Không để cái tôi hẹp hòi ẩn chứa trong các xuất bản phẩm

Thứ hai - 24/06/2024 04:18 143 0
Theo lý luận mỹ học mác-xít, sự sáng tạo của văn nghệ sĩ muốn được thăng hoa cần hướng đến tinh thần nhân văn, tiến bộ, vì phẩm giá con người và vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Để làm được điều này, mỗi tác giả phải thực sự thấm nhuần lý tưởng và đạo đức cách mạng, biết thấu cảm, đồng điệu, tiếp nhận, chia sẻ và lan tỏa để truyền cảm hứng, tư tưởng tác phẩm của mình cho cộng đồng xã hội.
Học sinh tham quan, tìm hiểu sách tại Phố Sách Hà Nội năm 2024. (Ảnh: Phạm Linh/ qdnd.vn)

Học sinh tham quan, tìm hiểu sách tại Phố Sách Hà Nội năm 2024. (Ảnh: Phạm Linh/ qdnd.vn)

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - công nghệ, việc kết nối con người, kết nối thế giới đến gần nhau hơn. Đặc biệt, trí tuệ nhân tạo (AI) đang hứa hẹn mở ra một thế giới mới - “thế giới hưởng thụ” của con người trong tương lai cũng đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết, trong đó có lĩnh vực xuất bản phẩm văn hóa.

Việc thúc đẩy văn hóa đọc hiện nay đang là những thách thức đối với xã hội. Do công nghệ phát triển, việc tiếp xúc với xu hướng tiết kiệm thời gian, việc đọc nhanh, đọc lướt đang hình thành trong phần lớn độc giả, nhất là độc giả trẻ tuổi. Không ngẫu nhiên mà năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hằng năm là Ngày sách Việt Nam; đến năm 2021 đổi thành Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Điều này có thể thấy, việc tổ chức ngày hội đọc sách, kích thích văn hóa đọc sách là việc làm ý nghĩa nhằm nâng cao tri thức cho con người và xã hội.

Thời gian qua, bên cạnh các công trình nghiên cứu, sáng tác được đúc kết bằng kinh nghiệm, trí tuệ của những người nhiệt huyết, có tâm, có tầm và những người luôn trăn trở trước vận mệnh của đất nước thì vẫn còn một số tư tưởng phóng khoáng, dễ dãi, lệch chuẩn âm thầm len lỏi vào đời sống xuất bản. Lợi dụng những khe hở trong việc quản lý xuất bản, họ đã đưa ra những luận cứ thiếu thuyết phục, với những nội dung tầm thường. Thậm chí, họ còn so sánh sự phát triển của đất nước ta với một số nước phát triển phương Tây; phủ nhận những thành tựu mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã đạt được trong suốt gần một thế kỷ qua; đánh giá sự phát triển của đất nước ta bằng con mắt hẹp hòi, thiển cận, quy chụp. Đây là một cách nhìn nhận mang tính ích kỷ cá nhân có chủ đích, thiếu lành mạnh, thậm chí mang dụng ý xấu.

Chúng ta biết rằng không một sản phẩm nào (kể cả sản phẩm tinh thần phi truyền thống) do con người sáng tạo ra đều mang giá trị hoàn mỹ. Bất kỳ một công trình nào, bên cạnh những phát kiến vĩ đại vẫn còn đâu đó một số khiếm khuyết, hạn chế nhất định. Do vậy, những người đánh giá với thái độ công tâm, khách quan thì vẫn có thể phê bình, góp ý theo hướng xây dựng để chủ thể công trình nhanh chóng nhận ra vấn đề để khắc phục. Ngược lại, nếu họ nhìn nhận bằng con mắt soi mói, động cơ hẹp hòi thì cũng là một cách hạ bệ, thậm chí phủ nhận toàn bộ mặt tốt, mặt tích cực của các công trình, tác phẩm hữu ích đó.

Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Chủ nghĩa cá nhân dù lớn, dù nhỏ, tuy mức độ có khác nhau nhưng đều là một thứ vi trùng đục khoét tư tưởng của người cách mạng, gây ra một thứ tác hại cho cách mạng và làm cho bản thân người đó ăn cũng không ngon, ngủ không yên. Nếu chúng ta nặng về lo lắng cho lợi ích, tiền đồ cá nhân thì khó lòng mà đưa cách mạng tiến lên được”.

Xuất bản phẩm văn hóa là sản phẩm tinh thần mang tính đặc thù gắn liền với cái tôi sáng tạo chủ thể, mà ở đó, cái tôi cá nhân luôn thể hiện sự khác biệt để tạo ra bản sắc (từ cách viết, tiếp cận vấn đề cho đến văn phong, cách diễn đạt và mục đích sáng tạo). Cũng vì điều này có thể khiến chủ thể sáng tạo dễ bị cái tôi cá nhân chi phối, thậm chí bị lợi dụng, lôi kéo nếu bản lĩnh cá nhân thiếu kiên định, tỉnh táo. Vì vậy, trước hết người sáng tạo phải có tư tưởng lành mạnh, bản lĩnh vững vàng, kiên định với mục tiêu, mục đích sáng tạo vì lợi ích chung của cộng đồng. Khi sáng tạo phải biết kết tinh những tài năng vốn có với cá tính sáng tạo cá nhân hòa nhập đời sống xã hội, để đem đến cho cộng đồng những sản phẩm ưu tú, hữu ích nhất.

Sự sáng tạo của văn nghệ sĩ muốn được thăng hoa cần hướng đến tinh thần nhân văn, tiến bộ, vì phẩm giá con người và vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc. Để làm được điều này, mỗi tác giả phải thực sự thấm nhuần lý tưởng và đạo đức cách mạng, biết thấu cảm, đồng điệu, tiếp nhận, chia sẻ và lan tỏa để truyền cảm hứng, tư tưởng tác phẩm của mình cho cộng đồng xã hội. Phải có nền tảng kiến thức vững chắc, biết chắt lọc cái đúng-cái sai; biết thể hiện cái tôi cá nhân đúng lúc, đúng chỗ; dùng cái tôi có chủ đích vì chất lượng tác phẩm và vì lợi ích xã hội.

Muốn tài năng sáng tạo của cá nhân được khơi nguồn, phát huy, các cơ quan chức năng và hội chuyên ngành cần quan tâm, định hướng trong nghiên cứu, sáng tạo công trình, tác phẩm nghệ thuật cho các tác giả. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức hữu quan phải thể hiện được vai trò của “ngôi nhà chung”, là cái nôi tinh thần, bệ đỡ và điểm tựa vững chắc để người làm công tác nghiên cứu, sáng tạo đặt trọn niềm tin.

Cùng với đó, cần quan tâm tạo ra những sân chơi hữu ích cho giới trí thức và người sáng tạo nghệ thuật (tổ chức các cuộc thi, cuộc vận động nghiên cứu, sáng tác, các chuyến thực tế, khai thác tư liệu...) để qua đó bồi dưỡng giá trị tinh thần, bồi đắp thêm kiến thức cho chủ thể nghiên cứu, sáng tạo./.

ThS. NGUYỄN XUÂN HÙNG
Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

(Nguồn: Báo QĐND)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây