Theo đó, triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng sâu rộng về nội dung tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tác phẩm) nhằm làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về những nội dung cốt lõi trong Tác phẩm. Tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nâng cao ý thức, trách nhiệm, quyết tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó, yêu cầu việc tổ chức đợt sinh hoạt phải được triển khai nghiêm túc, thường xuyên; hình thức tổ chức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả, tiết kiệm, cần tập trung vào những nội dung cơ bản, cốt lõi, vấn đề trọng tâm, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các sự kiện chính trị của đất nước, thành phố và các địa phương, đơn vị.
Về sinh hoạt tác phẩm
với những nội dung cốt lõi của tác phẩm:
Thứ nhất, “Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam”, làm rõ một số vấn đề có tính lý luận về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam, tổng kết thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở nước ta trong 10 năm qua, chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Thứ hai, “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc, Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Bản chất của Đảng; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh; Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, liêm khiết; Chống tham nhũng, tiêu cực; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Việc “Rèn luyện suốt đời, thường xuyên tự soi, tự sửa” của cán bộ, đảng viên. Chỉ ra các biểu hiện, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên: sợ trách nhiệm, móc ngoặc, tham ô, làm xiếc, một sự thật nhức nhối,... Chỉ ra giá trị đích thực của người cán bộ, đảng viên: uy tín, mối quan hệ giữa chức vụ và uy tín, cái làm nên uy tín của đảng viên. Khẳng định chân lý: suy cho cùng mọi thành bại đều do con người; sự nghiệp cách mạng thành bại cũng chủ yếu do cán bộ, đảng viên. Từ đó, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, nâng cao năng lực, trình độ.
Thứ ba, “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”
, khẳng định vai trò to lớn và uy tín rất cao của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo đối với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bày tỏ sự tin tưởng, đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân đối với cuộc đấu tranh phòng,chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng và đồng chí Tổng Bí thư. Mong muốn, đòi hỏi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không dừng, không nghỉ mà phải kiên quyết, kiên trì chống “Giặc nội xâm” đến cùng.
Song song đó, làm rõ giá trị của Tác phẩm là cẩm nang trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề rất cốt lõi để xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh. Tác phẩm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là sự tổng kết thực tiễn phong phú, rút ra những vấn đề có tính lý luận và các bài học kinh nghiệm quý để củng cố thêm bản lĩnh, sức mạnh và niềm tin. Tác phẩm khẳng định thành tựu và ý nghĩa to lớn của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong những năm qua với vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, khoa học, bài bản, chắc chắn, hiệu quả. Tác phẩm cho thấy sự nhất quán giữa nói và làm; sự kiên trì đấu tranh không ngừng nghỉ; sự thống nhất giữa những nung nấu nhiều năm và hành động quyết liệt trong đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tác phẩm khẳng định niềm tin, sự đồng tình, ủng hộ, cổ vũ của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội, chính khách, học giả nước ngoài với quyết tâm của Đảng và những chỉ đạo hiệu quả của đồng chí Tổng Bí thư trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam.
Về hình thức và thời gian thực hiện: Đưa việc giới thiệu Tác phẩm vào trong sinh hoạt của cấp ủy, sinh hoạt chi bộ hàng tháng; sinh hoạt chuyên đề của từng chi bộ; tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học…Việc triển khai đợt sinh hoạt cần được tổ chức thường xuyên, tập trung cao điểm vào dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước như: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9,… Đối với cấp thành phố tổ chức Hội nghị chuyên đề sinh hoạt chính trị tư tưởng về tác phẩm vào dịp kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2023) và kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2023).
Các địa phương, đơn vị căn cứ tình hình thực tế có hình thức tổ chức sinh hoạt phù hợp như: hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt lệ của chi bộ, hội, đoàn thể,…