Long Quang cổ tự ở Cần Thơ

Thứ tư - 20/09/2023 03:04 612 0
Long Quang cổ tự (ảnh) là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Cần Thơ, tọa lạc tại số 155/9, khu vực Bình Chánh, phường Long Hòa, quận Bình Thủy. Chùa có khuôn viên rộng khoảng 12.000m2, bao gồm cổng tam quan, chính điện, giảng đường, trai đường, thiền đường…
20 9 chua


Lược sử hình thành

Chùa Long Quang khai sơn năm Minh Mạng thứ năm (1824), tại thôn Bình Thủy. Thôn vốn được thành lập giữa thế kỷ XVIII, đến năm Gia Long thứ sáu (1807) trong thôn có một cậu bé 10 tuổi tên Võ Văn Quyền dốc lòng cầu đạo, lặn lội tới chùa Linh Quang ở Gia Định quy y với Hòa thượng Thiên Ấn, được Pháp danh Liễu Huệ. Sau mấy năm học đạo, chú tiểu Liễu Huệ phát nguyện thế độ, rồi thọ đại giới. Năm 20 tuổi, sư Liễu Huệ đầu Chánh pháp Nhãn tạng và được pháp hiệu Thiện Quyền. Sau đó Thiền sư Thiện Quyền lặn lội cầu học khắp các sơn môn, trong số đó có Giác Lâm (Gia Định), Huê Nghiêm (Thủ Đức). Bảy năm sau, tức năm Minh Mạng thứ năm, Thiền sư mới trở về quê quán lập một thảo am vừa tu hành vừa truyền bá Phật pháp.

Đến năm Minh Mạng thứ mười (1829), vì tín đồ quy y thọ giới quá đông, chiếc am tranh ấy trở nên chật chội, Thiền sư phát nguyện khuếch trương thành một ngôi chùa. Ban sơ đặt hiệu là Long Trường Tự, với ý nguyện cầu mong ngôi chùa bền như trời đất, vững như núi sông. Ngôi chùa Long Trường cũng đơn sơ bằng gỗ ngói như bao ngôi chùa khác. 

Lúc bấy giờ Hương chức Hội tề ở Bình Thủy có thế lực mạnh. Họ thấy trong chùa Long Trường có 6 nhà sư và hàng trăm người thường xuyên đến lễ bái nên tìm cách hoạnh họe hạch hỏi. Tình thế bắt buộc, Thiền sư phải làm đơn bẩm bạch gởi lên Tri huyện Vĩnh Định và Tuần phủ An Giang. Các quan trên thẩm tra và cuối cùng năm Minh Mạng thứ mười sáu (1835) chùa được đưa vào danh sách các tự viện và được miễn sưu thuế.

Khi Thiền sư Thiện Quyền viên tịch, đệ tử là Nguyễn Khánh Ân kế thế. Trong làng, có người phát nguyện đem dâng cúng ruộng đất để làm tài sản Tam bảo. Nhờ số ruộng đất này chư tăng trong chùa có đủ lương thực, an tâm tu học.

Rồi thực dân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, dân cư ly tán, chùa Long Trường cũng sa vào cảnh hương tàn khói lạnh. Trước cảnh ấy, sư đệ của Thiền sư khai sơn là Thiền sư Trần Quảng Văn về lo gìn giữ ngôi Tam bảo. Thầy Quảng Văn đã đổi hiệu từ Long Trường thành Long Quang (chữ Long là muốn giữ truyền thống chùa Long Trường, chữ Quang là muốn giữ truyền thống Tổ đình Linh Quang). Cuối năm Kỷ Hợi (1875), thầy cũng rời chùa vân du biệt tích. Hội tề và bổn đạo thôn Bình Thủy tìm thỉnh Yết-ma Trần Quảng Hiền về thay thế. Thầy Quảng Hiền và thầy Quảng Văn là người cùng họ, học cùng thầy. Từ khi thầy Quảng Hiền về thì chùa Long Quang được trùng hưng. Năm Đinh Hợi (1887), giáo thọ Phổ Minh ở chùa Hội Phước (Nha Mân) cúng một quả Đại hồng chung cổ nặng gần 200 cân.

Khi thầy Quảng Hiền viên tịch tại chùa Long Quang, do không có đệ tử truyền thừa nên những vị trụ trì sau đó không được lâu dài. Mãi đến năm Quý Tỵ (1893), Thiền sư Từ Quang về trụ trì, chùa Long Quang được trùng quang khởi sắc. Thiền sư Từ Quang viên tịch ngày 11 tháng 5 năm Giáp Tý (1924) trụ thế 49 năm, đệ tử là sư Từ Thới kế thế. Sư Từ Thới mất năm 1963, thọ 85 tuổi. Một năm sau dân làng mới tìm thỉnh thầy Chơn Khánh về lo việc đèn nhang kinh kệ. Thầy Chơn Khánh mất năm 1983, mãi đến mười năm sau đồng bào Phật tử mới thỉnh Đại đức Thích Bình Tâm về trụ trì(1).

Độc đáo bộ tượng thờ bằng gỗ

Tính đến nay, Long Quang cổ tự có tuổi đời khoảng 200 năm. Đến nay ngôi chùa vẫn giữ được những giá trị văn hóa, đặc biệt là ở lĩnh vực văn hóa vật thể. Chùa Long Quang có vị trí rất thuận lợi cho du khách, Phật tử đến viếng bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, vì ngoài con đường tráng xi măng sạch sẽ, chùa còn nằm cạnh dòng sông Bình Thủy hiền hòa.

Cổng tam quan rực sắc vàng là điểm nổi bật để du khách, Phật tử nhận ra khi đến chùa. Trên cổng lớn chính giữa có dòng chữ Long Quang cổ tự, cổng nhỏ bên tay trái (nhìn từ ngoài vào) có 2 chữ Từ Bi; cổng nhỏ bên tay phải có 2 chữ Trí Tuệ. Ở cổng tam quan này có cặp câu đối (phiên âm): Long đức phổ thập phương, Phật đạo hoằng thâm chính giáo / Quang minh chiếu tam giới, thiền lâm quãng nhuận chân truyền (Dịch nghĩa: Đức thịnh chiếu mười phương, đạo Phật tỏa sâu chính pháp / Ánh hồng soi ba cõi, rừng thiền nhã lỗi chân truyền(2)).

Chính điện của chùa được cất theo lối thượng lầu hạ hiên. Điện thờ chính được đóng bằng gỗ có hai bậc, bên trên có bức hoành phi bằng gỗ, được làm theo kiểu cuốn thư, chạm trổ tinh xảo, ở giữa có hàng chữ: Đại hùng bảo điện. Bậc trên thờ ba pho tượng Tam thế Phật: giữa là tượng Bồ Tát A Di Đà, bên trái là tượng Bồ Tát Đại Thế Chí, bên phải là Bồ Tát Quán Thế Âm. Bậc dưới tôn trí tượng Bồ Tát Di Lặc miệng cười tươi đang đùa giỡn với hai đứa trẻ. Phía trước là tượng Thích Ca nhập niết bàn, cùng các đồ thờ tự như chuông, mõ, nhang đèn…

Đối diện với gian chính điện là cửa ra vào, phía bên tay trái (nhìn từ ngoài vào) là tượng ông Ác và tượng Hộ Pháp; bên tay phải (cũng nhìn từ ngoài vào) là tượng của ông Thiện và tượng ông Tiêu. Vách trái của gian chính điện là bàn thờ của 9 pho tượng La Hán, kế tiếp là bàn thờ của Bồ Tát Quán Thế Âm - tượng Quán Thế Âm ở giữa cao lớn, hai bên là tượng của Thiện Tài và Đồng Tử được làm nhỏ hơn; kế bàn thờ Quán Thế Âm là bàn thờ của Long Vương - tượng Long Vương đặt chính giữa, hai bên là tượng của Diêm Vương và Phán Quan; sau cùng là bàn thờ của Bà Ngũ Hành gồm năm bức tượng của Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Vách phải của gian chính điện cũng là bàn thờ của 9 pho tượng La Hán; kế tiếp là bàn thờ của Bồ Tát Địa Tạng; sau đó là bàn thờ của ba vị Quan Công, Bồ Đề Đạt Ma và Giám Trai - trong đó, tượng của Bồ Đề Đạt Ma ở giữa, bên trái là tượng Giám Trai, còn bên phải là tượng của Quan Công; sau cùng là bàn thờ của Ngọc Hoàng.

Phía sau điện thờ chính là bàn thờ Hậu Tổ. Phía trên là tượng Chuẩn Đề Bồ Tát 18 tay ngồi trên lưng chim hạc được chạm khắc vô cùng sắc sảo, xung quanh có bài trí long vị, các bức di ảnh của các Hòa Thượng trụ trì chùa qua các thời kỳ. Phía sau chùa là khu tháp rộng 2.000m2, là nơi chứa di cốt của các cố trụ trì chùa, cùng với nhiều hoa kiểng, hồ sen, tạo cho khuôn viên chùa thêm tĩnh lặng, trang nghiêm giữa chốn thiền môn.

Các tượng thờ này đều do Thiền sư Từ Quang rước nhóm nghệ nhân tài hoa ở Cần Thơ đứng đầu là Tài Công Kiềm tạo tác vào năm 1922. Tất cả có khoảng 50 tượng, đều bằng gỗ giáng hương, “từ tượng Phật, Bồ Tát, đến các vị thần theo tín ngưỡng dân gian. Đặc biệt nhất có tượng Hộ Pháp, Tiêu Diện và các vị La Hán. Tài Công Kiềm đã ngồi hàng tháng trời đục đẽo từ một khối gỗ chứ không lắp ghép như các nghệ nhân khác. Cái hay là người thợ tài hoa này đã tạo được cái thần của từng pho tượng. Hộ Pháp thì oai hùng, Ngọc Hoàng thì đường bệ. Tiêu Diện thì dũng mãnh, Ngài xăm xăm bước tới, tay cờ, tay chuông, hất tung giáp trụ về phía sau. Bộ La Hán còn tài tình hơn nữa. Có vị khoái trá ngoáy tai. Có vị cười hả hê. Có vị vừa bàn Thiền vừa nhịp chân rung cả giày dép. La Hán biểu tượng lục căn, lục trần, lục thức nên mỗi vị đều cỡi một con thú, vừa cầm một món bửu bối tượng trưng cho giác quan của con người. Nếu con người khắc phục được thì trở thành La Hán. Bằng không thì bọn thú dữ khuấy động, chúng trở thành trộm cướp đê tiện. Tài Công Kiềm tạc bộ La Hán chùa Long Quang là ngụ ý như thế”(3).

Giá trị lịch sử

Ngoài các giá trị về điêu khắc, nghệ thuật, chùa Long Quang còn có giá trị về lịch sử, vì nơi đây từng là nơi nuôi giấu, là điểm liên lạc của nhiều cán bộ hoạt động ở vùng ven và nội thành Cần Thơ trong thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ: “Năm 1945, trong hoàn cảnh toàn dân đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, chùa Long Quang được tháo dỡ lấy cây làm cản ngăn tàu giặc ở sông Bình Thủy gần rạch Phố nên gọi là cản Phố chùa. Ngoài ra quả đại hồng chung nặng gần 200kg và các bộ từ khí bằng đồng thau của chùa cũng được mang đến Công binh xưởng khu 9 để chế tạo vũ khí đánh giặc. Có thể nói chùa Long Quang đã cống hiến một phần lớn tài sản cho Cách mạng trong giai đoạn đánh Pháp giành độc lập cho dân tộc”(4).

Hằng năm, chùa tổ chức các kỳ lễ lớn: cúng Thượng Ngươn vào tháng Giêng âm lịch; cúng Trung Ngươn vào tháng Bảy âm lịch; cúng Hạ Ngươn vào tháng Mười âm lịch... Với những giá trị vừa nêu, Long Quang cổ tự đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra quyết định số 774/QĐ.BT công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào ngày 21-6-1993.

Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều

(Theo BCT)

---------------------

(1) Trương Ngọc Tường (2006), “Chùa Long Quang”, in trong cuốn “Chùa cổ Việt Nam”, Vũ Ngọc Khánh (Chủ biên), NXB Thanh Niên, tr.137-142.

(2) Lê Minh Phán dịch.

(3) Trương Ngọc Tường, Sđd, tr.140-141

(4) Lê Minh Phán (2005), “Long Quang cổ tự”, in trong cuốn “Bước đầu tìm hiểu văn hóa dân gian Bình Thủy - Long Tuyền” (Nhiều tác giả), NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, tr.128.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây