Điện Biên Phủ trên không - sức mạnh của chiến tranh nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Thứ tư - 14/12/2022 04:57 6.052 0
Sau khi Hiệp định Genève (20/7/1954) được ký kết, buộc thực dân Pháp phải rút quân về nước, lập lại hòa bình trên cơ sở thừa nhận chủ quyền dân tộc của ba nước Đông Dương. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc Việt Nam kết thúc thắng lợi. Một nửa đất nước được giải phóng, mở ra thời kỳ cách mạng mới. Miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam; đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, thống nhất Tổ quốc, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ trong cả nước.
chien thang Dien bien phu tren khong - suc manh van hoa giu nuoc dac sac viet nam hinh anh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân chuẩn bị phương án đánh B-52 năm 1972. Ảnh tư liệu.

Từ năm 1954 - 1975, đế quốc Mỹ đã triển khai ở Việt Nam 4 chiến lược chiến tranh, đó là “Chiến tranh đơn phương”, “Chiến tranh đặc biệt”, “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Trước những âm mưu và thủ đoạn mới của đế quốc Mỹ, cả dân tộc Việt Nam đồng lòng nắm chắc tay súng, đoàn kết quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất đất nước.

Sau khi hàng loạt các chiến lược của đế quốc Mỹ được triển khai và liên tiếp thất bại trên chiến trường miền Nam, đặc biệt nhất là cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta ở miền Nam đã đẩy địch rơi vào tình thế khó khăn, làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn, buộc chúng phải tiến hành “Mỹ hóa” trở lại cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bằng cách huy động lực lượng không quân và hải quân, ồ ạt tham chiến ở miền Nam và gây lại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc. Lực lượng không quân và hải quân Mỹ huy động vào Việt Nam từ tháng 4/1972 với số lượng lớn nhất và thuộc loại hiện đại nhất. “Về máy bay, Mỹ huy động lúc cao nhất là 1.400 máy bay chiến thuật, chiếm 40% lực lượng không quân chiến thuật Mỹ, 193 máy bay B52, chiếm 45% số máy bay B52 toàn quốc Mỹ. Về tàu chiến, chúng huy động 14 chiếc, chiếm 3/4 số tàu chiến của Hạm đội 7. Chỉ riêng lực lượng không quân Mỹ sử dụng để đánh Việt Nam đã bằng lực lượng không quân ba nước mạnh nhất Tây Âu lúc đó cộng lại (Anh 600 chiếc, Pháp 475 chiếc, Tây Đức 500 chiếc)”[1].
chien thang Dien bien phu tren khong - suc manh van hoa giu nuoc dac sac viet nam hinh anh 2
Ảnh tư liệu.

Một tuần sau khi quân dân ở miền Nam bắt đầu cuộc tiến công chiến lược (30/3/1972), đến ngày 06/4/1972, đế quốc Mỹ cho không quân và hải quân đánh phá một số nơi ở miền Bắc. Ngày 16/4/1972, Richard Nixon tuyên bố chính thức mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Đến ngày 09/5/1972, Nixon ra lệnh thả mìn phong tỏa bến cảng cùng các cửa sông, luồng lạch, vùng biển miền Bắc. Mục tiêu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ cũng là mục tiêu mà chúng đã đặt ra cho cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, nhằm thực hiện âm mưu nhất quán của đế quốc Mỹ là phá hoại tiềm lực kinh tế, quốc phòng và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội miền Bắc, ngăn chặn nguồn tiếp tế của miền Bắc cho chiến trường miền Nam và của các nước cho Việt Nam; làm giảm ý chí chống đế quốc Mỹ cứu nước của Nhân dân ở cả hai miền, trước mắt là để cứu nguy cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và tạo thế mạnh trên bàn đàm phán ở Paris.

Ngay khi đế quốc Mỹ vừa đánh phá miền Bắc, Bộ Chính trị Trung ương Đảng và Chính phủ đã ra lời kêu gọi toàn quân, toàn dân ta kiên quyết chiến đấu chống lại mọi hành động leo thang chiến tranh mới của đế quốc Mỹ. Tiếp đó, ngày 01/6/1972, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra nghị quyết, nêu rõ: “Mọi hoạt động của miền Bắc phải thật sự khẩn trương chuyển hướng nhằm đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu cho phù hợp với thời chiến”[2]. Thực hiện nghị quyết của Đảng, miền Bắc đã nhanh chóng chuyển mọi hoạt động vào thời chiến. Các lực lượng vũ trang nhân dân ta kiên quyết đánh trả lực lượng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Công tác phòng không nhân dân được tiến hành khẩn trương, đặc biệt là việc sơ tán, phân tán ở các thành phố, thị xã và các khu vực trọng điểm giao thông. Nhờ được chuẩn bị trước và với tư thế luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, quân dân ta ở miền Bắc đã có thể chủ động, kịp thời chống trả địch. Với tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, với cách đánh mưu trí, vận dụng sáng tạo những kinh nghiệm của lần chống chiến tranh phá hoại trước. Kết quả, chỉ trong vòng 01 tháng (từ 06/4 - 08/5/1972) kể từ khi địch đánh phá, ta đã bắn rơi 90 máy bay địch, bắn cháy 20 tàu chiến, bắt sống giặc lái, đồng thời vẫn đảm bảo thông suốt các tuyến đường chi viện cho tiền tuyến.
chien thang Dien bien phu tren khong - suc manh van hoa giu nuoc dac sac viet nam hinh anh 3
Những khẩu đội pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội. Ảnh tư liệu. 

Giữa lúc cuộc chiến đấu chống trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc và cuộc tiến công chiến lược ở miền Nam đang trên đà chiến thắng thì Nhân dân ta cùng với Nhân dân hai nước Lào và Campuchia giành thêm những thắng lợi về chính trị - ngoại giao trên thế giới. Đứng trước tình hình đó, Nixon cử một phái đoàn đến Paris nối lại cuộc đàm phán mà chúng đã tự ý bỏ vào tháng 3/1972 và đến ngày 22/10/1972 thì chúng tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra nhằm đánh lừa dư luận trên thế giới và ở nước Mỹ, để hỗ trợ cho Nixon trong cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 1972.

Trước âm mưu của địch, ngay sau khi đế quốc Mỹ tuyên bố ngừng ném bom bắn phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã nhắc nhở quân dân ta phải luôn luôn cảnh giác với địch và sẵn sàng tư thế chiến đấu. Đúng như ta phán đoán, ngay sau khi đã trúng cử lại tổng thống, Nixon liền trở giọng đe dọa, phá ngang, làm cho cuộc đàm phán ở Paris bị bỏ dỡ. Ngày 14/12/1972, chính quyền Nixon phê chuẩn kế hoạch mở cuộc tập kích bằng không quân chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng. Cuộc tập kích diễn ra 24/24 giờ trong ngày bằng máy bay chiến lược B52 vào thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, bắt đầu từ chiều tối ngày 18 đến ngày 29/12/1972 . Đế quốc Mỹ đã huy động vào cuộc tập kích chiến lược này:“100 máy bay B52, 700 máy bay chiến thuật (trong đó có 30 chiếc F111), hơn 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7. Trong suốt 12 ngày đêm, Mỹ đã sử dụng khoảng 700 lần chiếc máy bay chiến lược B52, 3.884 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu, đánh phá liên tục Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía bắc vĩ tuyến 20. Riêng tại khu vực Hà Nội, Mỹ sử dụng tới 444 lần chiếc máy bay chiến lược B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu”[3]. Máy bay địch đã ném ồ ạt nhiều loại bom đạn xuống các khu đông dân, bệnh viện, trường học, bến xe, nhà ga..., gây nhiều thương vong cho nhân dân ta. Số lượng bom đạn đế quốc Mỹ ném trong vòng 12 ngày đêm lên tới 10 vạn tấn (riêng Hà Nội là 4 vạn tấn), với sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử thuộc loại Mỹ ném xuống Nhật Bản vào năm 1945. Đây thật sự là cuộc tập kích chiến lược bằng không quân với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh.
chien thang Dien bien phu tren khong - suc manh van hoa giu nuoc dac sac viet nam hinh anh 4
Trận địa tên lửa phòng không và pháo cao xạ được bố trí để tiêu diệt máy bay địch. Ảnh tư liệu.
 
Về phía ta, do có sự đề phòng và chuẩn bị tốt cả về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, phương tiện nên quân dân ta ở Hà Nội, Hải Phòng... đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích bằng máy bay chiến lược B52 của đế quốc Mỹ. Kết quả, trong cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm cuối năm 1972 của địch, quân dân ta đã bắn rơi 81 máy bay của đế quốc Mỹ (có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111), bắt sống 44 giặc lái, bắn chìm và bắn hỏng 9 tàu chiến. Riêng Hà Nội, bắn rơi 30 máy bay, trong đó có 23 máy bay B52, 2 máy bay F111. Đây là trận đánh tiêu diệt nhiều máy bay B52 - con “chủ bài” của không quân Mỹ đầu tiên trên thế giới, là trận thắng quân sự lớn của ta, với thắng lợi này đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiêp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và rút hết quân về nước. Thế giới gọi đó là trận“Điện Biên Phủ trên không” đối với quân xâm lược Mỹ.
 
Chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta đối với cuộc tập kích chiến lược bằng B52 và nhiều loại máy bay khác của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng (12/1972) có ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Đây là lần đầu tiên, quân và dân ta tổ chức và thực hành thắng lợi một chiến dịch phòng không - một loại hình chiến dịch của chiến tranh hiện đại, đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng không quân của đế quốc Mỹ, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược lâu dài của một đạo quân viễn chinh, tạo tiền đề cho những thắng lợi tiếp theo của Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Có thể nói, trận“Điện Biên Phủ trên không” là sức mạnh của thế trận chiến tranh nhân dân, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại mới, thời đại Hồ Chí Minh lịch sử; xứng đáng là một chiến thắng đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại.
chien thang Dien bien phu tren khong - suc manh van hoa giu nuoc dac sac viet nam hinh anh 5
Người dân Thủ đô chăm chú theo dõi tin chiến thắng qua báo chí hàng ngày và các bảng thông tin, trong những ngày Mỹ đánh phá ác liệt cuối tháng 12/1972. Ảnh tư liệu.
Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng
----------------------
[1] Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập III, tr.240.
[2] Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập III, tr.241.
[3] Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập III, tr.243.
-----------------
Tài liệu tham khảo:
1. Lê Mậu Hãn, Trần Bá Đệ, Nguyễn Văn Thư chủ biên, Đại Cương lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, xuất bản 2006.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo trình lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006.
3. Bộ Quốc phòng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 -1975, tập VII, Thắng lợi quyết định năm 1972, NXB Chính trị Quốc gia, 2013.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây