Tuy là tản văn nhưng kết cấu và cách viết của tác phẩm gần giống như tiểu thuyết hay hồi ký với 6 chương và nội dung liền mạch. Qua gần 350 trang sách, độc giả hòa mình vào những ký ức, hoài niệm về một thời đáng nhớ với thanh xuân và học đường của tập thể lớp 11A2 cùng cô giáo chủ nhiệm tâm huyết.
Vừa tốt nghiệp ra trường, cô giáo trẻ khá lo lắng khi được phân công làm chủ nhiệm của một lớp nổi tiếng cá biệt trong trường. Quả thật, những học sinh cá tính, nghịch ngợm, học hành chểnh mảng khiến cô nhiều phen đau đầu, khổ sở khi liên tiếp giải quyết những vấn đề ngoài dự đoán. Phụ huynh của các em cũng có nhiều người không hiểu và phê phán phương pháp giáo dục của cô. Bằng sự quyết tâm và trách nhiệm, cô dần cảm hóa được những học trò cá biệt, khuyên bảo và giúp đỡ được các em có ý định bỏ học; đưa tập thể lớp ngày càng đoàn kết và phát triển, thành tích học tập ngày càng tiến bộ…
Đọc sách, có thể cảm nhận rõ ràng không khí học đường hơn 40 năm trước qua từng câu chuyện, đoạn đối thoại được tái hiện sinh động, gần gũi. Ở cái thời chưa có điện thoại di động, mạng xã hội, game hay công nghệ phát triển như bây giờ, thầy trò hay mọi người kết nối với nhau một cách bình dị qua những lúc trò chuyện, buổi họp lớp, họp phụ huynh, đi tham quan, đi lao động hay những lá thư hoặc những buổi đến thăm nhà học sinh của giáo viên… Tuy đơn giản nhưng rất chân phương và ấm áp nghĩa tình. Đó là cái tình của giáo viên luôn lo lắng, quan tâm học trò, muốn hướng các em đến những điều tốt đẹp nhất. Đó là sự kính yêu, quý mến cô giáo của học sinh và phụ huynh. Là sự cố gắng từ 2 phía trong dạy và học, trong truyền đạt và tiếp thu không chỉ kiến thức mà còn hình thành nhân cách, ý thức và cả định hướng tương lai…
Ở ngôi trường đa sắc tộc và học sinh mỗi người một hoàn cảnh, một cá tính, giáo viên chủ nhiệm phải là người tận tâm, nhiệt huyết và trách nhiệm mới có thể giúp các em thay đổi lối sống, tư duy và cố gắng học tập để ngày càng tốt hơn. Như cái cách mà cô giáo đã làm để khiến Thăng, Tú ngoan hơn, bớt quậy phá, chọc ghẹo bạn bè; để giúp Linh biết chăm sóc ngoại hình, thay đổi thói quen hành xử, trở thành cô gái xinh đẹp, dịu dàng hơn; để giúp gia đình Chi, Phơ vượt qua khó khăn về kinh tế hay rạn nứt tình cảm, tiếp tục học hành… Hay những buổi tham quan, dã ngoại, tập văn nghệ, các chương trình hoạt động ngoại khóa do cô đề ra đã giúp phát huy năng khiếu của từng học sinh cũng như tinh thần đoàn kết của tập thể lớp. Cứ thế, sự kiên trì, nhẫn nại cùng tấm lòng của cô giáo trẻ dần khiến học sinh và phụ huynh thay đổi theo chiều hướng tích cực và họ ngày càng quý mến cô nhiều hơn. Kết quả cuối năm, tập thể lớp 11A2 đã đạt nhiều thành tích cao trong học tập và các phong trào, là “Trái ngọt” xứng đáng cho những nỗ lực hết mình của cô trò trong suốt một năm học.
Tình cảm cô trò trong 1 năm ấy vẫn bền chặt cho đến hơn 40 năm sau, khi cô giáo lấy chồng và chuyển về Tiền Giang công tác, các học trò dù đã có cuộc sống riêng và sự nghiệp vẫn thường xuyên đến thăm cô chủ nhiệm cũ và kết nối cả lớp để biết tình hình của nhau. Dõi theo hành trình trưởng thành và đón nhận tình cảm của học trò dành cho mình là niềm hạnh phúc của “người đưa đò” thầm lặng như tác giả.
Bên cạnh tình thầy trò, tác phẩm còn khắc họa sinh động nét văn hóa đặc trưng về phong tục tập quán, ẩm thực… của đất và người Sóc Trăng và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Trên hết, là sự cho đi - nhận lại đầy ấm áp, nghĩa tình của người miền Tây nhân hậu, phóng khoáng.
Cát Đằng