Hằng năm, vào ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân Cần Thơ và các tỉnh về dự lễ giỗ của Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa. Lễ giỗ đã trở thành lễ hội truyền thống của quận Bình Thủy nói riêng và TP Cần Thơ nói chung với nhiều hoạt động phong phú, đậm bản sắc văn hóa truyền thống. Năm nay, lễ giỗ lần thứ 152 của cụ Thủ khoa tiếp tục được tổ chức tại Khu tưởng niệm Thủ Khoa Bùi Hữu Nghĩa (đường Huỳnh Mẫn Đạt, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy) vào 2 ngày 28 và 29/02/2024.
Hằng năm, vào ngày 19 và 20 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân Cần Thơ và các tỉnh về dự lễ giỗ của Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa.
Tên tuổi, đức độ và văn tài của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa từ xưa đã được Nhân dân, các nhân sĩ, trí thức ghi nhận và tôn vinh. Nhờ đó, danh tiếng “Rồng Vàng” xứ Ðồng Nai xưa được truyền lưu hậu thế.
Ca dao Nam Bộ có câu:
“Đồng Nai có bốn Rồng Vàng
Lộc họa, Lễ phú, Sang đàn, Nghĩa thi”
Câu ca dao này nhắc đến là Đồng Nai, không phải là địa giới hành chính hiện đại mà lúc bấy giờ, xứ Đồng Nai được tạm hiểu là gần cả Nam bộ ngày nay. Trong 4 nhân vật được xưng tụng Rồng Vàng xứ Đồng Nai, Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa giỏi ở lĩnh vực thơ, bên cạnh các nhân vật khác giỏi về mỹ thuật, viết phú và ngón đàn. Ở một vùng đất rộng lớn như vậy, việc Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được vinh danh Rồng Vàng là một vinh dự lớn.
Đời truyền đời, người Bình Thủy, người Cần Thơ vẫn luôn tự hào về gương sáng “Rồng Vàng” Bùi Hữu Nghĩa, từ đó nỗ lực bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của tiền nhân, góp phần làm dày thêm bản sắc văn hóa cho vùng đất này. Tên Danh nhân văn hóa Bùi Hữu Nghĩa còn được chọn đặt tên cho phường, trường THPT, đường, quỹ khuyến học... của quận Bình Thủy. Ngoài ra, quận Bình Thủy cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia - Mộ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa (hiện nay gọi là Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa). Lễ giỗ của cụ Thủ khoa diễn ra trong 2 ngày, 19 và 20 tháng Giêng (âm lịch), rất trang nghiêm, thành kính.
Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa hiệu Nghi Chi (1807-1872), quê quán tại thôn Bình Thủy, tổng Vĩnh Định (nay thuộc quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Ông là vị quan thanh liêm, danh nhân văn hóa nổi tiếng, được tôn vinh là “Rồng Vàng” của đất Nam bộ. Khu mộ cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1994. TP Cần Thơ đã đầu tư xây dựng, mở rộng khu mộ thành Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa, đưa vào hoạt động vào năm 2012.
Tin, ảnh: Nguyễn Tín