắng Điện Biên Phủ những vấn đề lịch sử, tập 1, NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tr.163, tr.165.
2. Còn gọi là các trung tâm đề kháng theo kiểu phức tạp.
4,5,6,7. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Viện Lịch sử Đảng, 60 năm chiến thắng Điện Biên phủ, NXB Chính trị Quốc gia, tr.144, 145.
8. Đánh địch phòng ngự trong công sự vững chắc.
---------------------
Tài liệu tham khảo
- Chiến thắng Điện Biên Phủ những vấn đề lịch sử, tập 1, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2014.
- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Viện Lịch sử Đảng, 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, NXB Chính trị Quốc gia, 2014.
- Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2006.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây