Hoài niệm âm thanh xưa

Thứ ba - 19/09/2023 05:49 431 0
Những tiếng chim hót líu lo, tiếng gió lao xao từ thiên nhiên đến tiếng ru hời của mẹ, tiếng đờn Trầm mặc, tiếng mái chèo khua nước trên sông trong cuộc sống hằng ngày... tất cả làm nên âm thanh cuộc sống. Tại Bảo tàng TP Cần Thơ, có một chuyên đề đang được trưng bày tái hiện những thanh âm như thế, mang tên “Âm thanh xưa”.
19 9 thuyetminh
Thuyết minh viên giới thiệu về âm thanh thuở khẩn hoang. 

Bước vào không gian trưng bày, khách tham quan thích thú khi hòa cùng tiếng của thuyết minh viên giới thiệu nội dung là tiếng chim hót líu lo, tiếng khua nước, tiếng phát cỏ... để tái hiện âm thanh thuở khẩn hoang vùng đất Nam Bộ. Thuở mà ông ta nhắc qua câu ca dao: “Xứ đâu có xứ lạ lùng/ Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng kinh”. Và rồi nhờ công đức của bao thế hệ tiền nhân “Tiền hiền khai khẩn, Hậu hiền khai cơ”, những âm thanh từ cuộc khẩn hoang đã thay dần tiếng động nơi hoang dã, dần dà làm nên vùng đất Nam Bộ trù phú, xanh tươi. Ðể minh chứng cho điều này, Bảo tàng TP Cần Thơ đã khéo léo giới thiệu hình ảnh phát cỏ bằng phảng.

Cuộc đời của mỗi người, ai cũng đều lớn lên từ tiếng ru của bà, của mẹ. Những tiếng ru ngọt ngào đã nuôi lớn đời ta. Ở Nam Bộ, còn có loại hình hò, với các bối cảnh không gian như trong sinh hoạt, ngoài đồng ruộng, trên sông nước... Ðiệu hò lanh lảnh trên sông, văng vẳng trên cánh đồng đang mùa cấy... làm nên nét đẹp văn hóa của vùng đất này. Ðiệu hò, lời ru làm cho thanh âm cuộc sống thêm phong phú. Hò Cần Thơ và Hát ru của người Việt ở Cần Thơ cũng là hai loại hình di sản được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong phần giới thiệu âm thanh trong kháng chiến, Bảo tàng TP Cần Thơ đã khiến nhiều người bất ngờ và xúc động khi được nghe tiếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Những âm thanh đó mãi trường tồn, vượt qua giới hạn của không gian và thời gian. Âm thanh đã làm biết bao triệu con tim của dân tộc Việt Nam dâng tràn niềm tự hào mỗi khi được nghe, nhất là vào dịp Quốc khánh 2-9.

Âm thanh trong kháng chiến còn được kể lại bằng phong trào “Tiếng hát át tiếng bom”, với những hình ảnh, hiện vật của các nghệ sĩ, chiến sĩ Văn công Cần Thơ thời kháng chiến; là chiếc kèn thúc quân từng vang lên những thanh âm vang dội; là những hình thức thông tin liên lạc như thông tin hữu tuyến, thông tin vô tuyến… trong bối cảnh đạn bom ác liệt. Ðặc biệt, âm thanh của đài phát thanh phát trên hệ thống loa công cộng, trên chiếc radio xưa... không những là ký ức mà còn ghi dấu trong lòng mỗi người những dấu ấn không phai.

Với phần âm thanh cuộc sống, khách tham quan được nghe xem những nhạc cụ tiêu biểu như đờn kìm được tôn vinh là “quân tử cầm” trong dàn nhạc của nghệ thuật đờn ca tài tử, trống skôrđay của đồng bào dân tộc Khmer, gia hồ cầm được đồng bào dân tộc Hoa thường dùng trong các dịp lễ hội... Ngoài rất nhiều chiếc radio được trưng bày, người xem còn thích thú với các máy hát đĩa than, đĩa nhựa, loa bông bí... đều đã “cao tuổi” nhưng vẫn còn hoạt động tốt. Kết thúc chuyên đề, nhà sưu tập Trần Anh Huy đã tỉ mỉ mở máy hát, tiếng NSND Út Trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu” vang lên với chất lượng âm thanh mộc tuyệt hảo, người nghe ai cũng dừng chân thưởng thức, gật gù khen hay".

Những âm thanh dù xưa hay nay cũng đều là những âm thanh cuộc sống, làm cho từng giờ, từng phút trôi qua của mỗi người thêm phần thú vị. Câu chuyện “Âm thanh xưa” mà Bảo tàng TP Cần Thơ kể lại qua chuyên đề này đã nói lên điều đó. Nhiều người mới hay, có những âm thanh thường nhật đôi khi không để ý, nhưng khi xem chuyên đề và nghĩ lại, lại thấy ý nghĩa vô cùng. Em Nguyễn Lan Phương, sinh viên Trường Ðại học Cần Thơ, nói: “Ông ngoại em có chiếc radio giống như cái trưng bày trong chuyên đề này, tới nay vẫn còn sử dụng tốt. Xem và nghe chuyện về “Âm thanh xưa”, em có nhiều cảm xúc”.

Chuyên đề “Âm thanh xưa” được sự hỗ trợ hiện vật của nhiều nhà sưu tập nổi tiếng ở Cần Thơ về thú chơi âm thanh xưa, như Trần Anh Huy, Võ Minh Mẫn, Lữ Gia. Nhìn cách ông Trần Anh Huy cẩn thận, tỉ mỉ thao tác chiếc máy hát, thích thú khi mọi người chăm chú nghe âm thanh phát ra từ chiếc máy, mới cảm nhận được tình yêu ông dành cho thú chơi này. Ông chia sẻ rằng, ông rất vui và tự hào vì các máy hát ông sưu tầm được giới thiệu đến đông đảo mọi người cùng xem, thưởng thức. Còn với ông Võ Minh Mẫn, âm thanh đặc trưng từ chiếc máy hát dĩa, mộc mạc, rè rè, thô ráp nhưng đầy sức cuốn hút, như có sự đồng điệu giữa người nghe và người hát trong đĩa.

Một lần tìm đến “Âm thanh xưa” để lặng nghe âm thanh cuộc sống mến thương đang réo rắt từng phút giây.
Bài, ảnh: Đặng Vĩnh Lộc
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây