Bản sắc Nam Bộ qua những điệu múa

Thứ bảy - 04/06/2022 11:08 446 0
Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức, từ ngày 1-6 đến ngày 5-6. Ðoàn TP Cần Thơ hoàn thành tốt chương trình thi diễn, với các tiết mục ấn tượng, mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ.

 

Tiết mục múa “Phương Nam lễ tạ”.

Chương trình thi diễn của Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ gồm 5 tiết mục, gồm: “Vòng xoáy cuộc đời” (múa đương đại), “Phương Nam lễ tạ” (múa dân gian dân tộc Kinh), “Tiến sĩ giấy” (múa dân gian đương đại), “Nghe tiếng đàn buông trên sông” (múa dân gian đương đại) và “Vui mùa hành tím” (múa dân gian Khmer). Với nội dung và cách thể hiện, ngôn ngữ múa phong phú, giàu tính nghệ thuật, chương trình nhận được sự đánh giá cao từ Ban Giám khảo và khán giả.

Lấy cảm hứng từ điệu múa rỗi, múa mâm vàng trong văn hóa tín ngưỡng dân gian Nam Bộ, tiết mục “Phương Nam lễ tạ” do NSƯT Nhật Danh - Quang Hiếu biên đạo, mang màu sắc huyễn hoặc và hấp dẫn người xem. Những chàng trai, cô gái tay bưng mâm vàng, uyển chuyển từng bước đi theo đúng điệu múa mâm vàng truyền thống trong các lễ cúng Bà Chúa Xứ, cúng Cầu an... của người Nam Bộ. Với bố cục chặt chẽ, kết hợp động tác hài hòa của đội múa, “Phương Nam lễ tạ” mang thông điệp về khát vọng cuộc sống ấm no, mùa màng tươi tốt... Một tiết mục khác cũng đầy ấn tượng là bài múa “Tiến sĩ giấy”, do NSƯT Nhật Danh - Tuấn Kiệt biên đạo, lấy cảm hứng từ tác phẩm trào phúng “Tiến sĩ giấy” của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Nghệ sĩ Tuấn Kiệt thành công khi hóa thân thành nhân vật lão hoa man, người làm nên những ông tiến sĩ giấy “cũng cờ, cũng lộng, cũng cân đai”.... nhưng chỉ cần một chút bất cẩn, các tiến sĩ giấy tiêu tan trong biển lửa. Tiết mục múa sử dụng thể loại múa dân gian đương đại, với ngôn ngữ múa mới mẻ, hấp dẫn.

Với “Vui mùa hành tím”, trên chất liệu múa dân gian Khmer, hai biên đạo là NSƯT Nhật Danh - Khánh Ngọc đã kể về những người nông dân Khmer cần cù ươm mầm, vun trồng để rồi có được vụ hành tím bội thu. Âm nhạc, vũ điệu vui tươi, cuốn hút, là điểm nhấn của tiết mục này. NSƯT Nhật Danh cho biết: “Tham gia hội thi, chúng tôi muốn mang đến sự mới mẻ trên chất liệu truyền thống. Cảm hứng từ những cánh đồng hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng, chúng tôi đã sáng tạo nên tác phẩm này”.

Biên đạo Văn Nam cũng mang đến hội thi một bài múa ấn tượng là “Nghe tiếng đàn buông trên sông”, qua phần thể hiện của Nguyễn Tiến - Bảo Trân. Với hình tượng cây đàn kìm lớn trên chiếc xuồng, đôi vợ chồng trẻ gắn bó, vượt qua bao khó khăn để đắp xây hạnh phúc. Tiếng đàn, cây đàn kìm luôn đồng hành cùng tình yêu sắt son đó...

5 tiết mục tham gia hội thi đều được đầu tư công phu từ kịch bản, biên đạo đến thể hiện của nghệ sĩ. Ðiểm ấn tượng của chương trình là các tác giả, biên đạo đã khéo léo sử dụng các chất liệu văn hóa đặc trưng ở Nam Bộ như múa truyền thống của dân tộc Kinh, dân tộc Khmer, nghệ thuật đờn ca tài tử, tín ngưỡng dân gian... để làm nên những tác phẩm múa độc đáo. Các chất liệu ấy được biến tấu thành ngôn ngữ múa mượt mà, không gượng gạo và đầy hấp dẫn.

Hội thi Múa không chuyên toàn quốc năm 2022 sẽ tổng kết, trao giải tối 5-6 tại Ðài PT-TH tỉnh An Giang. Với phần thể hiện ấn tượng, hy vọng đơn vị TP Cần Thơ sẽ đạt thành tích tốt tại hội thi.

Bài, ảnh: Đăng Huynh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây